Đạo diễn Trịnh Hoàng Xuân Phúc trăn trở sẻ chia văn hóa Việt

Đạo diễn - ThS.Trịnh Hoàng Xuân Phúc từ thời còn du học ở Úc đã luôn có nhiều sáng kiến chia sẻ văn hóa Việt đến cộng đồng du học sinh Việt Nam và các nước thông qua nghệ thuật.

Khi về công tác tại Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương (BETU), đạo diễn - ThS.Trịnh Hoàng Xuân Phúc cùng sinh viên thực hiện nhiều hoạt động giới thiệu văn hóa, hun đúc tình yêu quê hương Bình Dương cho người trẻ. Hiện ngoài công việc đạo diễn là đam mê, anh còn là Giám đốc Trung tâm Truyền thông và tư vấn hướng nghiệp của BETU.

Quê hương ngay trong tim

Khi du học Úc, Phúc cùng các bạn trẻ đồng hương thực hiện nhiều chương trình học thuật, giao lưu văn hóa, gala phục vụ cho cộng đồng sinh viên Việt Nam. “Tôi đã lồng ghép những nội dung như nhắc nhớ cho mỗi người con xa xứ không bao giờ quên nguồn cội của mình, những giai điệu da diết của ngũ cung, những câu ca vọng cổ đã thấm sâu vào tâm khảm của mỗi người”.

Bấy giờ, Phúc đảm nhiệm Trưởng Ban truyền thông sự kiện của Hội Sinh viên Việt Nam tại bang New South Wales (VDS). Hội được thành lập năm 1997, tổ chức và hoạt động dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn của Lãnh sự quán Việt Nam tại Sydney. Một lần, Phúc mời NSƯT Thành Lộc sang biểu diễn - hát bài Dạ cổ hoài lang, các bạn du học sinh rưng rưng khi nghe âm nhạc ngũ cung vang lên trên đất khách.

“Tôi nghẹn ngào khi nghĩ đến niềm thiêng liêng đó, dù ở đâu hay làm gì, quê hương vẫn ở trong giai điệu ngũ cung, vẫn là một Việt Nam rất gần trong đời sống hội nhập”, Phúc chia sẻ.

Đạo diễn - ThS.Trịnh Hoàng Xuân Phúc. Ảnh: NVCC

Trở về Việt Nam, Trịnh Hoàng Xuân Phúc được các đài mời cộng tác sản xuất chương trình phim truyện cải lương. Bằng kiến thức, kinh nghiệm học từ các bậc tiền bối, anh có dịp thổi làn hơi mới vào nền âm nhạc của dân tộc như chính tên của hai chữ cải lương “Cải cách hát ca theo tiến bộ - Lương truyền tuồng tích sánh văn minh”. Trong thời gian này, ThS.Phúc cộng tác với nhiều “cây đa, cây đề” của làng sân khấu cải lương miền Nam như Lệ Thủy, Minh Vương, Thanh Điền, Thanh Kim Huệ, Phượng Loan, Hữu Quốc, Thanh Sang, Tấn Tài, Phương Quang, Thoại Mỹ, Phượng Hằng, Kim Tử Long, Võ Minh Lâm…

Tại BETU, anh đã sáng tác tặng trường một bài hát truyền thống bằng thể loại ca cổ mang tên BETU Sức trẻ hội nhập do NSƯT Võ Minh Lâm và Bích Nguyền trình bày - đây là “đặc sản” chỉ có riêng ở Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương.

