'Đặt cược với thổ thần'

Có một nghề cơ cực, nhọc nhằn, đầy rẫy may rủi nhưng vẫn tồn tại bởi nó là một phần của cuộc sống hoặc chí ít bởi nghề gắn với đời người, với mưu sinh. Đó là nghề khoan giếng, nghề vốn gánh thất bại thường xuyên từ rủi ro dưới đáy sâu địa tầng, thứ vượt quá tầm kiểm soát, dự báo của cả những người có kinh nghiệm lâu năm nhất. Bởi thế mà nhiều người gọi đó là nghề 'đặt cược với thổ thần'.

Anh Thào Xuân Dần, trú tại thôn 6, xã Đồng Tuyển (thành phố Lào Cai) năm nay 36 tuổi nhưng có đến gần chục năm kinh nghiệm khoan giếng. Khoan giếng liên quan đến máy móc, thiết bị, cơ khí và với anh Dần đó là cái duyên. Quê hương ở lưng đèo Pha Đin, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên, học nghề vận hành máy, anh Dần ban đầu lập nghiệp làm hầm than ở Quảng Ninh, sau về Hà Nội lái xe cho giám đốc doanh nghiệp, lái xe cần cẩu rồi vận hành trục cẩu tháp. Cả ngày đu đưa trên những ngọn cẩu tháp chót vót bên công trường là những tòa nhà chọc trời ở thủ đô, anh không ngờ một ngày kia lại gắn bó với nghề chinh phục lòng đất. Một ngày kia từ Hà Nội, anh nhận nhiệm vụ vận hành cẩu tháp tại công trường xây dựng Nhà máy Tuyển quặng Bắc Nhạc Sơn, xã Đồng Tuyển (thành phố Lào Cai). Rồi tình yêu của chàng trai dân tộc Mông tỉnh Điện Biên đã nảy nở với cô gái đồng bào Giáy xinh xắn của xã Đồng Tuyển và Thào Xuân Dần đã quyết định định cư ở vùng đất mới. Kết thúc hợp đồng xây dựng Nhà máy Tuyển quặng Bắc Nhạc Sơn, anh Dần làm thêm một số nghề như giao hàng, lắp ráp, sửa chữa xe máy và sau cùng là thử sức và quyết gắn bó lâu dài với nghề khoan giếng.

Anh Dần cho biết, nền đá xanh, cứng “ăn mũi khoan như ăn gỏi”.

Anh Dần có thân hình vạm vỡ, vẻ mặt lầm lụi, hiền từ, ánh mắt lúc nào cũng như kiếm tìm thứ gì đó dưới chân mình. Tôi gặp anh Dần khi anh đang thi công một hợp đồng khó khăn tại phường Nam Cường (thành phố Lào Cai), nơi vốn là mặt bằng một khu dân cư của các hộ diện phải giải phóng mặt bằng. Không rõ trước đó người ta đã san gạt đi bao nhiêu mét đất bề mặt, chỉ biết từ khi anh cắm mũi khoan xuống mặt đất là gặp ngay đá. Đá chất chồng hết lớp nọ tới lớp kia, đá xám, đá xanh, đá trắng, đá đen cứ thế thử thách những nỗ lực của anh và cộng sự. Ngày nào máy khoan cũng rền vang từ sáng tới tối mịt, vậy nhưng sau 5 ngày làm việc cật lực, chiều sâu giếng khoan cũng chỉ 24 mét. Anh Dần dự kiến khoan thêm vài mét độ sâu nữa, tức là hết ngày thứ 6 mà không gặp nước thì bỏ cuộc, đồng nghĩa với giá trị hợp đồng bằng 0 đồng.

Theo lẽ thường, gia chủ chỉ chi trả phí khi giếng khoan có nước, ngược lại, nếu không có nước thì bên nhận hợp đồng trắng tay, cũng có nghĩa là mọi rủi ro chỉ người làm công phải gánh chịu. “Nếu gặp gia chủ tốt bụng, thương tình hỗ trợ 1 đến 2 triệu đồng tiền vận chuyển thiết bị, ngày công nhưng hầu hết là không có gì”, anh Dần tâm sự.

Trong khi đó, ngoài nhân công lao động (ít nhất 2 người làm việc) thì điều khiến đội khoan giếng lo lắng nhất là mũi khoan. Để khoan đá thông thường cần dùng mũi khoan thép có răng bằng chất liệu cờ-rôm với giá khoảng 4 đến 6 trăm nghìn đồng, nếu gặp đá thạch anh, đá gờ-ra-nít phải dùng mũi thép với răng phủ kim cương nhân tạo có giá từ 2,1 đến 2,8 triệu đồng. Cuối ngày làm việc thứ 5 của hợp đồng, anh Dần tính sơ sơ tiền mũi khoan mà mặt méo xệch: “4 mũi cờ-rôm hết 1 triệu 8, tan luôn 1 mũi kim cương gần 2 triệu rưỡi”.

