Dấu ấn giữa nhiệm kỳ Đại hội XI Đảng bộ tỉnh

Quyết liệt, táo bạo và bám sát thực tiễn, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đặt ra mục tiêu đến năm 2025, Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp, thuộc nhóm các tỉnh phát triển nhanh và bền vững, có quy mô kinh tế khá trong vùng Đông Nam Bộ. Dù nhiều khó khăn chưa có tiền lệ, song với tinh thần sáng tạo, khát vọng vươn lên, chung sức đồng lòng trong toàn Đảng bộ tỉnh và mọi tầng lớp nhân dân, Bình Phước dự kiến có 12/15 chỉ tiêu theo lộ trình đến cuối nhiệm kỳ sẽ đạt và vượt; còn 3/15 chỉ tiêu khó đạt kế hoạch đề ra.

Thúc đẩy nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng

Trong bối cảnh nhiều yếu tố khách quan không mấy thuận lợi, kinh tế tỉnh Bình Phước vẫn duy trì phát triển khá. Bình Phước đã bứt phá, tăng tốc các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của nhiệm kỳ và trở thành điểm sáng trong khu vực. Đến nay, sau nửa nhiệm kỳ, kinh tế Bình Phước phát triển với tốc độ tăng trưởng ước đạt 7,92%, năm 2023 thu ngân sách ước thực hiện 14.888 tỷ đồng, xuất siêu vượt ngưỡng 4,15 tỷ USD và sẽ cán đích chỉ tiêu nghị quyết 5 tỷ USD cho toàn nhiệm kỳ. Tính đến tháng 6-2023, toàn tỉnh thu hút 110 dự án vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với số vốn đăng ký hơn 1,2 tỷ USD; GRDP bình quân đầu người ước thực hiện đến hết năm 2023 là 93,2 triệu đồng, đạt 93,2% chỉ tiêu nghị quyết đại hội.

Đại diện chủ đầu tư dự án Khu du lịch hồ Suối Cam giai đoạn 2 báo cáo với Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền về tiến độ triển khai thực hiện dự án - Ảnh: Kim Phụng

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Bình Phước đã triển khai được 169/215 dự án, giải ngân gần 10.400 tỷ đồng, trong đó 82 dự án giao thông. Đặc biệt đến nay, những tuyến giao thông huyết mạch góp phần phát triển liên kết vùng như TP. Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, cao tốc Bắc - Nam phía Tây Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) đã được thống nhất thông qua, được Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đôn đốc triển khai thực hiện. Bà Phan Thị Kim Oanh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Bình Phước đang rất quyết liệt, tập trung triển khai thực hiện 2 dự án cao tốc. Các dự án hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ khu vực Tây Nguyên đi Bình Phước và các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tạo đột phá phát triển vùng và Bình Phước trong tương lai.

Bình Phước đẩy mạnh hạ tầng giao thông kết nối vùng và khu vực - Trong ảnh: Tuyến đường kết nối liên huyện Hớn Quản và thị xã Bình Long

Giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bình Phước đề xuất quy hoạch 61 cụm công nghiệp với diện tích 3.381 ha, tăng thêm 1.780 ha so với quy hoạch đã được duyệt.

Phát triển hạ tầng đô thị cũng là một trong 3 đột phá chiến lược. Trong nửa nhiệm kỳ, Bình Phước đã tập trung xây dựng và chỉnh trang đô thị thành phố Đồng Xoài, huyện Chơn Thành lên thị xã Chơn Thành. Trên địa bàn tỉnh cũng đã có 11 đô thị đóng vai trò là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế - xã hội của tỉnh… Tỷ lệ đô thị hóa ước đến năm 2023 toàn tỉnh đạt 36%.

Bình Phước đã đẩy mạnh quy hoạch, xúc tiến mở rộng tập trung 13 khu công nghiệp với tổng 4.656 ha, tạo việc làm cho hàng chục ngàn lao động. Dự kiến, quy hoạch phát triển các khu công nghiệp đến năm 2030 của Bình Phước khoảng 18.000 ha. Tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong tỉnh được khai thác, nhất là trong lĩnh vực chế biến sâu nông - lâm sản và công nghiệp hỗ trợ.

Đột phá cải cách hành chính, chuyển đổi số

Hiện nay, Bình Phước có 1.432 dịch vụ công kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia, đứng đầu cả nước và xếp thứ 8/63 tỉnh, thành phố về chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Định kỳ lãnh đạo tỉnh gặp mặt, đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp, nhà đầu tư kịp thời nắm bắt và giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh. Đồng thời, đẩy mạnh triển khai bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI), kết quả thứ hạng cạnh tranh DDCI.

Đến hết năm 2023, số bác sĩ/vạn dân ước đạt 8,9 (đầu nhiệm kỳ là 8,5 bác sĩ/vạn dân) - Trong ảnh: Khám, chữa bệnh cho người dân ở thị xã Bình Long

Năm 2021, Bình Phước xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố về chuyển đổi số. Chính quyền số được triển khai thông qua việc hiện đại hóa hoạt động hành chính, ứng dụng ký số, sử dụng văn bản điện tử... Năm 2022, Bình Phước xếp top đầu cả nước về thực hiện chính quyền số, cải cách thủ tục hành chính.

