Đào tạo khởi nghiệp cho SV ĐH Công nghiệp Thực phẩm từ năm học 2017-2018

Đây là một trong những nội dung nằm trong lộ trình xây dựng nền tảng đổi mới sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp cho sinh viên được nhà trường công bố chiều ngày 20/05.

Theo đó, sinh viên năm thứ 2 theo học tại nhà trường sẽ được học các chương trình đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Chương trình học nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng để sinh viên sẵn sàng với tâm thế đổi mới sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp.

Để thực hiện việc đào tạo, 100 giảng viên gồm các thành viên Ban giám hiệu, trưởng các bộ phận, khoa… đã tham gia khóa đào tạo giảng viên đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp do các chuyên gia của chương trình hợp tác đổi mới sáng tạo Việt Nam – Phần Lan (IPP) giảng dạy.

Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn, Phó hiệu trưởng phụ trách ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, đây là những bước đi nhằm thực hiện mục tiêu tạo dựng, phát triển hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong nhà trường.

“Quan trọng hơn, đây là những nền tảng để chúng tôi xây dựng nhà trường thành trường ĐH đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp”- TS Hoàn cho biết.

PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn (phải) ký kết biên bản ghi nhớ với Hội doanh nghiêp Quận Tân Phú. Ảnh: Hà Thế An.

Cũng nhằm tạo điều kiện cho sinh viên phát huy thế mạnh về đổi mới sáng tạo, trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM đã có những hoạt động liên kết với doanh nghiệp. Nhà trường tổ chức lễ ký kết biên bản ghi nhớ với Hội doanh nghiệp Quận Tân Phú.

Trong thời gian tới, nhà trường sẽ thành lập trung tâm đổi mới sáng tạo và kết nối doanh nghiệp. Trung tâm sẽ là nơi kết nối sinh viên với doanh nghiệp để sinh viên được tham gia các khóa huấn luyện, trải nghiệm thực tế tại các doanh nghiệp. Trung tâm cũng là cầu nối để sinh viên kết nối với các doanh nghiệp startup, các ĐH khác.

Ông Dương Thanh Ninh, Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp Quận Tân Phú cho biết, Hội luôn coi trọng nguồn nhân lực là yếu tố sống còn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Nhiều năm qua, Hội cũng đã chủ động kết nối với ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM cùng thực hiện việc đào tạo cho sinh viên.

Ngoài kiến thức học được trong nhà trường, sinh viên sẽ có hoạt động trải nghiệm, thực tập tại các doanh nghiệp để có kỹ năng thực tế, được huấn luyện kỹ năng mềm...

Theo ông Ninh, bất kỳ doanh nghiệp nào cũng đều mong muốn đổi mới sáng tạo để nâng cao hoạt động sản xuất, kinh doanh. Sinh viên khi học tập, làm việc tại các doanh nghiệp luôn được coi như “người nhà” và được coi trọng như những nhân viên khác.

“Chúng tôi luôn trân trọng những cải tiến, sáng tạo của các sinh viên. Nếu những sáng tạo đó mang lại giá trị, chúng tôi sẽ khuyến khích để các em có thể đóng góp cho hoạt đông của doanh nghiệp. Sự xuất hiện của sinh viên được xem là “luồng gió mới” cho doanh nghiệp”- ông Ninh nói.

Ngoài ra, nhà trường cũng sẽ xây dựng một quỹ ươm mầm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sinh viên nhằm nuôi dưỡng các ý tưởng sáng tạo của sinh viên.

Đào tạo khởi nghiệp cho sinh viên ĐH Nông Lâm TP.HCM

Theo ông Đặng Ngọc Toàn, Phó Chủ tịch đối ngoại Hội đồng tư vấn, hỗ trợ khởi nghiệp khu vực phía Nam, ngoài chương trình đào tạo cho ĐH Nông Lâm, đơn vị sẽ tổ chức khoảng 20 lớp đào tạo cho sinh viên, các bạn trẻ đam mê khởi nghiệp khắp miền Nam.

Trực tiếp giảng dạy là những giảng viên, doanh nhân tham gia Hội đồng. Những kiến thức sẽ được cung cấp cho sinh viên xoay quanh việc khởi nghiệp như xây dựng tinh thần khởi nghiệp, khơi dậy đam mê cho sinh viên, phương pháp lập kế hoạch kinh doanh,…

Chúng tôi tin rằng, sinh viên sẽ lĩnh hội được nhiều kiến thức, kinh nghiệm từ các giảng viên để tạo lập tinh thần doanh nhân, lập thân lập nghiệp trong các bạn trẻ. Những doanh nhân đã từng “kinh qua trận mạc” với rất nhiều kinh nghiệm, kỹ năng sẽ tạo ra những bài học đầy tính thực tiễn cho sinh viên”- ông Toàn cho biết.

Theo bà Đỗ Nguyễn Khánh Linh (thành viên Hội đồng), trong quá trình học, sinh viên sẽ thực hiện việc thành lập một doanh nghiệp giả. Phương pháp này đặt ra những tình huống cụ thể trong hoạt động của doanh nghiệp.

Mai Thành Tâm (sinh viên năm 3, khoa Nông học, ĐH Nông Lâm TP.HCM) cho biết: “Nhóm em đang thực hiện một dự án khởi nghiệp về đổi mới hoạt động của các Hợp tác xã. Tuy nhiên, kỹ năng lập kế hoạch dự án của nhóm em còn rất hạn chế. Với chương trình đào tạo này, tất cả các thành viên nhóm sẽ cùng tham gia để cải thiện khả năng lập kế hoạch cho dự án của mình”.

Chia sẻ tại buổi khai giảng khóa đào tạo khởi nghiệp kinh doanh vào sáng 20/05, PGS.TS Hoàng Thanh Hùng - Phó hiệu trưởng ĐH Nông Lâm TP.HCM cho rằng, việc đào tạo cho sinh viên về khởi nghiệp phải có sự tham gia của doanh nghiệp với những doanh nhân giàu kinh nghiệm.

“Trường ĐH đóng vai trò đào tạo về nhân lực. Còn kinh nghiệm, kỹ năng quản trị, phát triển doanh nghiệp thì phải có sự “truyền lửa” của những doanh nhân đã có những trải nghiệm nhất định trên thương trường. Có như vậy quá trình đào tạo cho sinh viên mới mang tính thiết thực”- TS Hùng chia sẻ.

Hà Thế An

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/khoa-hoc-cong-nghe/dao-tao-khoi-nghiep-cho-sv-dh-cong-nghiep-thuc-pham-tu-nam-hoc-2017-2018-c7a530295.html