Đặt tên làng, xã sau sáp nhập: Cần thận trọng!

Giai đoạn 2023-2025, cả nước có 50 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.243 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện bắt buộc sắp xếp. Ngoài việc tổ chức bộ máy, cán bộ, trụ sở... thì lựa chọn tên đặt cho đơn vị hành chính mới cũng là vấn đề quan trọng không kém. khi một vài đơn vị cấp xã sẽ đổi hoặc xóa sổ hoàn toàn tên gọi vốn là những địa danh có lịch sử lâu đời, gắn liền với nhiều nét văn hóa.

Không chỉ tại Nghệ An mà ở Thủ đô Hà Nội, việc sáp nhập, đổi tên đơn vị hành chính cũng khiến nhiều người dân băn khoăn.

Xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội - nổi tiếng với nghề làm mộc truyền thống tuổi đời hàng trăm năm. Theo đề án sáp nhập đơn vị hành chính, xã Chàng Sơn sẽ sáp nhập với xã Thạch Xá lấy tên Thạch Xá. Điều này khiến các cụ cao niên trong làng lo lắng, mong muốn được giữ lại "dù chỉ một chữ" trong tên làng để con cháu nhớ về nguồn cội của mình.

Nhiều gia đình "cha truyền con nối" kế nghiệp nhau trên mảnh đất này. Họ gắn bó với nghề, nhờ địa danh Chàng Sơn mà được khách hàng thập phương tìm tới. Cũng bởi vậy, tên làng càng trở nên rất đỗi thiêng liêng với họ.

Trong cuốn sách tên làng xã và địa dư các tỉnh Bắc Kỳ của soạn giảng Ngô Vi Liễn, Chàng Thôn hay Chàng Sơn thuộc đơn vị hành chính Thạch Xá. Nên chính quyền địa phương có đủ căn cứ lấy lại tên cũ để đặt cho xã mới. Nhưng điều người dân băn khoăn, nếu không giữ Chàng Sơn, cái tên này sẽ hoàn toàn biến mất trên bản đồ hành chính.

Cũng theo chuyên gia, việc đặt tên cho đơn vị hành chính mới sau khi sáp nhập cần thận trọng, cân nhắc yếu tố văn hóa và được nhân dân đồng thuận. Bởi đằng sau cái tên là cả bề dày lịch sử, nếp làng ăn sâu vào tiềm thức nhiều thế hệ.

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

Hà Giang - Công Kiên

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/dat-ten-lang-xa-sau-sap-nhap-can-than-trong-218290.htm