Đặt tên phường, xã sau sáp nhập: Tránh tạo cú sốc văn hóa

Thời gian qua, nhiều địa phương trên cả nước đã công bố kế hoạch sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, phường. Trong đó, dự kiến tên gọi mới của các đơn vị sau khi sáp nhập nhận được sự quan tâm của dư luận.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc đặt tên cho đơn vị hành chính mới không chỉ đơn thuần là công việc hành chính máy móc mà nó cần thể hiện truyền thống lịch sử địa phương, những dấu ấn gắn với người dân. Đặc biệt, phải đề cao công tác tuyên truyền, vận động phù hợp để cử tri hiểu đúng, đầy đủ; từ đó có sự ủng hộ, đồng tình với các chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An là vùng đất nổi tiếng khoa bảng; nhiều người thành đạt và là quê của nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Theo dự kiến, xã Quỳnh Đôi sẽ sáp nhập với xã Quỳnh Hậu lấy tên là Đôi Hậu. Phương án này sau đó đã nhận nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận.

Hiện huyện Quỳnh Lưu đang tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi từ cử tri các xã để sớm có phương án thống nhất tên gọi đơn vị mới sau sáp nhập. Đây cũng là hoàn cảnh chung của nhiều địa phương trên cả nước khi người dân luôn đau đáu, mong muốn gìn giữ văn hóa, lịch sử dân tộc của quê hương. Theo chuyên gia, việc sáp nhập phải quan tâm đến tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của người dân. Tránh tạo ra những cú sốc về văn hóa.

Việc sử dụng lại tên gọi của các đơn vị hành chính trước khi sáp nhập để đặt tên cho đơn vị hành chính mới cũng được áp dụng ở nhiều địa phương. Thậm chí, đây cũng là lựa chọn hợp lý khi tên đó có ý nghĩa lịch sử, văn hóa hoặc ý nghĩa đặc biệt với cộng đồng.

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

Hà Giang - Công Kiên

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/dat-ten-phuong-xa-sau-sap-nhap-tranh-tao-cu-soc-van-hoa-218792.htm