DAP Đình Vũ đã khó càng thêm khó

Vừa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm với khoản lỗ hơn 200 tỷ đồng, CTCP DAP - VINACHEM (mã DDV - sàn UPCoM) lại đứng trước nguy cơ bị đóng cửa nhà máy do bê bối về môi trường.

Nửa cuối năm, DDV dự kiến còn gặp nhiều khó khăn khi giá khí đầu vào sản xuất phân bón được dự báo sẽ tăng lên theo sự hồi phục của giá dầu.

Báo cáo tài chính bán niên của DDV ghi nhận, Công ty đã lỗ ròng tới 212,23 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 16,6 tỷ đồng. Nửa đầu năm, DDV có doanh thu thuần đạt 580 tỷ đồng, hoàn thành hơn 20% kế hoạch doanh thu cả năm (2.842 tỷ đồng).

Ngoài việc chi phí tăng cao khi lãi suất vay vốn lưu động tại ngân hàng tăng do không có nguồn trả nợ đúng hạn, nửa đầu năm, giá bán giảm sâu và công tác tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn là các nguyên nhân chính dẫn đến thua lỗ của DDV.

Thông tin từ Tập đoàn Hóa chất Việt Nam – VINACHEM cho biết, từ đầu năm, giá các loại phân bón trong nước ở mức khá thấp. Nguyên nhân chủ yếu là do giá phân bón thế giới tiếp tục giảm và nguồn cung trong nước hiện khá dồi dào. Tình hình khô hạn và xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên ở mức độ cao hơn các năm cũng tác động đến nhu cầu về phân bón.

Theo CTCK Ngân hàng BIDV (BSC), mặc dù giá nguyên vật liệu đầu vào ở mức thấp, nhưng El Nino kéo dài khiến nhu cầu và giá phân bón giảm mạnh, chưa có dấu hiệu phục hồi trong 6 tháng đầu năm 2016, dẫn đến kết quả kinh doanh của đa số các công ty phân bón đều giảm sút.

Chưa hết thất vọng vì kết quả kinh doanh kể trên, DDV lại dính vào vụ bê bối liên quan đến nhà máy sản xuất của Công ty tại Hải Phòng. Cụ thể, mới đây, Dự án Đầu tư nhà máy sản xuất phân bón Diamin phốt phát (DAP) Đình Vũ của DDV đã bị người dân TP. Hải Phòng phản ánh đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc thải chất thải rắn thạch cao chứa phốt pho cực độc với khối lượng lớn, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân trong khu vực.

Trước việc thông tin này lan rộng trên báo chí và mạng xã hội, DDV đã buộc phải lên tiếng giải trình. Theo đó, Công ty cho biết, họ luôn tuân thủ những nội dung cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường, đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt. Đồng thời, DDV cũng khẳng định thông tin cho rằng bã thải thạch cao của Công ty có chứa chất phốt pho cực độc là không chính xác, chưa có căn cứ khoa học.

DDV cho biết thêm, việc phát sinh bã thải thạch cao trong quá trình sản xuất đều xuất hiện tại các nhà máy sản xuất phân bón DAP từ quặng apatit trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Tây Ban Nha... Nhưng vì DDV là đơn vị đầu tiên ở Việt Nam sản xuất phân bón này nên cũng là lần đầu tiên phát sinh chất thải rắn.

Trả lời tại phiên chất vấn kỳ họp HĐND TP. Hải Phòng diễn ra mới đây, ông Phạm Quốc Ka - Giám đốc Sở Tài Nguyên Môi trường Hải Phòng cho biết, bãi thải thạch cao của DDV có lượng acid tồn dư và hợp chất kim loại nặng rất cao, tiềm ẩn nguy cơ sự cố môi trường nghiêm trọng. Theo đó, Sở Tài nguyên Môi trường sẽ xây dựng một trạm quan trắc 24/24 giờ để giám sát chặt chẽ bãi thải này, nếu phát hiện vượt ngưỡng ô nhiễm có thể đề xuất đóng cửa và di dời nhà máy.

Sau thông tin trên, hiện DDV chưa lên tiếng giải thích thêm, song nhiều khả năng hoạt động sản xuất của Công ty sẽ chịu ảnh hưởng không nhỏ, bởi Sở Tài nguyên Môi trường Hải Phòng đã có yêu cầu DDV thực hiện giảm công suất đối với nhà máy và áp dụng thêm các biện pháp phòng ngừa ô nhiễm môi trường.

Tổng giám đốc DDV: Sẽ tiết kiệm tối đa để giảm lỗ

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Văn Sinh, Tổng giám đốc DDV cho biết, trước tình hình kinh doanh đi xuống trong nửa đầu năm, không chỉ Công ty, mà ngay cả Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (đơn vị nắm giữ 64% cổ phần chi phối), đã có các cuộc họp phân tích nguyên nhân và tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn hiện tại.

Đối với DDV, Ban lãnh đạo Công ty đặt nhiệm vụ trước tiên là tuyên truyền cho tập thể cán bộ nhân viên nắm được những khó khăn mà Công ty đang gặp, kêu gọi tập thể cán bộ nhân viên thực hành tiết kiệm, giảm mọi chi phí, từ giảm định mức tiêu hao nguyên nhiên vật liệu, giảm vật tư sửa chữa, thay thế, tận dụng nội lực tự có để tìm cách khắc phục các phát sinh trong quá trình sản xuất, cho tới tiết kiệm chi phí quản lý, với mục tiêu là giảm giá thành sản xuất, góp phần giảm lỗ.

Chỉ đạo Công đoàn Công ty vận động cán bộ nhân viên mua phân bón của Công ty; mở rộng các kênh phân phối; tăng tỷ lệ chiết khấu thanh toán, khuyến mại; cung cấp sổ mua hàng cho hệ thống đại lý cấp 2, cuối mỗi quý sẽ xét thưởng cho các đại lý có sản lượng tiêu thụ cao.

Công ty xác định nhiệm vụ trọng tâm và trước mắt là tập trung tiêu thụ hết khối lượng hàng tồn kho, khi nào thiếu hàng mới tổ chức sản xuất (chủ yếu là để giữ chân khách hàng), sử dụng tối đa vật tư, nguyên liệu tồn kho, giảm tối đa khối lượng tồn kho. Nhiệm vụ thứ hai là tranh thủ sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống thiết bị, tổ chức vệ sinh nhà xưởng.

Anh Quốc

Nguồn ĐTCK: http://tinnhanhchungkhoan.vn/doanh-nghiep/dap-dinh-vu-da-kho-cang-them-kho-162249.html