Đáp ứng nhu cầu sử dụng, nâng cao tính pháp lý của thông tin thống kê trong tình hình mới

Luật Thống kê được Quốc hội khóa XIII ban hành ngày 23/11/2015. Sau hơn 5 năm thi hành, Luật Thống kê đã có nhiều tác động tích cực đối với sự quản lý, điều hành đất nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, đặc biệt là sự thay đổi nhanh chóng của kinh tế số, xã hội số và sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư thì Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia nêu trong Luật đã bộc lộ những bất cập. Do đó, ngành Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu Chính phủ xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê trình Quốc hội. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Quảng Trị đã có cuộc phỏng vấn ông TRẦN ÁNH DƯƠNG, Cục trưởng Cục Thống kê Quảng Trị.

 Cục Thống kê tỉnh trực báo điều tra nông thôn, nông nghiệp giữa kỳ năm 2020 - Ảnh: H.V.A

Cục Thống kê tỉnh trực báo điều tra nông thôn, nông nghiệp giữa kỳ năm 2020 - Ảnh: H.V.A

- Đề nghị ông cho biết sự cần thiết xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê?

- Tại Tờ trình số 378/TTr-CP ngày 6/10/2021, Chính phủ đã trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê đã đề cập rất cụ thể đến các nội dung về sự cần thiết khi phải xây dựng luật này. Trước hết, về căn cứ pháp lý, tại điều 18, Luật Thống kê số 89/2015/QH13 có quy định về điều chỉnh, bổ sung Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia: “Căn cứ vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, yêu cầu quản lý nhà nước và hội nhập quốc tế trong từng thời kỳ, Chính phủ rà soát, trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia theo thủ tục rút gọn”.

Về căn cứ thực tiễn, Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia chưa cập nhật, phản ánh, đánh giá một số chính sách pháp luật, mục tiêu đường lối đổi mới, định hướng phát triển KT - XH của Đảng, Quốc hội, Chính phủ được ban hành trong thời gian gần đây như: Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030... Chưa phản ánh đầy đủ thực tiễn đang vận động của đời sống KT - XH, còn thiếu các chỉ tiêu phản ánh sự đóng góp của kinh tế số và logistics cho nền kinh tế ở tầm vĩ mô, đổi mới sáng tạo toàn cầu, cải thiện môi trường kinh doanh, chuyển đổi số quốc gia, các chỉ tiêu phản ánh phát triển bền vững ở cấp độ quốc gia...

Mặt khác, một số chỉ tiêu trong danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia không còn phù hợp với thực tiễn và các văn bản pháp luật chuyên ngành cũng cần được sửa đổi tên hoặc loại bỏ như: Chỉ tiêu “Tỉ lệ nghèo” sửa tên thành “Tỉ lệ nghèo đa chiều” hay bỏ chỉ tiêu “Chỉ số đổi mới công nghệ, thiết bị” vì việc tính toán chỉ số này không khả thi...

Việc cập nhật, sửa đổi, bổ sung Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia còn là cơ sở phân công, phối hợp giữa các bộ, ngành trong việc xây dựng chương trình điều tra thống kê quốc gia, sử dụng dữ liệu hành chính cho hoạt động thống kê nhà nước, chế độ báo cáo thống kê và chương trình khác có liên quan đến hoạt động thống kê. Đây là những cơ sở pháp lý bảo đảm cho việc thu thập, tổng hợp, biên soạn các chỉ tiêu thống kê quốc gia trên thực tiễn.

Việc sửa đổi, bổ sung Luật Thống kê nhằm mục đích: Cung cấp thông tin thống kê chính xác, khách quan, kịp thời, phản ánh đúng, đầy đủ tình hình KT - XH của đất nước giai đoạn 2021 - 2030; giúp phân tích, hoạch định và điều hành chính sách vĩ mô; xây dựng cơ sở pháp lý để thu thập các chỉ tiêu thống kê quốc gia; đảm bảo yêu cầu so sánh quốc tế trong các lĩnh vực và tạo cơ sở pháp lý để xây dựng hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã làm công cụ để quản lý điều hành của các cấp chính quyền địa phương...

