Đạo diễn phim 'Anh hùng' ra tập thơ thứ ba

Song hành cùng sự nghiệp điện ảnh, Lương Đình Dũng còn được biết đến với vai trò là một nhà văn và nhà thơ.

Đạo diễn Lương Đình Dũng (giữa) cùng ê-kíp sản xuất phim 'Anh hùng' tại Liên hoan phim Việt Nam thứ 23.

Là đạo diễn của loạt phim đình đám: Cha cõng con, 578 - phát đạn của kẻ điên, Thành phố ngủ gật, và dự án phim “Anh hùng” về danh nhân Nguyễn Trãi, đạo diễn Lương Đình Dũng vừa xuất bản tập thơ thứ ba có tên “Ngôi nhà gió bấc”.

Rất thật với thơ...

Song hành cùng sự nghiệp điện ảnh, Lương Đình Dũng còn được biết đến với vai trò là một nhà văn và nhà thơ. Anh sáng tác trong âm thầm, xuất bản một cách lặng lẽ, không ra mắt, không PR và cũng chẳng một dòng truyền thông. Văn thơ của anh cứ âm thầm đến với bạn đọc, như dòng sông ngày đêm lặng lẽ chở phù sa.

Lương Đình Dũng không bao giờ nhận mình là nhà thơ, song đạo diễn của loạt phim chiếu rạp đình đám trong suốt thời gian qua lại xem văn chương như một lẽ sống, và có lúc văn thơ cũng là chốn nương tựa tinh thần đúng như cảm nghiệm của thi sĩ Phùng Quán: “Có những phút ngã lòng/ Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy…”.

Sau tiểu thuyết “Những cô gái vô chủ”, tập truyện ngắn “Cha cõng con”, và hai tập thơ “Con hãy đi về phía mặt trời” và “Trăng của tôi cứ vuông” thì “Ngôi nhà gió bấc” - NXB Thanh niên (2024) của Lương Đình Dũng khác hẳn về chiều sâu.

Với 50 bài thơ xoay quanh tình yêu và hoài niệm về ngôi nhà, ký ức chất chứa hàm lượng cảm xúc hình ảnh riêng biệt của một con người đã từng bị bầm dập, trải nghiệm sự đời. Với Lương Đình Dũng, thơ giống như lời tâm sự của chính mình với thế giới và những người mà anh yêu quý. Anh thành thật rằng, cảm xúc khi đã viết về ai đó nó rất trong trẻo chứ không hề có một tí ti giả dối.

Nhà văn Trần Đức Tĩnh nói rằng, hơn 10 năm trước thấy bài thơ “Đêm” của Lương Đình Dũng trên báo Văn nghệ và cứ ngỡ tác giả sẽ theo đuổi sự nghiệp thi ca bởi những câu thơ thật nhẹ và thật tinh.

Hỏi ra mới biết, khoảng năm 1995 đến 1997, khi là công nhân bốc vác tại nhà máy xi măng Tuyên Quang, Lương Đình Dũng đã bắt đầu sáng tác truyện ngắn. Năm 2002, anh cho ra mắt tuyển tập “Con hãy đi về phía mặt trời” gồm 24 truyện ngắn và 58 bài thơ.

Hơn 10 năm bươn chải đủ nghề, từ dạy võ, công nhân đến đào đãi vàng, đá đỏ. Bước ngoặt cuộc đời Lương Đình Dũng là khi mẹ bị bệnh, khiến anh từ bỏ tất cả để trở về.

Anh muốn thực hiện ý nguyện của mẹ với quyết tâm học đại học, cùng với lời thách thức của một người bạn nên đã thi vào khoa Biên kịch (Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội). Khi nổi danh trên lĩnh vực điện ảnh, ít ai để ý trước khi là một đạo diễn, dù muốn hay không thì anh đã là một nhà thơ.

“Lương Đình Dũng mang dáng dấp của một gã đàn ông bản lĩnh nhưng vụng về trong tình cảm nên bên trong ẩn chứa một tâm hồn lãng mạn. Thơ của anh mềm, thậm chí là mỏng tang, không rõ đang bay hay lơ lửng.

Trong thơ anh thường mang nỗi buồn mênh mang với khung cảnh buồn. Những câu thơ chứa chất hình ảnh sinh động, căng phồng dồn nén cảm xúc với sự day dứt không ngớt và tuôn tràn như không thể dừng”, nhà văn Trần Đức Tĩnh nhận xét.

