Đào tạo bác sĩ nội trú: Nên chú trọng thực hành và có chính sách đãi ngộ riêng

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Ánh cho rằng, việc đào tạo bác sĩ nội trú là cần thiết, tuy nhiên không đào tạo quá tràn lan nhưng cũng không quá khắt khe. Còn với Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Minh Điển, việc mở rộng đào tạo bác sĩ nội trú nên chú trọng đào tạo thực hành nhiều hơn nữa, tìm hiểu rộng hơn về các mô hình bệnh tật.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương.

Không tràn lan, nhưng cũng không khắt khe

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho hay, trước đây, quy định khi học bác sĩ nội trú phải ở bệnh viện 24/24 giờ. Ngoài chuyện bệnh viện quản lý rất chặt chẽ, chương trình học của nhà trường luôn kín lịch. Với việc đào tạo này, đội ngũ bác sĩ nội trú có nhiều kinh nghiệm khi được học tập các thầy, cô hàng đầu trong chuyên môn của mình và tự tin hành nghề sau khi tốt nghiệp.

Tuy nhiên, theo Giáo sư Ánh, có thực tế hiện nay là chất lượng đào tạo bác sĩ nội trú đã có phần giảm sút so với trước. "Nếu chúng ta mở rộng đào tạo đại trà, sa sút trong chất lượng sẽ làm mất đi chất lượng và bản chất của bác sĩ nội trú. Khi đó niềm tin vào nguồn nhân lực chất lượng cao giảm sút", ông Ánh bày tỏ.

Bên cạnh đó, với việc đào tạo mở rộng, có tình trạng thừa bác sĩ nội trú tại tuyến trên. Trong khi đó, tuyến dưới vẫn khát nhân lực chất lượng cao.

Ông Ánh cho rằng, việc đào tạo là đúng, nhưng đào tạo xong các bác sĩ nội trú mặc định ở lại viện lớn, không về địa phương và họ sẽ khó tìm được đúng vị trí như kỳ vọng.

"Nhiều bác sĩ nội trú nghĩ mình được đào tạo nội trú sẽ được sắp xếp công việc ở những bệnh viện ở tuyến trung ương. Nhưng thực chất, việc đào tạo nguồn lực chất lượng cao này cho toàn bộ các tuyến và mở rộng đào tạo chủ yếu cho các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện. Quan điểm của tôi là đào tạo bác sĩ nội trú phải mở rộng hơn, nhưng tuyệt đối không tràn lan, vì chất lượng sẽ kém đi. Tôi không muốn chất lượng bác sĩ nội trú bị sa sút trong con mắt của giới y khoa", ông Ánh bày tỏ.

Do đó, việc đào tạo quan trọng phải quan tâm khung đào tạo, chất lượng đào tạo và đặc biệt phải có chính sách sử dụng người đào tạo nội trú. Việc đào tạo bác sĩ nội trú phải bảo đảm chất lượng như xưa và đào tạo xong phải sử dụng được đội ngũ bác sĩ nội trú.

Theo Giáo sư Ánh, việc mở rộng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao có mục đích phục vụ toàn dân chứ không chỉ chọn ở lại thủ đô. Do đó, cần phải có chính sách phân bố nguồn nhân lực cho đi các tỉnh.

"Tôi cho rằng, Bộ Y tế cần phối hợp với các tỉnh để tuyển bác sĩ nội trú nhưng phải có sự trọng dụng với chế độ đãi ngộ riêng. Ngành y tế cần có chính sách luân chuyển, đưa bác sĩ nội trú về địa phương cắm chốt vài năm để giúp cho y tế địa phương phát triển", Giáo sư Ánh bày tỏ.

Ông Ánh cũng nhấn mạnh: Đào tạo bác sĩ nội trú là đào tạo ra những bác sĩ giỏi và đấy là một hệ đào tạo rất chất lượng, nên phát huy nhưng không biến nó thành đại trà, song cũng đừng quá khắt khe với mức độ số người được đào tạo chả thấm vào đâu với dân số Việt Nam và chỉ phục vụ được một nhóm người, khi chúng ta có khả năng đào tạo ra nhiều người giỏi. Đừng làm ít quá, cũng đừng ôm đồm quá sức.