Nghệ nhân ưu tú Trương Quan Tịnh - chủ cơ sở sơn mài Định Hòa (phường Tương Bình Hiệp, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương) chia sẻ với ThS.Phúc về nét đẹp văn hóa quê hương. Ảnh: NVCC

ThS. Xuân Phúc cho biết, luôn canh cánh bên mình phải làm điều gì đó để lan tỏa văn hóa, hình ảnh của đất và người Bình Dương. Từ suy nghĩ đó, anh mạnh dạn tham mưu cho lãnh đạo đơn vị thực hiện những chương trình ghi hình thực tế cho sinh viên trải nghiệm tại các làng nghề truyền thống, tìm hiểu những di tích, gặp gỡ các chứng nhân lịch sử… Thông qua những chương trình, sinh viên các tỉnh bạn sẽ hiểu và yêu Bình Dương hơn - mảnh đất mến khách, nghĩa tình.

Theo Xuân Phúc, văn hóa là cơ sở để xác định những đặc tính riêng của mỗi quốc gia, mỗi cộng đồng tộc người và là nền tảng tinh thần của xã hội. “Khi bạn có dịp đi nước ngoài, nếu nhìn thấy những tà áo dài, nghe một câu “Xin chào”, những bản nhạc Việt, phong tục Tết Việt như nấu bánh tét, bánh chưng - tất yếu đó là những điều quan trọng để xác định đặc tính riêng của dân tộc Việt”, ThS.Phúc bày tỏ.

Cùng sinh viên lan tỏa nét đẹp Bình Dương

Trong vài trò Giám đốc Trung tâm Truyền thông và tư vấn hướng nghiệp của BETU, ThS.Phúc đã cùng sinh viên làm nhiều video về văn hóa, con người Bình Dương. Gần đây nhất là seri Trải nghiệm cùng BETU. Anh đưa các bạn đi tham quan các làng nghề truyền thống của Bình Dương như làng truyền thống nghề sơn mài Tương Bình Hiệp, xóm làm heo đất, vườn cây ăn trái Lái Thiêu, tìm hiểu những di tích như cầu gãy Sông Bé, ngôi trường cấp 3 lâu đời nhất Bình Dương…

ThS. Xuân Phúc mong muốn giới thiệu hình ảnh Bình Dương nghĩa tình đến các bạn sinh viên đang học tập tại BETU cũng như những người dân nhập cư chọn nơi này để lập thân, lập nghiệp.

Xuân Phúc và cô Ba – giáo viên về hưu, ngày bán vé số, tối mở lớp học tình thương - Ảnh: NVCC

“Có nhóm bạn ở Mỹ về muốn tôi dẫn đi gặp cô Ba, một giáo viên về hưu đã lâu, ban ngày đi bán vé số, tối xuống cắp giỏ cùng cuốn giáo áo đến lớp học tình thương, gieo những chữ nhân - chữ nghĩa cho những đứa trẻ cơ nhỡ, lang thang… Bình Dương “độc lạ” nhưng đầy nghĩa tình, ý tưởng thực hiện các video về văn hóa, con người Bình Dương chính từ nơi đây”, đạo diễn kể.

“Mỗi người đều có thể trở thành đại sứ mang nét đẹp của quê mình giới thiệu với bạn bè địa phương khác, nước khác. Hãy kể câu chuyện quê mình bằng ngôn ngữ, hình ảnh, video… và truyền tải lên mạng xã hội. Biết đâu đó có người nhìn thấy và tìm thấy một sự đồng cảm, yêu mến và tìm đến. Sử dụng mạng xã hội như thế nào tùy bạn nhưng sẽ có giá trị nhiều hơn nếu bạn dùng đó như kênh lan tỏa nét đẹp quê hương mình! Đạo diễn Trịnh Hoàng Xuân Phúc

Trịnh Hoàng Xuân Phúc trở thành “người truyền lửa” cho học sinh qua các chương trình truyền thông và tư vấn hướng nghiệp. “Thật may mắn khi BETU đã giúp tôi hiện thực hóa những ước mơ, hoài bão - tiếp thêm ngọn lửa nhiệt huyết tuổi trẻ trong trái tim của tôi”, ThS.Phúc nói.

Lưu Đình Long

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/dao-dien-trinh-hoang-xuan-phuc-tran-tro-se-chia-van-hoa-viet-2240539.html