Một nhà làm phim đầy bản lĩnh trên phim trường từ trong nước đến quốc tế, nhưng lại dễ khóc giống một cậu bé lạc mẹ giữa mênh mông ngút ngàn. Chỉ với hình ảnh thế thôi đã khiến người đọc liên tưởng đến những xúc động: Có thể cơn mưa chiều nay vẫn thế/ Có thể con đường, vẫn dài mỏi mắt như xưa/ Chỉ tiếng lòng ta ướt đẫm đứng giữa mưa/ Không một ngày vẫn đợi.../ Một cơn gió mang điều thì thầm gõ cửa/ Mãi mãi là xưa/ Mãi mãi hát bên thềm/ Ta cứ đi về xưa ấy/ Tìm ngôi nhà gió bấc thấy mênh mông…

Yêu điện ảnh và đơn độc trong... thơ!

“Điện ảnh đúng nghĩa nó khắc nghiệt, đôi khi nó tàn khốc đến không tưởng. Điều đó càng kích thích tôi, bản tính đàn ông là vậy. Tôi biết mình muốn gì, khắc nghiệt mấy tôi cũng sẽ tới. Còn với thơ, nó giúp tôi có được những hình ảnh đẹp vô tận, giúp tôi chìm vào trong đó khi tôi cần những khoảng không gian tĩnh lặng...”. Đạo diễn Lương Đình Dũng

Năm 2017, Lương Đình Dũng phát hành bộ phim điện ảnh đầu tay “Cha cõng con”, và tại giải Cánh diều 2016 bộ phim được trao Bằng khen của hạng mục Phim điện ảnh.

Cảm thấy phần thưởng không tương xứng với tác phẩm nên anh lập tức trả lại. Sau đó, bộ phim giành được một số giải thưởng quốc tế cùng giải “Kịch bản xuất sắc” tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 20.

Lương Đình Dũng cũng nhận được giải “Phim châu Á xuất sắc nhất” tại Liên hoan phim quốc tế Iran lần 36 và “Bông sen bạc” tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 20. Sau khi “Cha cõng con” được đề cử tại Liên hoan phim Tallinn Black Nights, đạo diễn được chọn làm người đại diện của điện ảnh Việt Nam hỗ trợ các phim và tác giả Việt tham dự kỳ liên hoan phim tiếp theo.

Năm 2018, anh tiếp tục kế hoạch sản xuất phim điện ảnh chuyển thể từ tiểu thuyết do anh sáng tác năm 2008: Thành phố ngủ gật. Sau bộ phim này, anh tiếp tục với hành động “578” cùng rất nhiều bộ phim đình đám khác, phát hành rộng khắp ở nhiều quốc gia và gặt hái không ít thành công.

Năm 2021, Lương Đình Dũng trở thành đạo diễn Việt Nam đầu tiên là thành viên Ban giám khảo hạng mục phim điện ảnh tại Liên hoan phim quốc tế Pune. Đồng thời trở thành thành viên Ban giám khảo của Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 22.

Giữa năm 2023, đạo diễn Lương Đình Dũng thông báo khởi động phim điện ảnh lịch sử thể loại chính kịch, hành động, chiến tranh “Anh hùng” - bộ phim lịch sử về anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi. Phim điện ảnh “Anh hùng” lấy bối cảnh từ năm 1464, sau 20 năm xảy ra thảm án Lệ Chi Viên, vua Lê Thánh Tông minh oan cho Nguyễn Trãi chỉ trong một đêm, cũng như tái hiện lại trận đánh oai hùng của Lê Lợi...

Trao đổi với Báo GD&TĐ, đạo diễn dự án phim “Anh hùng” cho biết, đoàn phim đã khảo sát và tìm đến thác Ma Hao (Thanh Hóa), nơi ghi dấu lịch sử yểm quân và điểm xuất quân của Lê Lợi trong lịch sử và vài địa điểm nổi tiếng. Về diễn viên nam chính, đạo diễn cũng đã nhắm được gương mặt phù hợp và hai vai thứ đóng Thái hậu Quang Thục và Phạm Thị cũng đã chọn xong.

Yêu điện ảnh, sống chết với các dự án phim nhưng đôi lúc lại bắt gặp ở Lương Đình Dũng hình ảnh một gã đàn ông đắm say với cuộc tình đơn độc, ngồi chờ đợi mối tình đâu đó như hóa đá. Nỗi buồn tha thiết được anh gửi cả trong thơ: Anh cũng không còn nhớ/ Em đã từng đếm nó hay không/ Em lặng im, trong ánh mắt trong veo xưa/ Em nhớ rồi/ Giận hờn nhau, mấy lần ta tìm lại được/ Nếu mai này/ Theo nỗi nhớ sẽ thấy em…

Trần Hòa

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/dao-dien-phim-anh-hung-ra-tap-tho-thu-ba-post677853.html