Đất Phủ chuyển mình

Nửa nhiệm kỳ với nhiều khó khăn thách thức, song với quyết tâm cao, Đảng bộ và nhân dân huyện Vĩnh Tường đã thực hiện thắng lợi nhiều mục tiêu phát triển KT- XH. Hòa mình cùng tiến trình phát triển của tỉnh, đất Phủ Vĩnh Tường đã và đang chuyển mình mạnh mẽ, tiến tới trở thành đô thị phát triển ở khu vực phía Nam của đô thị Vĩnh Phúc.

Hạ tầng giao thông và công nghiệp ngày càng hoàn thiện giúp huyện Vĩnh Tường thu hút nhiều doanh nghiệp có công nghệ hiện đại đến đầu tư phát triển. Ảnh: Khánh Linh

Linh hoạt thích ứng

Với dân số hơn 230.000 người, lực lượng lao động dồi dào, giàu sức trẻ, năng động, sáng tạo, huyện Vĩnh Tường đã vươn lên từ một địa phương thuần nông, từng bước trở thành trung tâm thương mại - dịch vụ (TM - DV) hàng đầu của tỉnh và khu vực phía Bắc.

Tiếp nối những thành quả đạt được, Vĩnh Tường quyết liệt triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 với nhiều mục tiêu kinh tế quan trọng, phấn đấu đưa huyện trở thành cực tăng trưởng mới của tỉnh.

Tuy nhiên, ngay đầu nhiệm kỳ, dịch Covid-19 xuất hiện tại Vĩnh Phúc, trong khi TM - DV lại là mũi nhọn kinh tế của huyện Vĩnh Tường; việc trung chuyển hàng hóa lên khu vực phía Tây Bắc và biên giới với Trung Quốc đứng trước nguy cơ bị ảnh hưởng lớn. Kéo theo đó là các chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ chịu thiệt hại khi đầu ra cho nông sản bị co hẹp, giao thương khó khăn, việc đi lại của người dân bị hạn chế.

Thời điểm xuất hiện các ca nhiễm Covid-19 trên địa bàn thị trấn Thổ Tang - Nơi được cho là đầu tàu phát triển TM - DV của huyện, hoạt động giao thương bị ảnh hưởng nghiêm trọng, UBND huyện đã khẩn trương chỉ đạo, đưa ra các giải pháp kịp thời. Sau thời gian ngắn, hàng hóa đã được lưu thông trở lại, đem lại sự tin tưởng cho các thương lái, biến thị trấn Thổ Tang trở thành trung tâm giao dịch hàng hóa an toàn với dịch bệnh trong lúc “nước sôi lửa bỏng”.

Các doanh nghiệp (DN) và hộ kinh doanh trên địa bàn thị trấn có điều kiện nắm bắt các cơ hội đầu tư phát triển, đón đầu nhu cầu của thị trường. Đến năm 2022, tổng thu từ TM - DV trên địa bàn thị trấn Thổ Tang đạt mốc gần 1.000 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì trên 10%/năm trong giai đoạn 2020-2022.

Tại các xã lân cận như Đại Đồng, Tân Tiến, Yên Lập, Nghĩa Hưng…, với vai trò như vùng đệm cho thị trấn Thổ Tang, ngành dịch vụ phát triển nở rộ, giải quyết cơ bản việc làm cho người lao động.

Các khu chăn nuôi được quy hoạch, cách xa khu dân cư, đảm bảo an toàn dịch bệnh, dù gặp không ít khó khăn. Cơ giới hóa đồng bộ trên cây lúa cùng hiệu quả từ chương trình dồn thửa đổi ruộng, đẩy năng suất lúa thường xuyên đứng trong tốp đầu toàn tỉnh. Tại các xã vùng bãi như Vĩnh Thịnh, An Tường.., lợi thế đất đai được khai thác triệt để với đàn bò sữa quy mô 16.000 nghìn con, giúp kinh tế vùng nông thôn tăng trưởng ổn định qua từng năm.

