Đặt tên sau sáp nhập huyện, xã: Phải hay, thuận tiện cho dân

Việc đặt tên mới sau sáp nhập huyện, xã cần rà soát, xem xét kỹ lưỡng các yếu tố về truyền thống, văn hóa, phong tục tập quán của địa phương, tránh gán ghép cơ học và gây bất tiện cho người dân

Các tỉnh, thành đã và đang khẩn trương thực hiện Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030. Dự kiến trong giai đoạn này, cả nước có 50 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.243 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện bắt buộc sắp xếp.

Tránh ghép tên cơ học

Theo quy định tại điều 129 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh đơn vị hành chính; đặt tên, đổi tên đơn vị hành chính cấp tỉnh, huyện, xã, đều thuộc thẩm quyền quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định phải được tiến hành theo quy trình, trình tự qua nhiều cấp và lấy ý kiến nhân dân.

Thời gian qua, nhiều địa phương đã tổ chức lấy ý kiến nhân dân về việc đặt tên đơn vị hành chính mới (cấp huyện, xã) sau khi sáp nhập. Thế nhưng, thời gian qua, trong quá trình triển khai phát sinh nhiều vấn đề bất cập, trong đó có chuyện "dở khóc dở cười" đặt tên xã, huyện mới.

Việc chọn tên mới sau sáp nhập ở một số địa phương đang có nhiều ý kiến trái chiều, bị cho là gán ghép cơ học, đồng thời có thể gây lãng phí xã hội, thiệt hại, phiền hà cho người dân trong việc thay đổi các thông tin về nhân thân của công dân.

Điển hình là tại huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), xã Quỳnh Đôi sáp nhập xã Quỳnh Hậu, dự kiến tên xã mới là Đôi Hậu; sáp nhập xã Quỳnh Mỹ và Quỳnh Hoa, dự kiến tên xã mới là Hoa Mỹ; sáp nhập xã Quỳnh Lương và Quỳnh Minh, dự kiến tên xã mới là Minh Lương… Trong đó, tên mới xã Đôi Hậu sau khi sáp nhập 2 xã Quỳnh Đôi và Quỳnh Hậu nhận nhiều ý kiến trái chiều nhất do ghép một cách cơ học.

Theo nhiều người dân, việc đặt tên xã mới là xã Đôi Hậu, bỏ tên xã cũ Quỳnh Đôi sau khi sáp nhập là không hợp lý. Bởi xã Quỳnh Đôi có lịch sử là làng khoa bảng nổi tiếng, là quê của nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Văn Tình (trú huyện Quỳnh Lưu) cho biết: "Tên xã Quỳnh Đôi có truyền thống lịch sử nhiều đời nay. Giờ sáp nhập, nếu đổi tên xã thành xã Đôi Hậu, bỏ hẳn tên Quỳnh Đôi, chúng tôi cảm thấy tiếc nuối khi mất đi tên một xã gắn với chiều dài lịch sử phát triển của Nghệ An cũng như cả nước".

Ông Nguyễn Xuân Dinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu, cho biết việc kiến nghị sắp xếp đơn vị hành chính của 2 xã Quỳnh Hậu và Quỳnh Đôi thành xã Đôi Hậu đang trong quá trình lấy ý kiến. Theo ông, do còn nhiều ý kiến trái chiều nên việc xác định tên gọi các đơn vị hành chính sau sáp nhập sẽ tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân.

