Đất của người khác mang đi đổi, vẫn được công nhận hợp pháp

Không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng ông Phạm Xuân Am vẫn ngang nhiên chiếm dụng 71,2m2 đất của gia đình ông Lê Hồng Vương, không những thế ông Am còn cho xây dựng nhà ở kiên cố trên đất nông nghiệp nhiều năm nay

Ai đã bị "lừa"?

Theo ông Lê Hồng Vương, vợ chồng ông có 96,1m2 đất nông nghiệp ở số 6/929 đường 30/4 (phường 11, TP Vũng Tàu). Ngày 3/12/2007 gia đình ông Vương có đổi cho ông Phạm Xuân Am để đất hai nhà cùng quay được ra mặt hẻm 929 với tổng diện tích là 72m2 (chiều ngang 9m, sâu 8m), ông Am đổi cho vợ chồng ông Vương khúc đuôi, tổng diện tích là 58,2m2 (chiều ngang 6,7, sâu 6m). Thời điểm này ông Am có giao cho gia đình ông Vương 42 triệu đồng để bù vào tiền đất chênh khi đổi.

Ảnh trước cửa nhà ông Am

“Sau khi đổi đất ông Am đã cho làm nhà hai tầng kiên cố trên mảnh đất đổi cho vợ chông tôi và không chịu đi làm giấy tờ tách thửa như hợp đồng đã thỏa thuận. Do hai bên là con bạn dì và có sự tác động của gia đình nên ngày 26/9/2015 ông Am có viết giấy cam đoan sẽ đi làm giấy tờ cho vợ chồng tôi trong thời hạn ba tháng. Lúc này tôi mới phát hiện mình bị lừa, ông Am đã chiếm dụng đất của người khác để đổi cho vợ chồng tôi”.

Theo ông Vương, diện tích đất 58.2m2 là đất không hợp pháp, không thuộc quyền sở hữu của ông Am.

“Lúc này hai vợ chồng tôi cầm giấy tờ sang nhà ông Am để nói chuyện thì ông Am vẫn một mực chối cãi, cho rằng đó là đất của mình và không chịu đi làm giấy tờ tách thửa đất cho vợ chồng tôi”, ông Vương bức xúc nói.

Bà Nguyễn Thị Mộng Tuyết (vợ ông Vương) cho biết: “Ngày 18/10/2015 ông Am lại cam kết trong vòng 45 ngày sẽ hoàn thành thủ tục tách thửa đất cho nhà tôi và chứng minh 58,2 m2 đất đổi cho gia đình tôi là đất hợp pháp, nếu không ông Am sẽ tự dỡ nhà trả lại đất đã đổi giữa hai gia đình.

Không dừng lại ở đó, ngày 8/12/2015 vợ chồng ông Am sang thỏa thuận để mua lại mảnh đất mà vợ chồng tôi, trong đó có cả phần đất mà tôi đã đổi cho gia đình bên đó nhưng nhà tôi không đồng ý bán, chỉ yêu cầu ông Am trả lại nguyên trạng mảnh đất 72,1m2 thuộc quyền sở hữu của gia đình tôi hoặc trả bằng tiền mặt với định giá theo đúng giá thị trường”.

Tuy nhiên, theo bà Tuyết, vì hai gia đình là anh em nên bà Tuyết và ông Vương đồng ý bán cho ông Am 96,1m2 đất của nhà mình với số tiền một tỷ một trăm triệu đồng, ông Am viết giấy đặt cọc trước 50 triệu đồng, số tiền còn lại sẽ được thanh toán trong vòng 40 ngày, đồng thời ông Am yêu cầu vợ chồng ông Vương, bà Tuyết dỡ nhà cấp 4 đã xây dựng trên phần đất mà ông Am đã đổi cho nhà bà Tuyết.

Ngày 20/1/2016, ông Vương bất ngờ khi nhận được giấy triệu tập của tòa án nhân dân TP Vũng Tàu, nguyên đơn là ông Phạm Xuân Am, nội dung đơn kiện là gia đình tôi phá hoại tài sản của nhà ông Am.

“Tòa án có gọi gia đình tôi mang toàn bộ giấy tờ pháp lý liên quan và tiến hành hòa giải 3 lần nhưng không thành, lúc này chủ mảnh đất 58,2m2 mà ông Am đổi cho gia đình tôi là ông Trần Văn Hồng xuất hiện tại phiên tòa và cho biết phần đất ông Am dùng để đổi là phần đất chiếm dụng của ông Hồng, ông Hồng có kèm theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ”.

