Đào tạo nghề đáp ứng tốc độ đô thị hóa ở thành phố Đông Hà

Những năm gần đây, công tác đào tạo nghề cho lao động, nhất là lao động nữ trên địa bàn TP. Đông Hà chuyển biến tích cực, góp phần chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang các ngành thương mại, dịch vụ, công nghiệp, đáp ứng tốc độ đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ.

Một tiết thực hành nghề pha chế đồ uống - bar cho người lao động trên địa bàn TP. Đông Hà -Ảnh: M.L

Trên cơ sở nhu cầu người học đăng ký tại các phường, hiện nay, các lớp dạy nghề phi nông nghiệp của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) TP. Đông Hà tập trung đào tạo là: kỹ thuật chế biến món ăn, pha chế đồ uống - bar, cắm hoa nghệ thuật.

Theo ông Trương Minh Vũ, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX TP. Đông Hà, việc tuyển sinh của trung tâm cứ đủ số lượng học viên là mở lớp (từ 30-35 học viên/lớp), hình thức đào tạo có thể tại trung tâm hoặc về tận khu dân cư để người lao động thuận lợi sắp xếp thời gian, công việc đi học.

Với nghề phi nông nghiệp hiện nay, có người lao động học để chuyển đổi nghề, tự tạo việc làm nhưng cũng có những người đi làm rồi vẫn tranh thủ đi học để nâng cao tay nghề hoặc bổ sung chứng chỉ sơ cấp nghề đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất.

Chị Lê Thị Hữu Năm, ở khu phố Tây Trì, Phường 1 cho biết, nhờ đi học nghề pha chế đồ uống - bar tại Trung tâm GDNN-GDTX TP. Đông Hà vào tháng 4/2023 mà chị hiểu biết sâu hơn về kỹ thuật pha chế đồ uống. Gia đình chị Năm vốn có một quán cà phê nhỏ ở đường Trần Hưng Đạo, các loại đồ uống bình dân và na ná như nhiều quán giải khát nhỏ lẻ khác.

Tuy nhiên, sau khi tham gia khóa học sơ cấp nghề này thì chị Năm đã thay đổi hình thức kinh doanh. Chị đầu tư vốn cải tạo lại không gian quán và làm phong phú thêm các loại thức uống. Ngoài các loại cà phê truyền thống, quán có thêm cà phê muối, cà phê trứng và nhiều loại nước uống từ trái cây.

“Trước khi đi học, tôi pha cà phê theo cảm tính nên nhiều lúc đậm, nhạt không đều tay, thỉnh thoảng bị khách hàng phàn nàn. Học nghề được thầy cô hướng dẫn các công thức pha chế, có tỉ lệ nguyên liệu phù hợp nên chất lượng đồ uống thơm ngon hơn. Vì thế mà quán ngày càng đông khách”, chị Năm cho hay. Bên cạnh việc đảm bảo chất lượng thì chị còn biết thêm bí quyết tạo màu sắc bắt mắt, hấp dẫn nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm cho các ly nước.

“Thay vì phải tìm kiếm các loại màu thực phẩm và học cách pha trộn sao cho phù hợp, giờ tôi có thể tự tạo ra nhiều màu sắc với hoa đậu biếc nhờ kết hợp một số nguyên liệu tự nhiên với nhau. Hoa đậu biếc vốn có màu xanh nhưng vắt thêm một chút chanh sẽ có một ly nước màu tím; thêm vào một ít sữa tươi hoặc nước cốt dừa, khuấy đều thì được màu xanh lam...Việc tạo màu từ các sản phẩm tự nhiên như thế này không chỉ thuận tiện trong quá trình pha chế đồ uống mà còn đảm bảo an toàn cho sức khỏe người sử dụng”, chị Năm chia sẻ.

Với chị Hoàng Thị Hải, Khu phố 3, phường Đông Giang thì nhờ có bằng sơ cấp nghề kỹ thuật chế biến món ăn mà chị được Cơ sở Mầm non độc lập Tuổi Ngọc, Phường 3, TP. Đông Hà chính thức ký hợp đồng. Chị được tuyển vào làm nhân viên cấp dưỡng với mức lương 5,3 triệu đồng/tháng (chưa kể tiền hỗ trợ ăn trưa). Công việc gần nhà, thu nhập ổn định giúp chị Hải có điều kiện chăm lo cho gia đình nhỏ của mình.

Chị Hải chia sẻ: “Tôi được hướng dẫn chi tiết về quy trình từ khâu lựa chọn nguyên, vật liệu, sơ chế, chế biến, đến cách trang trí, bày biện món ăn cũng như các kiến thức về dinh dưỡng, quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Khi mới học nghề nấu ăn, tôi chỉ nghĩ học và làm theo sở thích, năng khiếu nhưng làm việc trong môi trường giáo dục thì tôi nhận thấy vai trò dinh dưỡng đối với sự phát triển của trẻ vô cùng quan trọng, điều đó giúp tôi có ý thức hơn trong công việc. Đủ lượng, đủ chất, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là yêu cầu tất yếu, song để trẻ ngon miệng thì người đầu bếp cần có chuyên môn vững vàng, không ngừng học hỏi và nâng cao tay nghề”.

Theo chị Hoàng Thị Thúy Kiều, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Đông Giang, qua khảo sát, người lao động trên địa bàn có nhu cầu học nghề chủ yếu là phụ nữ. Thời gian tới, hội sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về học nghề và việc làm cho phụ nữ; nắm bắt kịp thời các nhu cầu học nghề và việc làm của chị em để phối hợp với trung tâm dạy nghề mở thêm các lớp học nghề theo nhu cầu của thị trường và phù hợp với lao động nữ như: giúp việc gia đình, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp...

Những năm gần đây, tốc độ đô thị hóa trên địa bàn TP. Đông Hà tăng nhanh, quỹ đất nông nghiệp ở các phường ven đô bị thu hẹp dần để xây dựng các công trình, dự án thì việc hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển đổi nghề phù hợp, đảm bảo sinh kế bền vững cho người dân là việc làm cần thiết. Để đào tạo nghề phi nông nghiệp phát huy hiệu quả, trung tâm dạy nghề cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể trong việc điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của người dân để xây dựng kế hoạch đào tạo sát với tình hình thực tế, tránh tình trạng đào tạo tràn lan không có định hướng.

Đồng thời tăng cường tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm, thường xuyên rà soát, bổ sung danh mục đào tạo nghề cho lao động; các cơ sở dạy nghề cần có kế hoạch liên kết với doanh nghiệp, tổ hợp tác nhằm hỗ trợ người lao động tìm kiếm việc làm sau đào tạo.

Mai Lâm

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/xa-hoi/dao-tao-nghe-dap-ung-toc-do-do-thi-hoa-o-thanh-pho-dong-ha/182316.htm