Ông Hà Anh Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Đồng Xoài cho biết: Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, thành phố Đồng Xoài đã đưa vào vận hành Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) với các hợp phần giáo dục, y tế, giám sát điều hành kinh tế - xã hội, giám sát dịch vụ công, quản lý văn bản… Các hoạt động công vụ của thành phố đều được số hóa, giảm công tác điều hành qua nhiều cấp. Thành phố cũng đã triển khai phần mềm quản lý văn bản và chữ ký số đến 100% đơn vị.

100% dịch vụ công trực tuyến của tỉnh được kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia đã giúp Bình Phước vươn lên top đầu cả nước về cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử. Bình Phước đang có sự bứt phá mạnh mẽ về chuyển đổi số.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh TRẦN TUỆ HIỀN

Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội

Thời gian qua, tỉnh đã chú trọng gìn giữ gắn với phát huy những giá trị văn hóa đậm đà bản sắc của 41 dân tộc anh em cùng sinh sống, thông qua lễ hội, liên hoan văn hóa - thể thao các dân tộc, phục dựng nhiều lễ hội, hoạt động văn hóa... bảo đảm đời sống văn hóa của người dân trên địa bàn phong phú, đa dạng.

Tỷ lệ thôn, ấp, khu phố được công nhận danh hiệu “thôn, ấp, khu phố văn hóa” giai đoạn 2021-2023 đều đạt trên 97%, vượt chỉ tiêu nghị quyết đề ra - Trong ảnh: Người cao tuổi huyện biên giới Bù Đốp tham gia sinh hoạt văn hóa, văn nghệ

Từ năm 2021 đến nay, Bình Phước luôn có hơn 95% hộ gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu “Gia đình văn hóa”; 97% thôn, ấp, khu phố và tương đương được công nhận, giữ vững danh hiệu thôn, ấp, khu phố văn hóa; 98% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa.

Giữ vững quốc phòng - an ninh, mở rộng đối ngoại

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các lực lượng vũ trang tỉnh và lực lượng đóng trên địa bàn đã thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự địa phương, củng cố các căn cứ hậu cần, tăng cường tiềm lực quân sự; thường xuyên kiểm tra, bảo vệ cột mốc biên giới, giữ vững an ninh, chủ quyền lãnh thổ của quốc gia. Trong nửa đầu nhiệm kỳ, tỉnh đã hoàn thành xây dựng Cụm công trình lưu niệm hành trình cứu nước của Thủ tướng Campuchia Hun Sen tại huyện Lộc Ninh; xây dựng tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị. Bình Phước đã phối hợp tổ chức các sự kiện quan trọng như: Chương trình giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam - Campuchia lần thứ nhất; lễ kỷ niệm 45 năm “Con đường tiến tới đánh đổ chế độ diệt chủng Pol Pot” của Thủ tướng Campuchia Hun Sen, 50 năm giải phóng Lộc Ninh, 50 năm Chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô...

Quốc phòng - an ninh luôn được bảo đảm - Trong ảnh: Bộ đội biên phòng tuyến Bù Đốp tuần tra, bảo vệ biên giới.

An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Các loại tội phạm, tệ nạn xã hội cơ bản được kiềm chế, không để hình thành băng nhóm tội phạm có tổ chức. Trật tự an toàn giao thông được chấn chỉnh, tai nạn giao thông hằng năm đều giảm trên cả 3 tiêu chí. Công tác điều tra, truy tố, xét xử các loại án đều đạt tỷ lệ cao; trong đó, các vụ án, vụ việc phức tạp, nổi cộm, dư luận xã hội quan tâm được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xử lý quyết liệt, đúng quy định.

Công tác kiểm tra, giám sát có nhiều tiến bộ, cả về số lượng đoàn, nâng cao chất lượng hoạt động. Tỉnh ủy đã ban hành và tổ chức thực hiện Đề án về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030…

Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh được Đảng bộ tỉnh quan tâm, có nhiều đổi mới và đạt những kết quả tích cực. Lần đầu tiên Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức lớp bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý tỉnh, thành lập ban chỉ đạo, hội đồng sát hạch tuyển chọn với quy trình nghiêm ngặt, chặt chẽ, công tâm, khách quan. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, toàn Đảng bộ tỉnh kết nạp hơn 3.300 đảng viên, đạt hơn 55% chỉ tiêu nghị quyết đại hội. Đến nay, toàn Đảng bộ tỉnh có 38.757 đảng viên, với 21 đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy, 731 tổ chức cơ sở đảng và 2.392 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở.

Những kết quả nổi bật trong nửa nhiệm kỳ 2020-2025 là cơ sở quan trọng tạo đà cho việc thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI. Bình Phước đã và sẽ có nhiều cơ hội thu hút đầu tư, tăng tốc phát triển trong khu vực. Truyền thống đoàn kết, khát vọng vươn lên của Đảng bộ và sự tin tưởng, đồng thuận của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp là động lực to lớn để Bình Phước phát triển nhanh, bền vững, vươn mình lớn mạnh trong khu vực.

Cẩm Liên

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/32/146217/dau-an-giua-nhiem-ky-dai-hoi-xi-dang-bo-tinh