Tuy nhiên, cũng cần công bằng với đội ngũ này. Tùy theo nguyện vọng, nếu đội ngũ này sau khi được phân về các địa phương, nếu họ chọn ở lại tỉnh thì các tỉnh cần có chính sách ưu đãi về thu nhập, nhà ở với các bác sĩ nội trú. Nếu đội ngũ này muốn về tuyến Trung ương, ngành y tế cũng cần có chính sách để giúp họ tiếp tục có cơ hội học tập, tiếp xúc với các ca bệnh khó, nâng cao tay nghề. "Nếu không có chính sách lâu dài thì nguồn lực bác sĩ nội trú ra trường sẽ bơ vơ", bác sĩ Ánh chia sẻ.

Nên đào tạo hướng về thực hành lâm sàng nhiều hơn

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương nhấn mạnh, để giám sát chất lượng bác sĩ nội trú, quan trọng là phải thẩm định các cơ sở thực hành đào tạo đạt chuẩn hay không. Bên cạnh đó, phải tăng cường đào tạo theo đơn đặt hàng để tiết kiệm nguồn lực và giải quyết công bằng xã hội với các tỉnh, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, xóa nhòa sự bất bình đẳng giữa các vùng miền.

Do đó, theo bác sĩ Điển, để mở rộng đào tạo bác sĩ nội trú, các trường cần phải đặt ra tiêu chuẩn đầu vào. Ngoài kiến thức đã học trong trường, các nơi đào tạo cần có những cuộc phỏng vấn trực tiếp với các em sinh viên xem định hướng, xu hướng nghề nghiệp thế nào, tìm hiểu lòng trắc ẩn, tâm lý sẵn sàng tham gia khóa học, theo đuổi nghề nghiệp chuyên sâu không.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương.

Hai là, chương trình đào tạo cố gắng gọn hơn, không cung cấp lại những kiến thức đại học mà cần có khung lý thuyết gọn, hướng thực hành lâm sàng nhiều hơn nữa, tìm hiểu mô hình bệnh rộng nhất.

Ba là, cần có nghiên cứu và đưa các em thành nhà khoa học trong tương lai. Do đó, các thầy cô cần có những hướng dẫn nội dung luận văn để các bác sĩ nội trú trở thành nhà nghiên cứu về y học trong tương lai.

Bốn là, đào tạo theo địa chỉ, huy động nguồn lực từ y tế công lập, tư nhân. Ngoài đầu tư, phải cam kết sử dụng phù hợp nhân lực sau đào tạo.

“Bác sĩ nội trú nhi khoa đào tạo nhưng lại đưa về một bệnh viện không đúng chuyên khoa, chỉ khám 3-5 bệnh nhân/ngày rất phí. Do đó, trong cam kết đào tạo bác sĩ nội trú nhi khoa phải đúng vị trí việc làm”, ông Điển bày tỏ.

Là đơn vị đi đầu trong triển khai mở rộng đào tạo bác sĩ nội trú, Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Thành Văn, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y Hà Nội cho rằng, cần phải coi bác sĩ nội trú là hình thức đào tạo đặc biệt trong ngành y. Ngoài việc cần phải có hỗ trợ về học bổng, các cơ sở thực hành đào tạo bác sĩ nội trú cần phải được thẩm định chặt chẽ về mặt chất lượng.

Đặc biệt, để tiết kiệm nguồn lực và giải quyết công bằng xã hội với các tỉnh, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, Giáo sư Tạ Thành Văn nhấn mạnh, cần phải tăng cường đào tạo bác sĩ nội trú theo đơn đặt hàng.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/dao-tao-bac-si-noi-tru-nen-chu-trong-thuc-hanh-va-co-chinh-sach-dai-ngo-rieng-post796961.html