Đặt tên mới: Cần sự đồng thuận

Việc đặt tên mới phải được tiến hành thận trọng, không chủ quan, duy ý chí; phải bảo đảm những yếu tố lịch sử, văn hóa; thể hiện rõ được tâm tư nguyện vọng của cộng đồng cư dân làng xã.

"Đổi tên hai xã Quỳnh Đôi và Quỳnh Hậu thành Đôi Hậu thì nghe kỳ kỳ, không ổn". Nhiều người đã nói như vậy về việc huyện Quỳnh Lưu đề xuất ghép tên hai xã Quỳnh Đôi và Quỳnh Hậu thành tên xã mới Đôi Hậu trong văn bản huyện này gửi UBND tỉnh Nghệ An.

Người dân Quỳnh Đôi cho rằng xã là vùng đất nổi tiếng khoa bảng, quê hương của bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương; còn người dân Quỳnh Hậu cho rằng xã mình diện tích lớn, đông dân hơn, nên đề nghị "phải giữ chữ Hậu, đứng trước hay sau thì tùy huyện sắp xếp".

Tương tự, về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, phường của TP Nha Trang, thị xã Ninh Hòa và huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa, UBND tỉnh này chỉ đạo phải tổ chức lấy ý kiến cử tri, sau khi có dư luận theo các hướng không đồng thuận đổi tên sau sáp nhập xã Diên Đồng và Diên Xuân thành Đồng Xuân, thay tên thị trấn Diên Khánh bằng phường Phú Thành.

Một câu chuyện tưởng nhỏ mà không nhỏ trong dòng thời sự chung là sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã trong cả nước. Theo Bộ Nội vụ, 56 tỉnh - thành có huyện, xã thuộc diện sáp nhập đã xây dựng xong phương án. 50 huyện và hơn 1.200 xã trên cả nước sẽ được sáp nhập trong năm 2024. Sau sáp nhập, toàn quốc dự kiến giảm 14 huyện và giảm hơn 600 xã. Từ đó phát sinh những vướng mắc, tranh luận khi đổi tên đơn vị hành chính.

Làm sao để việc đặt tên địa danh sau sáp nhập được thuận lợi, dễ tạo đồng thuận trong nhân dân? Có cần xây dựng bộ tiêu chí về việc này với các nguyên tắc, hướng dẫn rõ ràng, để tên mới đưa ra được số đông tán thành, không rơi vào tình trạng ngô nghê về chữ nghĩa hoặc không phù hợp truyền thống văn hóa của làng mạc nhiều đời, không gây rắc rối về thủ tục hành chính cho dân… Chẳng hạn, ưu tiên chọn tên chính là địa phương có diện tích lớn hơn hay địa phương có bề dày văn hóa, có nhiều danh nhân, đóng góp lớn trong lịch sử đất nước, địa phương. Trong thực tế, có thể diện tích địa phương khi sáp nhập lớn hơn địa phương còn lại nhưng quy mô kinh tế lại nhỏ hơn, bề dày văn hóa không bằng địa phương diện tích nhỏ hơn. Mặt khác, có những địa danh đã đi vào tâm thức cư dân bản địa nhiều đời, trở thành yếu tố văn hóa tinh thần, gắn với cuộc sống cư dân, nếu thay đổi hoặc làm mất đi sẽ tạo ra những tâm tư tiếc nhớ, chưa nói đến những hệ lụy khác.

Theo các chuyên gia, việc đặt tên mới phải được tiến hành thận trọng, không chủ quan, duy ý chí; phải bảo đảm những yếu tố lịch sử, văn hóa; thể hiện rõ được tâm tư nguyện vọng của cộng đồng cư dân làng xã. Tránh việc chọn các từ ngữ hoặc tên gọi có thể gây tranh cãi hoặc không tôn trọng đến một phần của cộng đồng.

Đặt tên mới chú trọng dung hòa được các yếu tố văn hóa, lịch sử, tâm tư tình cảm, kể cả các yếu tố tinh thần và các đặc trưng phát triển kinh tế - một yếu tố cần thiết trong thời đại ngày nay, khi các định danh tên gọi làng xã, địa phương gắn với sản phẩm thương mại và du lịch, giao lưu kinh tế, văn hóa toàn cầu. Đặc biệt, lưu ý nguyên tắc hết sức thuận tiện cho dân trong các thủ tục hành chính và tiết kiệm, do đó việc tổ chức lấy ý kiến cử tri đang được nhiều địa phương tiến hành là giải pháp cần thiết và phù hợp.

Xem link nguồn

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/dat-ten-moi-can-su-dong-thuan-post273812.html