Đào tạo nghề liên kết với doanh nghiệp

Đào tạo nghề bây giờ không chỉ đơn thuần dạy lý thuyết, các trường đã hướng đến nhu cầu của DN, đồng thời các DN cũng bắt tay với các trường cao đẳng, đại học nhằm cùng xây dựng các chương trình học giúp sinh viên có được tay nghề cao sau khi ra trường. Việc làm này giúp DN không mất thời gian để đào tạo lại gây lãng phí cho xã hội.

Sự chuyển mình nhanh nhạy trước tiên phải nói đến Trường Cao đẳng Xây dựng số 2. Đứng trước thực trạng DN xây dựng, quản lý BĐS khan hiếm lực lượng lao động có chuyên môn sâu, trường đã kết hợp với Cty CP Sài Gòn Triển vọng (Savista) đào tạo quản lý tòa nhà và quản lý đô thị để cung cấp nguồn nhân lực bị thị trường bỏ ngỏ từ lâu nay. Không dừng ở đó, trường còn liên kết đào tạo với Cty TNHH Xây dựng Dương Lân đào tạo lĩnh vực hoàn toàn mới đó là kỹ năng làm việc trên cao và không gian hạn chế (26/11 tới đây sẽ ra mắt). Nhằm đưa ra các khóa học đặc biệt ngắn hạn cung cấp các kỹ năng về an toàn lao động trên cao cho người lao động như: Thi công nhà cao tầng, hoàn thiện mặt ngoài nhà cao tầng, lắp dựng giàn giáo cốp pha, bảo trì và vệ sinh mặt ngoài nhà cao tầng, lắp dựng trụ điện cao thế, thi công truyền tải điện, thi công trong khu vực hạn chế như: tuabin gió, đập tràn... Ngoài ra, công tác PCCC, cứu nạn, cứu hộ cũng cần có các nội dung và kỹ năng làm việc trên cao. Đó không chỉ là nhu cầu thực tế mà còn giảm tai nạn cho người lao động khi họ đã nắm được các phương pháp tự bảo vệ mình.

Mới đây Cty Schneider Electric đã tài trợ một phòng thực hành “Đào tạo điện” cho Trường Cao đẳng Kỹ thuật Lý Tự Trọng nhằm mục tiêu phát triển nguồn nhân lực ngành điện có tay nghề cao thông qua các chương trình đào tạo thực tiễn. Phòng thực hành này sẽ phục vụ cho các chương trình đào tạo nghề điện cho thanh thiếu niên, thuộc khuôn khổ chương trình “Đào tạo điện - Khởi nguồn cho tương lai xanh” nhằm mục đích nâng cao chất lượng đào tạo nghề trong ngành công nghiệp năng lượng tại Việt Nam.

Chương trình sẽ tập trung vào đào tạo nghề và công nghệ trong ngành điện, quản lý năng lượng và kinh doanh bền vững, hướng tới đối tượng học viên trẻ tuổi nhằm mang đến cho họ cơ hội nghề nghiệp ổn định. Với cơ sở vật chất hiện đại tại phòng thực hành, dự kiến mỗi năm sẽ có ít nhất 500 học viên được thực hiện những thí nghiệm về quản lý năng lượng.

Để đảm bảo chất lượng giảng dạy theo tiêu chuẩn và yêu cầu của chương trình, từ nay tới cuối năm 2016 trong giai đoạn 1 của dự án, Schneider Electric và tổ chức phi Chính phủ ASSIST sẽ đào tạo các giảng viên của Trường Cao đẳng Kỹ thuật Lý Tự Trọng TP.HCM, sau đó, sang tháng 1/2017 sẽ bắt đầu thực hiện các khóa học đầu tiên.

Ông Yoon Young Kim - Tổng giám đốc Schneider Electric Việt Nam, Myanmar và Campuchia cho biết: “Chúng tôi tin rằng việc tiếp cận và sử dụng năng lượng an toàn là quyền lợi cơ bản của con người và Schneider Electric cam kết nỗ lực hướng tới mục tiêu mọi người dân trên hành tinh này được sử dụng nguồn năng lượng an toàn, đáng tin cậy, hiệu quả và bền vững. Hiện nay tại Việt Nam, mỗi năm có 1,4 triệu kỹ sư tham gia vào lực lượng lao động, nhưng chỉ 15% trong số đó được đào tạo nghề chính quy, điều này có thể dẫn đến các vấn đề về sử dụng năng lượng thiếu hiệu quả và kém an toàn. Dự án phòng thực hành nghề điện này là sự khẳng định về mối quan hệ hợp tác của Schneider Electric với các đối tác toàn cầu và địa phương có cùng tầm nhìn và tin tưởng rằng với những nỗ lực chung, chúng ta có thể tạo ra sự khác biệt”.

Trước đó, Tập đoàn Bosch đã liên kết với Trường Cao đẳng nghề Lilama 2 nhằm đào tạo đội ngũ công nhân có tay nghề cao trong ngành chế tạo thiết bị cơ khí và ngành cơ điện tử với tổng số vốn tài trợ cho Việt Nam hơn 1 triệu USD.

Theo ông Võ Quang Huệ - Tổng giám đốc Tập đoàn Bosch tại Việt Nam, Bosch là DN đầu tiên thực hiện Chương trình đào tạo nghề kép của Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam. Đây là một chương trình mang tính xã hội của Đức, nhằm góp phần xây dựng đội ngũ lao động tay nghề cao tại Việt Nam. Tập đoàn Bosch xác định Việt Nam là thị trường tăng trưởng chính và cam kết tiếp tục đẩy mạnh đầu tư trong thời gian tới.

Với việc chung tay cũng như hỗ trợ của các DN trong và ngoài nước, công nhân kỹ thuật Việt Nam ngày càng có kỹ năng và tay nghề cao hơn và cạnh tranh được với nguồn nhân lực trong khu vực.

Bùi Hiền

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/kinh-te/dao-tao-nghe-lien-ket-voi-doanh-nghiep.html