Đất lành của nhà đầu tư công nghệ cao

Với định hướng thu hút đầu tư công nghệ cao (CNC), từ năm 2002, TP Hồ Chí Minh đã triển khai đầu tư khu CNC gắn với các cơ chế, chính sách ưu đãi đột phá nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực CNC.

Tính đến tháng 11-2023, Khu CNC TP Hồ Chí Minh đã thu hút 160 dự án đầu tư CNC, trong đó có 70 dự án sản xuất, 18 dự án dịch vụ, 21 dự án nghiên cứu, 9 dự án đào tạo, 23 dự án công nghiệp hỗ trợ CNC... Nơi đây đã trở thành đất lành của các dự án FDI đến từ các thương hiệu công nghệ hàng đầu thế giới như: Intel, Jabil (Hoa Kỳ), Samsung (Hàn Quốc), Nidec, Nipro, NTT (Nhật Bản), Datalogic (Italy)...

Tập đoàn Intel đã xác định TP Hồ Chí Minh là một ưu tiên hàng đầu trong phát triển chuỗi cung ứng toàn cầu các sản phẩm ở thị trường châu Á-Thái Bình Dương khi đầu tư nhà máy sản xuất, lắp ráp và kiểm định lớn nhất trong mạng lưới Intel. Tập đoàn Intel đã đầu tư 1,5 tỷ USD vào nhà máy lắp ráp và kiểm định chip Intel Products Vietnam (IPV), tạo ra khoảng 6.500 việc làm ở lĩnh vực CNC; đóng góp 76,3 tỷ USD giá trị xuất khẩu từ năm 2010 đến nay.

Các nhà khoa học làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh.

Trong những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu theo từng năm của các doanh nghiệp tại Khu CNC TP Hồ Chí Minh đã có bước phát triển đột phá về giá trị tăng trưởng, năm 2021 đạt 20,9 tỷ USD, năm 2022 đạt 23 tỷ USD và dự kiến năm 2023 đạt 26 tỷ USD; thu hút hơn 51.000 lao động chất lượng cao đến làm việc, trong đó có gần 600 kỹ sư, chuyên gia nước ngoài.

“Với vai trò là đơn vị hạt nhân, tiên phong về thu hút đầu tư CNC vào TP Hồ Chí Minh, đơn vị đang triển khai nhiều chương trình, hoạt động mang tính đột phá, đi đầu trong lĩnh vực công nghệ. Kinh nghiệm tạo nên thành công của Khu CNC TP Hồ Chí Minh là sự chuẩn bị đồng bộ, đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn của nhà đầu tư FDI về cơ sở hạ tầng, những chính sách ưu đãi, rút ngắn các thủ tục, đồng hành với doanh nghiệp FDI trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh... Hiện nay, Khu CNC TP Hồ Chí Minh đang tập trung thu hút đầu tư có định hướng, chọn lọc, hướng đến thu hút các dự án đầu tư có công nghệ tiên tiến, gắn với khai thác thế mạnh của các hệ sinh thái ngành đã hình thành tại Khu CNC TP Hồ Chí Minh”, PGS, TS Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban Quản lý Khu CNC TP Hồ Chí Minh chia sẻ.

Quy hoạch và định hướng phát triển, cơ chế, chính sách rộng mở cũng là động lực để Khu CNC TP Hồ Chí Minh phát triển, đáp ứng yêu cầu đổi mới, nắm bắt xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu trong lĩnh vực CNC. Theo Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc TP Hồ Chí Minh, Trung ương đã có những quyết sách, cơ chế kịp thời để Khu CNC TP Hồ Chí Minh tận dụng được các cơ hội phát triển.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 430/QĐ-TTg ngày 27-3-2020 phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng TP Hồ Chí Minh đến năm 2025 để bổ sung chức năng Khu công viên khoa học và công nghệ quy mô 166,2ha với tính chất là khu vực nghiên cứu, thực nghiệm, chuyển giao và ứng dụng khoa học-công nghệ, liên kết và bổ sung các chức năng cho Khu CNC TP Hồ Chí Minh hiện hữu, làm cơ sở nghiên cứu Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông thành phố, đóng vai trò dẫn dắt kinh tế thành phố và vùng TP Hồ Chí Minh trong các hoạt động kinh tế tri thức như: Đào tạo, nghiên cứu và sản xuất CNC... hướng đến mục tiêu tăng trưởng 100% số lượng các phát minh, sáng chế vào năm 2025; hình thành quỹ đất phát triển khoảng 1.000ha. Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh có hiệu lực từ đầu tháng 8-2023 đã tạo cơ sở, động lực quan trọng thúc đẩy Khu CNC TP Hồ Chí Minh trở thành Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông thành phố sớm hình thành, tạo động lực phát triển cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

TRUNG KIÊN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/dat-lanh-cua-nha-dau-tu-cong-nghe-cao-753167