- Ông có thể giới thiệu khái quát về nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê?

- Trong phần chính (ngoài ra còn có Phụ lục là danh mục các chỉ tiêu) của dự án luật đã sửa đổi, bổ sung 2 nội dung tại khoản 6 Điều 17 và tại điểm d khoản 2 Điều 48 nhằm mục đích nâng cao tính pháp lý, chất lượng tính toán chỉ tiêu GDP, GRDP cũng như làm rõ hơn thẩm quyền, quy trình công bố thông tin thống kê quốc gia có phân tổ đến cấp tỉnh, cụ thể:

Sửa đổi, bổ sung khoản 6 Điều 17 như sau: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với bộ, ngành và địa phương: Trình Chính phủ ban hành nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và quy trình biên soạn chỉ tiêu Tổng sản phẩm trong nước, chỉ tiêu Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; hướng dẫn, kiểm tra tình hình và báo cáo kết quả thực hiện hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia. Định kỳ 5 năm rà soát về việc đánh giá lại quy mô Tổng sản phẩm trong nước báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội.

 Điều tra kinh tế hộ nông dân - Ảnh: TRẦN VĂN TRUNG

Điều tra kinh tế hộ nông dân - Ảnh: TRẦN VĂN TRUNG

Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 2 Điều 48 như sau: Người đứng đầu cơ quan thống kê cấp tỉnh công bố thông tin thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Đối với thông tin thống kê của chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh là phân tổ của chỉ tiêu thống kê quốc gia phải thống nhất với cơ quan thống kê Trung ương trước khi công bố.

Ngoài ra, đã thay thế Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê số 89/2015/QH13 bằng Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành kèm theo dự án luật lần này.

Về xây dựng, lựa chọn chỉ tiêu đảm bảo nguyên tắc: Một là, phải phản ánh được tình hình KT - XH chủ yếu của đất nước, phục vụ các cơ quan, lãnh đạo Đảng và Nhà nước các cấp trong việc đánh giá, dự báo tình hình, hoạch định chiến lược, chính sách, xây dựng kế hoạch phát triển KT - XH; phản ánh, lượng hóa việc thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là những chủ trương, chính sách trong bối cảnh mới. Đó là những thông tin, số liệu về KT - XH chủ yếu ở tầm quốc gia.

Hai là, phải đảm bảo tính khả thi, tức là chỉ tiêu thống kê phải thu thập, tổng hợp và biên soạn được trên thực tiễn. Nguyên tắc này đòi hỏi phải: Bảo đảm kế thừa, phát huy hiệu quả những quy định mang tính ưu việt trong Luật Thống kê; bảo đảm thống nhất, tương thích và tính so sánh quốc gia, giữa các vùng miền nhưng vẫn đáp ứng được các điều kiện thực tiễn; bảo đảm thống nhất với các hệ thống chỉ tiêu thống kê bộ, ngành, hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã và các hệ thống chỉ tiêu thống kê đa ngành, đa lĩnh vực và liên kết vùng.

Ba là, phải đảm bảo so sánh quốc tế; phù hợp với thực tiễn thống kê và tuân thủ các nguyên tắc hoạt động thống kê chính thức của Ủy ban Thống kê Liên hợp quốc.

Kết cấu Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia gồm 3 cột gồm: Số thứ tự; mã số; nhóm, tên chỉ tiêu với 20 nhóm và 222 chỉ tiêu.