Với sự linh hoạt, thích ứng của bộ máy chính quyền, giai đoạn 2020 - 2022, tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hằng năm của huyện Vĩnh Tường đều đạt trên 10%. Giá trị sản xuất (giá so sánh năm 2010) năm 2020 là 13.330 tỷ đồng, đến năm 2022 đạt gần 16.000 tỷ đồng, ước thực hiện năm 2023 đạt 18.000 tỷ đồng.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Giá trị sản xuất ngành CN-XD và TM-DV chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nền kinh tế, giảm tỷ trọng ngành nông, lâm, thủy sản. Thu ngân sách Nhà nước năm 2022 đạt hơn 1.618 tỷ đồng, tăng gần 500 tỷ đồng so với năm 2020.

Hoàn thiện hạ tầng, bứt phá phát triển

Sau nhiều năm “lẹt đẹt” trong thu hút đầu tư, đã có những doanh nghiệp FDI với công nghệ hiện đại đến đầu tư tại huyện Vĩnh Tường. Tiêu biểu là cụm công nghiệp (CCN) Đồng Sóc, với 5 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử, với tổng vốn đầu tư 324 triệu USD; 3 dự án đầu tư trực tiếp trong nước (DDI), với tổng vốn đầu tư 250 tỷ đồng (tương đương 10,6 triệu USD ).

Năm 2023, Công ty Partron Vina đã khánh thành và đưa nhà máy sản xuất linh kiện điện tử vào hoạt động, 2 nhà máy của Tập đoàn Young Poong (Hàn Quốc) sẵn sàng khởi động trở lại sau thời gian bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Năm 2021, Dự án Khu chợ đầu mối nông sản thực phẩm, hệ thống kho vận và khu đô thị thương mại Vĩnh Tường có tổng vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng, quy mô hơn 186 ha đi vào hoạt động, góp phần ổn định thị trường nông sản, phát triển nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, khắc phục tình trạng thiếu mặt bằng kinh doanh, lấn chiếm lòng, lề đường để buôn bán tự phát, gây mất mỹ quan đô thị và an toàn giao thông, đặc biệt là tại khu vực thị trấn Thổ Tang.

Để phục vụ phát triển hạ tầng, ngay từ đầu nhiệm kỳ, UBND huyện Vĩnh Tường đã quyết liệt chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các chủ đầu tư tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các thủ tục về đầu tư, quy hoạch, bồi thường, giải phóng mặt bằng (BT - GPMB), đầu tư xây dựng hạ tầng các CCN, KCN.

Tính đến tháng 5/2023, tổng diện tích đã GPMB là hơn 330 ha, tổng số tiền đã chi trả hơn 886 tỷ đồng. Hoàn thành GPMB 2 dự án trọng điểm và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư thi công xong hạ tầng gồm: CCN Đồng Sóc (75 ha); Khu đô thị mới thị trấn Tứ Trưng - thị trấn Vĩnh Tường (29 ha) và các dự án giao thông trọng điểm.

Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Tường Lê Nguyễn Thành Trung cho biết: Đến nay, kết cấu hạ tầng giao thông của huyện cơ bản đã hoàn thiện, nhất là các tuyến đường đối ngoại như đường Vành đai 4, cầu Vĩnh Thịnh… đã được đưa vào sử dụng, là lợi thế rất lớn để Vĩnh Tường tập trung phát triển các mục tiêu kinh tế quan trọng.

Quy hoạch tổng thể được xây dựng khoa học, chi tiết, giúp huyện định hướng rõ ràng cho các địa phương, cần phải làm gì để khai thác tối đa lợi thế tiềm năng, lợi thế. Với mặt bằng dân trí cao, lực lượng lao động có tay nghề, thời gian tới, huyện tập trung thu hút các ngành công nghiệp sạch, có giá trị gia tăng cao.

Đồng thời, thu hút các DN đầu tư vào lĩnh vực đô thị, nông nghiệp công nghệ cao, tiếp tục tạo bứt phá tăng trưởng kinh tế.

Chu Kiều

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/95744//dat-phu-chuyen-minh