Chỉ vào một người đàn ông có dáng người mảnh, quần áo bết bê dầu mỡ và bùn đất đang ngồi trên một thanh gỗ làm đối trọng tỳ đè cho máy khoan nghiến vào nền đá, anh Dần bảo: May là anh ấy nhận tiền trọn gói, chứ nếu lấy công nhật thì mình còn lỗ nặng hơn!

Anh Dần và cộng sự thực hiện một hợp đồng khoan giếng tại phường Nam Cường.

Hóa ra người làm công cho anh Dần cũng tham gia cuộc chơi “được ăn cả, ngã về không” với thổ thần. Theo thỏa thuận, anh Dần sẽ trả tiền cho người làm công mức 250 nghìn đồng/ngày làm việc, nhưng người làm công cũng có thể lựa chọn cách khác là nhận tiền công 2 triệu đồng/hợp đồng thành công. Chỉ 2 ngày làm việc đã có thể nhận được tiền công từ anh Dần tới 2 triệu đồng nhưng cũng có thể 5 - 6 ngày làm việc mà không được nhận đồng nào bởi giếng khoan không gặp mạch nước, chủ và tớ đều “công cốc công cò”. Để mua đủ thiết bị nặng gần 1 tấn phục vụ việc khoan giếng cũng cần đến hơn 70 triệu đồng. Nếu thuận lợi, mỗi hợp đồng khoan giếng trọn gói anh Dần thu về khoảng 17 triệu đồng, trừ chi phí mua lưỡi khoan, máy bơm, đường ống, dây điện, tiền công thợ, vận chuyển thiết bị... anh “bỏ túi” khoảng 5 đến 6 triệu đồng, nếu không may, phần lỗ cũng có thể tương đương.

Gần chục năm làm nghề, anh Dần nếm trải không biết bao nhiêu lần thất bại trước thổ thần. Có những tháng khởi đầu bằng mấy giếng khoan, có giếng sâu tới 40 mét nhưng vẫn không có nước nên anh dừng làm việc trong cả tháng. Không có nước thì lỗ là đương nhiên, nhưng nếu ống khoan bị kẹt phải bỏ lại trong lòng đất thì thiệt hại còn lên đến cả chục triệu đồng. Anh Dần bảo, cái may rủi ở chỗ có khi trên cùng dãy phố, cách nhau 3, 4 số nhà nhưng có hợp đồng chỉ 15 đến 17 mét là nước đã tràn trề, trong khi hợp đồng khác gần đó tới hơn 30 mét chiều sâu mà thợ khoan đành trắng tay. “Các cụ nhà ta ngày xưa khi tìm điểm đào giếng thường kiểm tra độ ẩm trên mặt đất để biết mạch nước ra sao, lẽ nào mình không học được điều gì?”, tôi hỏi. Anh Dần thú nhận là đã có đi tham khảo nhiều người có kinh nghiệm đào giếng, lại có nhiều giờ “lang thang” trên mạng internet nhưng không có nhiều hữu ích. Lý do là đào giếng với độ rộng hàng mét thì việc gặp các mạch nước chảy ngang, dọc trong lòng đất dễ dàng hơn nhiều lần so với giếng khoan chỉ nhỏ bằng bắp tay. Với giếng đào thì các điểm trũng, điểm võng như thung lũng có khi chỉ vài mét đã có nước, nhưng giếng khoan có khi ngược lại.

Không thể biết chính xác điểm nào có mạch nước nhưng anh Dần lại có bản đồ kinh nghiệm cho từng khu vực của thành phố Lào Cai, địa bàn hoạt động chủ yếu của anh trong những năm qua. Anh Dần lấy ví dụ: Giữa đường B3 (phố Châu Úy) cao vồng lên nhưng chỉ khoan độ 10 mét đã gặp nước, khoan lỗ nào cũng có nhưng lui xuống B4 (phố Lùng Thàng) nền đá rất cứng, rất khó gặp mạch nước.

Khu vực phường Duyên Hải tỷ lệ giếng khoan gặp mạch ngầm rất cao, trong khi phường Cốc Lếu lại dễ bị “thổ thần quay lưng”. “Sinh nghề, tử nghiệp”, mặc những may rủi, gian truân, những bết bê bùn đất, anh Dần bảo mình vẫn giữ nghề này cho đến khi nào không còn khả năng lao động. Nói rồi anh lại nhìn xuôi, trân trân vào một điểm đầy những suy tư…

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/348697-dat-cuoc-voi-tho-than