Với nhiều công trình, di tích văn hóa, lịch sử, phường Văn Miếu và phường Quốc Tử Giám (quận Đống Đa, TP Hà Nội) sau sáp nhập vẫn giữ tên ban đầu là phường Văn Miếu - Quốc Tử GiámẢnh: HUY THANH

Tại tỉnh Khánh Hòa, trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính, UBND huyện Diên Khánh có văn bản thống nhất khi được nâng cấp lên phường thì thị trấn Diên Khánh thuộc huyện Diên Khánh sẽ được đổi tên thành phường Phú Thành; 2 xã Diên Đồng và Diên Xuân của huyện này sẽ có tên mới là xã Đồng Xuân. Nhiều người dân địa phương không đồng tình về cách đặt tên mới như trên, vì danh xưng Diên Khánh có từ lâu đời, nơi đây còn có thành cổ Diên Khánh được xây dựng cách đây hơn 230 năm, là địa danh mang ý nghĩa văn hóa, lịch sử, di sản tinh thần của người dân địa phương. Địa danh mới Phú Thành là một cái tên xa lạ, không hề có sự liên kết với vùng đất Diên Khánh.

Việc ghép 2 chữ cuối của 2 địa danh cũ là Diên Đồng và Diên Xuân để đặt tên cho xã mới là Đồng Xuân cũng máy móc vì hầu hết tên các xã thuộc huyện này đều bắt đầu từ chữ Diên như: Diên An, Diên Điền, Diên Đồng, Diên Hòa, Diên Xuân...

Ba huyện Đạ Tẻh, Đạ Huoai và Cát Tiên của tỉnh Lâm Đồng sẽ sáp nhập thành 1 huyện, dự kiến tên đơn vị hành chính mới là Đạ Huoai Ảnh: LÊ GIANG

Phải lắng nghe ý kiến người dân

Tại Hà Nội, địa phương này đã báo cáo Bộ Nội vụ phương án sắp xếp đơn vị hành chính không đáp ứng tiêu chí diện tích và dân số. Theo đó, 30 quận, huyện của Hà Nội vẫn giữ nguyên như hiện nay. Đối với cấp xã, phường, Hà Nội sẽ giảm khoảng 70 đơn vị hành chính. Ông Trần Đình Cảnh, Giám đốc Sở Nội vụ, cho biết đã lưu ý các quận, huyện, thị xã quan tâm 2 vấn đề là tên gọi của đơn vị hành chính mới và việc sắp xếp cán bộ, công chức.

Theo ông Cảnh, tên gọi là vấn đề được dư luận nhân dân đặc biệt quan tâm, vì thế trong quá trình tổ chức thực hiện, các đơn vị xem xét kỹ lưỡng các yếu tố về truyền thống, văn hóa, phong tục tập quán của địa phương. Trong đó, ưu tiên sử dụng tên gọi đã có của các đơn vị hành chính trước khi sắp xếp hoặc tên gọi được sử dụng trong quá trình hình thành và phát triển của đơn vị; đồng thời có phương án, cách làm phù hợp với thực tiễn tại cơ sở nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất.

Tại tỉnh Lâm Đồng, có 3/12 đơn vị cấp huyện và 12/142 đơn vị cấp xã thuộc diện sắp xếp. Theo đó, nhập huyện Lạc Dương vào TP Đà Lạt; 5 xã của huyện Bảo Lâm (Lộc An, Lộc Tân, Lộc Nam, Lộc Thành và Tân Lạc) vào TP Bảo Lộc; 3 huyện Đạ Tẻh, Cát Tiên, Đạ Huoai sáp nhập thành 1 huyện. Sau sáp nhập, tỉnh Lâm Đồng sẽ còn 9 đơn vị hành chính cấp huyện và 136 xã.

Theo ông Nguyễn Đức Vũ, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Lâm Đồng, việc sắp xếp lại các đơn vị sẽ có ảnh hưởng đến người dân và cán bộ địa phương, do đó cần nghiên cứu xây dựng đề án thật thận trọng, bảo đảm tính đồng thuận, vận động người dân đồng hành với cơ quan chức năng thực hiện.

