Đào tạo tiến sĩ: Muốn chất lượng, cần đầu tư tương xứng

Mỗi luận án tiến sĩ là một công trình, đề tài nghiên cứu thực sự mà một nghiên cứu sinh (NCS) nghiêm túc sẽ phải đầu tư rất nhiều công sức, tiền bạc để triển khai. Do đó, nếu nguồn lực, điều kiện vật chất có hạn, sẽ rất khó để xây dựng nên những luận án tiến sĩ có giá trị, hiệu quả thực tế.

Ảnh minh họa

Mấu chốt vẫn là kinh phí

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, có 3 nguyên nhân chính khiến chất lượng đào tạo tiến sĩ (TS) của Việt Nam hiện nay còn thấp, vàng thau lẫn lộn: Trước hết là do NCS không xác định rõ động cơ khi làm NCS. NCS là đào tạo ra các nhà nghiên cứu với những đột phá mới chứ không phải đào tạo kỹ năng làm nghề. Nhiều NCS không xác định được rõ động cơ, mục tiêu này nên dẫn đến chất lượng không bảo đảm.

Thứ hai là người hướng dẫn NCS, do chất lượng chưa đồng đều nên quá trình hướng dẫn còn hạn chế, do đó không tiếp cận được với học thuật thế giới. Nguyên nhân tiếp theo là hầu hết cơ sở giáo dục đào tạo TS hiện nay chấp hành nghiêm quy chế, nhưng vẫn có nơi, có lúc cơ sở buông lỏng quản lý chất lượng, chạy theo số lượng dẫn đến có những luận án TS không bảo đảm, gây bức xúc trong xã hội.

Có thể nói, trong điều kiện cơ sở vật chất cũng như đầu tư như hiện nay, các cơ sở giáo dục đào tạo được TS là sự cố gắng lớn, cần phải đánh giá cao. Tuy nhiên, do nguồn lực đầu tư, kinh phí đào tạo quá thấp nên không đủ để NCS thực hiện các nghiên cứu có chất lượng. Các đề tài về khoa học tự nhiên không có điều kiện đầy đủ về phòng thí nghiệm, đề tài khoa học xã hội thì tính thực tế không cao, hời hợt, chủ yếu mang tính lý luận, hàn lâm, sách vở.

Hiện nay, theo thống kê của Bộ GD&ĐT, chi phí để đào tạo một TS trung bình là 15 triệu/năm, so với nước ngoài trung bình là 15.000 USD/năm. Con số này đã là sự cố gắng rất lớn, trách nhiệm rất lớn của các thầy. Tuy nhiên, với đầu tư cho đào tạo TS nhỏ bé như vậy, thật khó đòi hỏi chất lượng TS cao được. Chúng ta không thể đòi hỏi con số ngang bằng với mức đầu tư của thế giới, song cũng cần đầu tư cho đào tạo TS ở mức độ vừa phải, phù hợp để NCS thực hiện được các nhiệm vụ nghiên cứu.

Cần đầu tư tương xứng

Chia sẻ quan điểm trên, PGS. Vũ Lan Anh, Phó Giám đốc Đại học Luật Hà Nội cho rằng, bản chất của một luận án TS là công trình nghiên cứu khoa học, là đề tài khoa học. Vì thế, những NCS phải được nghiên cứu thực sự. Các cơ sở cần phải chuẩn bị các điều kiện vật chất như phòng thí nghiệm, học liệu.

Cùng quan điểm rằng muốn nâng cao chất lượng TS thì Nhà nước cần có đầu tư tương xứng, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho hay, Đề án 911 đang đề xuất mức kinh phí 30.000-40.000 USD/năm cho NCS làm TS ở nước ngoài và 70 triệu đồng cho NCS trong nước, song đến nay vẫn chưa giải quyết được.

Về vấn đề này, theo TS. Nguyễn Thị Kim Phụng,Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, mức chi phí cho đào tạo một TS là bao nhiêu còn tùy từng chuyên ngành và cơ sở đào tạo. Vấn đề mấu chốt không phải là đề xuất mức chi phí cụ thể mà cần có một cơ chế để thu xếp, bố trí nguồn lực cho người làm TS.

Hiện nay, Chính phủ đang cho một số trường triển khai thí điểm tự chủ đại học. Chính sách này sẽ cho phép các trường được thu mức học phí cao hơn so với trước, tuy nhiên mức thu này vẫn chưa bảo đảm được chất lượng tương xứng vì vẫn bị vướng trần, nếu thu cao quá thì không có nhiều NCS đủ điều kiện. Vì thế, theo GS. Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội, với những người thực sự giỏi, có năng lực và nếu họ chứng minh được năng lực thì Nhà nước nên có chính sách đầu tư, cấp học bổng trong hay ngoài nước cho họ làm TS.

“TS là tinh hoa của giới trí thức, là nguồn lực để phát triển nền khoa học, giáo dục cũng như nghiên cứu của đất nước. Chúng ta không cần đào tạo quá nhiều TS, vì TS không phải loại hình đào tạo đại trà, nhưng cần có chính sách hỗ trợ để đầu tư cho những người giỏi thực sự”, PGS Vũ Lan Anh đề xuất.

Nguyệt Hà

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/giao-duc/dao-tao-tien-si-muon-chat-luong-can-dau-tu-tuong-xung/291248.vgp