Một số thay đổi so với Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia được chuẩn hóa, hợp lý hơn thông qua việc đã rà soát, điều chỉnh sửa tên một số nhóm và tên chỉ tiêu, gộp chỉ tiêu, tách chỉ tiêu và bổ sung chỉ tiêu còn thiếu, bỏ các chỉ tiêu không phù hợp, thiếu tính khả thi. Cụ thể về số lượng chỉ tiêu so với danh mục Luật Thống kê số 89/2015/ QH13: Giữ nguyên 129 chỉ tiêu; sửa tên 46 chỉ tiêu để phù hợp tình hình thực tế và văn bản pháp luật chuyên ngành đồng thời bảo đảm so sánh quốc tế; bổ sung 47 chỉ tiêu để phản ánh, đánh giá một số chính sách pháp luật, mục tiêu đường lối đổi mới, định hướng phát triển KT - XH của Đảng, Quốc hội, Chính phủ được ban hành trong thời gian gần đây; bỏ 11 chỉ tiêu thống kê do không còn phù hợp với thực tế, không đảm bảo tính khả thi hoặc đã có trong nội dung của chỉ tiêu thống kê khác.

Xét về mục đích, Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia đã cập nhật, phản ánh, đánh giá một số chính sách pháp luật, mục tiêu đường lối đổi mới trong thời gian gần đây như: 18 chỉ tiêu thống kê phản ánh, giám sát, đánh giá thực hiện nội dung Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; 17 chỉ tiêu thống kê phản ánh, giám sát, đánh giá thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030; 55 chỉ tiêu thống kê phản ánh, giám sát, đánh giá thực hiện nội dung về phát triển bền vững; 23 chỉ tiêu thống kê phản ánh, giám sát, đánh giá việc thực hiện cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tập trung vào các nhóm chuyển đổi số, kinh tế số; 12 chỉ tiêu thống kê phản ánh, giám sát, đánh giá thực hiện nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics; 26 chỉ tiêu phản ánh, giám sát, đánh giá về giới và bình đẳng giới.

Ngoài ra, còn các chỉ tiêu thống kê đảm bảo phản ánh quan hệ hội nhập quốc tế, phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam; các chỉ tiêu thống kê phản ánh, dự báo, đo lường sự phát triển của kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển kinh tế bao trùm; các chỉ tiêu thống kê về bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu; các chỉ tiêu thống kê phản ánh liên kết vùng và nhóm yếu thế.

- Ông kỳ vọng gì về việc trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê lần này?

- Câu hỏi này phù hợp với bộ, ngành trung ương hơn, nhưng là một đơn vị cấp tỉnh trực thuộc Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tôi cũng có kỳ vọng về việc trình dự án luật lần này. Với ý nghĩa, tầm quan trọng hết sức đặc biệt của danh mục hệ thống gồm 222 chỉ tiêu thống kê quốc gia và một số nội dung liên quan có trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung trình Quốc hội đối với quản lý, điều hành đất nước trong giai đoạn mới và sự chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu của các đơn vị tham gia soạn thảo, tôi hy vọng dự án luật sẽ được Quốc hội thông qua với tỉ lệ phiếu đồng tình cao.

Tiếp đến, CBCC trong ngành Thống kê quan tâm nhiều hơn đó là việc tổ chức, thực hiện Luật Thống kê nói riêng và các luật khác nói chung trong hoạt động thực tiễn. Vì nội dung của luật có đề cập quy trình biên soạn chỉ tiêu GDP, GRDP nên tôi cũng mạn phép liên hệ đến một việc đã xảy ra thời gian gần đây mặc dù đã có quy định của Chính phủ, tuy nhiên khi Trung ương công bố (GRDP) một số địa phương không sử dụng. Do đó, nói về sự kỳ vọng tôi mong hiện tượng đó không phải lặp lại và đừng để mọi người phải băn khoăn không hiểu các địa phương này đã quản lý, lãnh đạo, chỉ đạo như thế nào.

- Xin cảm ơn ông!

Hà Vân An (thực hiện)

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=161875&title=dap-ung-nhu-cau-su-dung-nang-cao-tinh-phap-ly-cua-thong-tin-thong-ke-trong-tinh-hinh-moi