Về việc đặt tên cho đơn vị hành chính mới từ việc sáp nhập 3 huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên, ông Vũ cho biết dự kiến huyện mới có thể được đặt tên là huyện Đạ Huoai, thay vì ghép 3 chữ đầu của 3 huyện. Điều này cũng phù hợp với quy định việc đặt tên mới phải dựa vào yếu tố lịch sử, văn hóa hình thành, truyền thống của địa phương. Người dân cũng đồng thuận với tên gọi này bởi Đạ Huoai cũng chính là tên cũ của huyện này trước khi tách thành 3 huyện từ năm 1986.

Ngoài băn khoăn việc đặt tên mới sau khi nâng cấp thị trấn Diên Khánh lên thị xã, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa được đánh giá cao, thực hiện đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục. Theo đó, UBND cấp huyện có đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp phải hoàn thành xây dựng, đề xuất phương án sắp xếp. Trên cơ sở này, Sở Nội vụ tỉnh Khánh Hòa tổng hợp, hoàn thành xây dựng thành 1 hồ sơ đề án trình HĐND tỉnh Khánh Hòa thông qua chủ trương và trình Bộ Nội vụ xem xét chậm nhất quý III/2024. "Chúng tôi phối hợp với địa phương lập danh sách cử tri để lấy ý kiến của nhân dân, nhân dân có đề xuất phương án gì không. Cơ quan tham mưu sẽ đưa ra các phương án bảo đảm theo quy định, sau đó lựa chọn phương án trên 50% và có ý kiến đồng thuận cao nhất" - ông Võ Chí Vương, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Khánh Hòa, nói.

Tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa kết thúc việc lấy ý kiến cử tri về Đề án thành lập thành phố trực thuộc trung ương và sắp xếp, thành lập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên cơ sở địa giới hành chính tỉnh này. Theo đề án, có 5 phường ở TP Huế được thành lập mới trên cơ sở sắp xếp, sáp nhập 9 phường, xã hiện hữu. Đề án đã đưa ra tên gọi mới cho các phường sau khi được thành lập để người dân cho ý kiến. Việc lấy ý kiến được tổ chức chặt chẽ, bằng hình thức phát phiếu theo hộ gia đình để mỗi cử tri có quyền thể hiện quan điểm. Ông Nguyễn Văn Mạnh, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Thừa Thiên - Huế, khẳng định việc đặt tên đơn vị hành chính mới được triển khai đồng bộ gắn với tình hình thực tế, văn hóa, lịch sử, phù hợp với đặc điểm tình hình của mỗi địa phương nên được nhân dân đồng thuận rất cao.

TS Phạm Quang Long, Phó Chủ tịch Hiệp hội Khoa học Hành chính Việt Nam:

Phải làm thận trọng, đừng "nay đổi, mai đổi"

Cách làm khá phổ biến hiện nay khi sáp nhập 2 đơn vị hành chính thường là sẽ giữ tên một trong 2 đơn vị hành chính đó hoặc ghép tên các đơn vị sáp nhập với nhau. Tuy nhiên, do việc ghép tên cơ học nên trong nhiều trường hợp không nhận được sự đồng thuận của người dân, như "xã Đôi Hậu". Vì vậy, việc đặt tên không thể máy móc, rập khuôn.

Các địa phương cần nghiên cứu, lấy ý kiến rộng rãi để đặt được tên xã mới sau khi sáp nhập, để tên mới đó thuận tiện cho chính quyền, người dân trong thực hiện thủ tục hành chính, vừa kế thừa được nội hàm của địa danh cũ và phản ánh được bản sắc văn hóa, lịch sử của một vùng đất. Việc đặt tên mới cho đơn vị hành chính sau sáp nhập phải được làm thận trọng, bởi không thể "nay đổi, mai đổi" được.

Đại biểu Quốc hội NGUYỄN THỊ VIỆT NGA - Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội:

Không để ảnh hưởng nhiều đến người dân

Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 đã nêu rõ một số nguyên tắc về việc đặt tên, đổi tên đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp. Cụ thể, việc đặt tên, đổi tên đơn vị hành chính cần bảo đảm đoàn kết dân tộc, phù hợp với các yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa của địa phương và tôn trọng ý kiến của đa số cử tri. Nghị quyết 35 cũng nêu rõ trong trường hợp sáp nhập các đơn vị hành chính cùng cấp thì khuyến khích việc sử dụng một trong các tên gọi trước đó để đặt tên cho đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp.

