Không thể bất lực trước nạn 'đám đông xử án'

Ông Nguyễn Thái Định, chở bà Nguyễn Thị Hằng đi mua lúa. Khi đi ngang thôn Tài Lương, xã Hoài Thanh Tây, huyện Hoài Nhơn (tỉnh Bình Định), thấy một nhà có phơi lúa, vào hỏi mua. Nhưng ngay sau đó, bị vu là bắt cóc trẻ em.

Rất đông người dân bao vây, đòi "xử" hai người đi mua lúa vì nghi bắt cóc trẻ em. Ảnh trên FB

Thế là bị cả làng vây lại hành hung. Họ bất chấp sự thật, cho dù ngay lúc đó, có người trong vùng làm ăn với bà Hằng và ông Định đến xác nhận họ là người đi mua lúa.

Rất may là công an địa phương đã có mặt kịp thời và tìm mọi biện pháp bảo vệ, nếu không thì hai nạn nhân này khó toàn mạng. Ngày 20.5, Công an huyện Hoài Nhơn đã xác minh kết quả ban đầu, ông Định và bà Hằng là người đi mua lúa, là người làm ăn lương thiện, không phải bắt cóc trẻ em.

Một vụ tương tự xảy ra tháng 7.2017, hai người phụ nữ đi bán tăm tại xã Mai Đình, Sóc Sơn (Hà Nội), bị người dân đánh nhập viện vì nghi ngờ họ bắt cóc trẻ em. Trên giường bệnh, bà Lê Thị Bảy kể lại, họ vừa đánh vừa hét lên “giết chết nó đi”. Có những người là đàn ông, tung những cú đấm, cú đá trời giáng vào mặt của hai phụ nữ này.

Chúng ta nói về một xã hội pháp quyền, một đất nước công bằng và văn minh, nhưng những hành vi ứng xử như trên quá mông muội. Giả sử như nghi ngờ những người này có hành vi bắt cóc trẻ em, thì bắt giữ, đưa họ đến công an để điều tra xác minh, họ có tội thì sẽ bị pháp luật trừng trị. Ngay cả các cơ quan, muốn kết tội một người cũng phải qua nhiều thủ tục tố tụng, nhiều cấp tòa, có luật sư bào chữa để bảo đảm quyền con người của bị cáo.

Nhưng không, trong những trường hợp trên, chẳng ai quan tâm đến đúng sai, phải trái, pháp luật. Họ nhân danh đám đông để xử tội người khác. Cả mấy trăm người xông vào đánh hai người, và hô hoán phải đánh cho đến chết. Có nhiều người chỉ nghe la hét, vu vạ, là cứ xông vào đánh, họ không có bất cứ chứng cứ, lý lẽ, họ chỉ cần khơi lên sự hung hãn của đám đông. Lúc đó đám đông là sức mạnh, là chân lý, ai chống lại sẽ bị tấn công, bị ném đá.

Pháp luật đang bất lực trước những loại tội phạm theo kiểu đám đông, có nhiều vụ người ta nhân danh đám đông để xử tội bất cứ ai họ nghi là có tội. Không phải một vụ mà quá nhiều vụ, đã có nhiều án mạng xảy ra vì người ăn trộm bị dân làng đánh chết một cách dã man.

Ngoài tình trạng non nớt trong nhận thức pháp luật, có một điều còn kinh sợ hơn, đó là tại con người ngày càng ứng xử với nhau quá hung dữ và độc ác. Tính nhân văn, lòng nhân ái “thương người như thể thương thân” trong những trường hợp này dường như vô nghĩa.

LÊ THANH PHONG

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/khong-the-bat-luc-truoc-nan-dam-dong-xu-an-608166.ldo