Dấu ấn giữa nhiệm kỳ Đại hội XVII Đảng bộ tỉnh

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đề ra 3 nhiệm vụ đột phá, 5 chương trình trọng tâm và 17 chỉ tiêu cụ thể. Với quyết tâm chính trị cao cùng tinh thần đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, khát vọng vươn lên của cả hệ thống chính trị và nhân dân, nhiều chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã “cán đích”, đảm bảo tiến độ đề ra, tạo nền tảng để tỉnh ta bứt phá, vươn lên trong những năm tới.

Quyền Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Dũng thăm hỏi, trao đổi với người dân xã Hùng An (Bắc Quang) về chính sách đền bù, tái định cư.

Giao thông “đi trước mở đường”

Giao thông được ví như mạch máu của nền kinh tế, có sứ mệnh “đi trước mở đường”, tạo nền tảng cho kinh tế phát triển. Bởi vậy, 1 trong 3 nhiệm vụ đột phá theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII chính là xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại, bền vững, hiệu quả, có tính kết nối cao, có thứ tự ưu tiên trọng tâm, trọng điểm. Trên cơ sở đó, thu hẹp khoảng cách vùng miền, tạo động lực phát triển KT-XH nhanh, bền vững, củng cố vững chắc QP-AN.

Dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 2, đoạn đầu cầu Mè (thành phố Hà Giang) mở ra không gian và tạo lực đẩy KT - XH khu vực trung tâm kinh tế - chính trị của tỉnh.

Chủ đầu tư tích cực đôn đốc nhà thầu thi công huy động nhân lực, phương tiện, máy móc đẩy nhanh tiến độ dự án đường ra Cửa khẩu Nghĩa Thuận (Quản Bạ).

Để thực hiện nhiệm vụ đột phá trên, ngày 22.12.2021, BCH Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết 22 về đột phá kết cấu hạ tầng giao thông, giai đoạn 2021 – 2025; trong đó, tập trung, ưu tiên, huy động nguồn lực triển khai thực hiện các dự án giao thông trọng điểm, có tính kết nối vùng cao như: Dự án đường cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang (giai đoạn 1) đoạn qua tỉnh Hà Giang với chiều dài 27,48 km, quy mô 2 làn xe (giải phóng mặt bằng 4 làn xe), bề rộng nền đường 12 m, tổng mức đầu tư gần 3.200 tỷ đồng; hoàn thành nâng cấp, cải tạo, đưa vào sử dụng Quốc lộ 279 đoạn nối thị trấn Việt Quang (Bắc Quang) với xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên (Lào Cai) và Quốc lộ 2 đoạn cửa ngõ phía Nam thành phố Hà Giang. Cùng với đó, các tuyến Quốc lộ 4C, 280, 34, đường đi Cột cờ Quốc gia Lũng Cú và 7 tuyến đường tỉnh được nâng cấp, cải tạo cơ bản đạt cấp IV, V miền núi.

Quyền Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Dũng và đoàn công tác kiểm tra quy hoạch gói thầu 03-XL (Km0+00 - Km12+500) Dự án đường cao tốc Hà Giang – Tuyên Quang.

Song song với kết quả trên, toàn tỉnh hoàn thành nâng cấp, cải tạo, sửa chữa, đưa vào sử dụng hơn 80 km đường giao thông tuyến huyện, cứng hóa 947 km đường trục xã, trục thôn và đường nội đồng. Đặc biệt, 100% số xã có đường ô tô cứng hóa đến trung tâm xã, 100% số thôn, bản có đường xe cơ giới đến trung tâm với 1.732 tuyến, tổng chiều dài 6.200 km. Phấn đấu đến hết năm 2023, 82/124 thôn biên giới có đường giao thông đạt chuẩn Nông thôn mới…

Phát triển kinh tế đi đôi với đảm bảo an sinh xã hội

Triển khai đồng bộ các giải pháp đột phá: Phát triển du lịch, nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị và thực hiện nhiệm vụ trọng tâm về phát triển kinh tế theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã tạo nên gam màu tươi sáng cho bức tranh tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang) Đặng Quốc Khánh trò chuyện, thăm hỏi bà con thôn Tân Bình, thị trấn Yên Bình (Quang Bình)

Nếu như năm 2022, lượng khách du lịch đến với Hà Giang xấp xỉ đạt 2,3 triệu lượt khách, doanh thu từ du lịch đạt trên 4.500 tỷ đồng thì năm 2023 có khoảng 3 triệu lượt khách với tổng doanh thu ước đạt 5.000 tỷ đồng. Đặc biệt, tỉnh ta đã, đang triển khai nhiều giải pháp, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn theo hướng: Sản phẩm đặc sắc – Dịch vụ chuyên nghiệp – Thủ tục thuận tiện – Giá cả cạnh tranh – Môi trường vệ sinh sạch đẹp – Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện. Cùng với kết quả trên, tỉnh đã tập trung đẩy mạnh phát triển 5 cây (ăn quả ôn đới, chè Shan tuyết, dược liệu, lúa đặc sản, Tam giác mạch), 3 con đặc hữu (bò Vàng, lợn đen, mật ong Bạc hà) có giá trị kinh tế cao để hình thành vùng sản xuất nông nghiệp đặc trưng. Đến nay, toàn tỉnh có 8 sản phẩm được cấp chỉ dẫn địa lý, 30 sản phẩm có nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể, hơn 200 sản phẩm có nhãn hiệu độc quyền và 201 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, trở thành hàng hóa đặc trưng, chủ lực của tỉnh. Nhiều sản phẩm mang lại giá trị kinh tế cao cho người sản xuất như: Sản phẩm lợn đen, chè Shan tuyết, cam Sành, dược liệu (thảo quả) có giá trị sản xuất từ gần 500 tỷ đồng đến hơn 600 tỷ đồng/sản phẩm/năm...