Do vậy, việc đặt tên mới cho xã cần được xem xét một cách khoa học, nghiên cứu toàn diện các yếu tố, lấy ý kiến rộng rãi để tạo sự đồng thuận trong nhân dân, hạn chế thấp nhất sự xáo trộn về thông tin giấy tờ tùy thân của người dân cũng như việc thực hiện các thủ tục hành chính sau sáp nhập.

M.Chiến ghi

TP HCM: Trên 50% cử tri đồng ý thì mới được đổi tên

Thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 theo Nghị quyết 35/2023/UBTVQH15, TP HCM có 129 xã, phường, thị trấn thuộc diện phải sắp xếp. Do 49 phường có yếu tố đặc thù không thực hiện sắp xếp nên số lượng đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện sắp xếp còn 80 phường. UBND TP HCM đã đề xuất lên Bộ Nội vụ phương án sắp xếp 80 phường thuộc 10 quận, giảm 39 phường. Bộ Nội vụ đã thống nhất với phương án sắp xếp này của TP HCM.

Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, khẳng định việc sáp nhập và đặt tên đơn vị hành chính mới được TP HCM tính toán cẩn trọng, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến đời sống người dân. Khi rà soát, đề xuất tên đơn vị hành chính mới đều quan tâm đến yếu tố lịch sử của địa phương, cũng như tạo thuận tiện nhất cho người dân trong việc chuyển đổi giấy tờ sau khi đơn vị hành chính mới được thành lập. Ví dụ như phường 1 nhập với phường 2 thì lấy tên phường 1 hoặc phường 2. Như vậy chỉ 50% người dân cần điều chỉnh giấy tờ liên quan.

Cũng theo Sở Nội vụ, trong 80 phường thuộc diện sắp xếp đợt này, đa số là nhập cơ học từ 2 phường hiện hữu hình thành 1 phường mới; 7 trường hợp có 3 phường hoặc một phần của phường cũ hình thành 1 phường mới. Đơn cử như quận 3 có 4 phường thuộc diện phải sắp xếp gồm phường 9 và phường 10 sáp nhập, thành lập phường mới lấy tên là phường 9; phường 12 và phường 13 sáp nhập, thành lập phường 12. Tại các quận 4, quận 5, quận 6, quận 10, quận 11, quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp, quận Phú Nhuận, cách đặt tên đơn vị hành chính mới cũng tương tự. Riêng quận 8 có 9 phường (phường 1, 2, 3; phường 8, 9, 10 và phường 11, 12, 13) sắp xếp thành 3 phường. Theo đó, phường 1, 2, 3 sáp nhập, thành lập phường mới có tên là Rạch Ông. Phường 8, 9, 10 sáp nhập, thành lập phường Hưng Phú. Phường 11, 12, 13 sáp nhập, thành lập phường Xóm Củi.

Lý giải cách đặt tên phường mới này, bà Nguyễn Thị Hồng Thắm nói xuất phát từ nguyện vọng và đề xuất của địa phương. Đây là những tên cũ, gắn với lịch sự của địa phương, người dân mong muốn được đặt lại cho địa bàn của mình. Trước khi xây dựng đề án tổng thể ban đầu, TP HCM tham khảo ý kiến từ địa phương. Sau khi có đề án chính thức, phải lấy ý kiến cử tri về tên đơn vị hành chính mới. Nếu có trên 50% cử tri đồng ý thì mới được đổi tên mới.

P.Anh

nhóm phóng viên

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/dat-ten-sau-sap-nhap-huyen-xa-phai-hay-thuan-tien-cho-dan-196240415223044303.htm