Cũng theo đơn kiến nghị của ông Trần Văn Hồng trú tại 888/9/72 đường 30/4, phường 11, TP Vũng Tàu thì 58,2m2 đất mà ông Am tự ý dùng để đổi cho gia đình bà Tuyết là đất của ông Hồng mua của công ty cổ phần Thương Cảng, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất AB 234708.

“Việc ông Am đem đất của tôi đổi cho ông Vương là việc làm gian lận đã được văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc chi nhánh TP Vũng Tàu thông báo cho phòng TNMT là giấy chứng nhận quyền sử dụng 58,2m2 đất do ông Phạm Xuân Am đổi cho ông Vương là không đúng vị trí”, ông Hồng nói.

Cũng theo công văn số 4324/CNVPĐK-TTLT về việc phúc đáp công văn của phòng TNMT TP Vũng Tàu đề nghị chi nhánh văn phòng đăng ký đất cung cấp một số thông tin theo nội dung công văn của tòa án nhân dân TP Vũng Tàu thì qua kiểm tra hồ sơ địa chính thửa đất của các ông bà Nguyễn Thị Mộng Tuyết, Lê Hồng Vương có nguồn gốc từ công ty cổ phần thương cảng Vũng Tàu, sau đó công ty này chuyển nhượng cho ông Trần Văn Hồng được văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất xác nhận ngày 27/3/2017.

Hiện tại, theo ông Vương và ông Hồng thì ông Am không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để chứng minh mảnh đất 58,2m2 đã đổi cho bà Tuyết là đất của gia đình mình.

Với tư cách là người bị ông Am lừa, bà Tuyết, ông Vương mong các cơ quan chức năng của tỉnh Bà Rịa, Vũng Tàu vào cuộc xác minh làm rõ hành vi của ông Phạm Xuân Am và xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Nhà kiên cố “mọc” trên đất nông nghiệp

Theo quan sát của phóng viên, mảnh đất mà ông Vương, bà Tuyết đổi cho ông Am hiện nay đang mọc lên căn nhà hai tầng kiên cố.

Nhà ông Am xây dựng 2 tầng kiên cố trên đất nông nghiệp

Theo như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CA 001831 mà chủ sở hữu là ông Lê Hồng Vương và bà Nguyễn Thị Mộng Tuyết được UBND TP Vũng Tàu cấp ngày 17/8/2015 thì mục đích sử dụng là để trồng cây hàng năm khác.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Xuân An, cán bộ địa chính phường 11 cho biết, ngôi nhà của gia đình ông Phạm Xuân Am đang sinh sống là được xây dựng trên đất nông nghiệp nhưng bản than ông An mới về phường công tác và tiếp nhận hiện trạng như vậy.

Hiện tại để xử lý việc này ông An cho rằng phường sẽ xin ý kiến chỉ đạo của UBND TP Vũng Tàu để có phương án giải quyết và xử lý.

Vậy việc gia đình ông Am xây dựng nhà trên đất nông nghiệp là sai hoàn toàn với quy định của pháp luật vậy mà chính quyền địa phương tại TP Vũng Tàu không hề có biện pháp xử lý.

Dư luận đang đặt câu hỏi, phải chăng để những ngôi nhà này không bị cơ quan chức năng “sờ gáy” thì chủ nhà phải “đi đêm” với các cơ quan chức năng nơi đây để có thể xây dựng công khai giữa ban ngày như vậy?

Căn cứ Nghị định 102/2014/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai như sau:

Khoản 2 Điều 8 Chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

“2. Chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sang đất phi nông nghiệp thì hình thức và mức xử phạt như sau:

a) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép dưới 0,5 héc ta;

b) Phạt tiền từ trên 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,5 héc ta đến dưới 03 héc ta;

c) Phạt tiền từ trên 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 03 héc ta trở lên.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm đối với hành vi quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này;

b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này.”

Như vậy, bên cạnh việc bị xử phạt hành chính thì cá nhân nào sai phạm sẽ bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm, buộc phải phá dỡ công trình xây dựng trái phép.

Quang Minh

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/camera-24h/tp-vung-tau-ngang-nhien-lan-chiem-xay-nha-tren-dat-nong-nghiep-222966.html