Phó Bí Thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thào Hồng Sơn thăm khu trồng cây dược liệu Hà Thủ Ô đỏ của HTX dược liệu Phiêng Luông (Bắc Mê).

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn thăm mô hình cải tạo vườn tạp sang trồng nho của gia đình chị Hoàng Thị Cử, thôn Chung, xã Xuân Giang (Quang Bình).

Đi liền với phát triển kinh tế, cấp ủy tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc. Minh chứng điển hình cho thấy, thực hiện chủ trương của cấp ủy tỉnh về cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ, tạo sinh kế cho nhân dân; đến nay, toàn tỉnh có 1.935 vườn cho hiệu quả kinh tế với thu nhập gần 19 triệu đồng/hộ/năm, cao gấp 2 – 3 lần so với trước khi cải tạo. Mặt khác, thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia, tỉnh ta đã chú trọng thực hiện các giải pháp hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng chính sách xã hội vươn lên trong cuộc sống. Nổi bật như: Hỗ trợ người dân xây dựng 1.935 bể trữ nước sinh hoạt, 3.490 công trình nhà tắm, 3.823 công trình nhà tiêu hợp vệ sinh; cứng hóa, di dời 1.612 chuồng trại ra xa nhà thực hiện nếp sống văn minh; giúp 72.409 lượt hộ nghèo, đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn vay 480,2 tỷ đồng để phát triển sản xuất. Đặc biệt hơn, tỉnh ta đã huy động nguồn lực xã hội hóa lên đến 186,78 tỷ đồng để hỗ trợ xây dựng 3.113 căn nhà cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo các xã biên giới (giai đoạn 2).

Theo số liệu thống kê của cơ quan chuyên môn: Giai đoạn 2021 – 2023, tốc độ tăng tổng sản phẩm bình quân trên địa bàn tỉnh đạt 5,94%; giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,66%; giá trị thu hoạch bình quân/đơn vị diện tích đất canh tác đạt 62 triệu đồng/ha, tăng 12 triệu đồng/ha so với năm 2020; giá trị sản xuất công nghiệp năm 2023 ước đạt 9.200 tỷ đồng, tăng 53% so với năm 2020. Dự kiến năm 2023, kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt khoảng 270 triệu USD (tăng 4,5% so với năm 2020); tỷ lệ nghèo đa chiều giảm còn 45,75%.

Xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt

Hiện nay, Đảng bộ tỉnh có 15 Đảng bộ trực thuộc, 844 tổ chức cơ sở Đảng (TCCSĐ), 3.743 Chi bộ trực thuộc Đảng ủy cơ sở. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, toàn tỉnh kết nạp 4.650 đảng viên mới, nâng tổng số đảng viên trong toàn Đảng bộ tỉnh lên hơn 73.500 đảng viên. Để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, cấp ủy tỉnh đã tập trung lãnh đạo xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về tư tưởng, tổ chức và đạo đức; kết hợp hài hòa giữa “xây” và “chống”, lấy “xây” là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài, “chống” là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thào Hồng Sơn thăm gia đình anh Cử Mí Sính, thôn Phiêng Luông (Bắc Mê) được hỗ trợ làm nhà ở theo Quyết định 1953 của Tỉnh ủy .

Theo đó, các cấp ủy đã tiến hành kiểm tra, giám sát 5.535 cuộc đối với 1.619 TCCSĐ và 5.818 đảng viên, tập trung vào những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực. Qua kiểm tra, thi hành kỷ luật 21 TCCSĐ, 744 đảng viên, trong đó có 163 cấp ủy viên các cấp. Việc thi hành kỷ luật Đảng được thực hiện nghiêm theo quy định, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, góp phần quan trọng vào việc nâng cao vai trò, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ, đảng viên. Riêng công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được quan tâm triển khai đồng bộ, hiệu quả trên cả ba khâu: Phòng ngừa, phát hiện và xử lý. Đặc biệt, BTV Tỉnh ủy còn tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, kết thúc điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm như: Vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Yên Minh; vụ án vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản xảy ra tại xã Minh Ngọc (Bắc Mê); vụ án nhận hối lộ xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh... Cùng với kết quả trên, toàn tỉnh hiện có 1.670 mô hình “Dân vận khéo” hoạt động hiệu quả trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Qua đó, không chỉ góp phần đổi mới công tác dân vận của Đảng theo phương châm “Dân là gốc” mà còn củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Một góc thành phố Hà Giang hôm nay

Đến nay, trong tổng số 17 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã có 5 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu, 8 chỉ tiêu đạt từ 80% đến dưới 100%, 4 chỉ tiêu đạt từ 50% đến dưới 80%. Với quyết tâm chính trị cao của toàn Đảng, toàn dân cùng sự đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền tỉnh theo hướng trọng tâm, trọng điểm, kết hợp với khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, văn hóa sẽ là nền tảng để thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra. Trên cơ sở đó, từng bước hiện thực hóa mục tiêu đưa KT-XH Hà Giang phát triển khá trong khu vực miền núi phía Bắc.

THU PHƯƠNG

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/thoi-su-chinh-tri/202308/dau-an-giua-nhiem-ky-dai-hoi-xvii-dang-bo-tinh-aec27e6/