'Đánh võng luật', Kumho Việt Thanh trốn thuế?

Mặc dù dịch vụ vận chuyển hàng hóa kèm theo trên những chuyến xe khách mang lại tiện lợi nhanh chóng cho người dân, thế nhưng, chính sự "dễ dãi" trong những giao dịch như thế này đang là nguy cơ tiềm ẩn nhiều rủi ro mà khách hàng sẽ là người chịu mất nhiều nhất…

Chuyển hàng dễ dàng.

Theo tìm hiểu của phóng viên, hầu hết những tuyến xe khách đi các tỉnh ngoài việc chở khách đều kiêm thêm một việc chở hàng. Bằng sự tin tưởng của khách hàng với lái xe khách mà chỉ việc giao hàng, xin số điện thoại của tài xế, nhắn cho người nhận đồng thời hẹn giờ để ra lấy hàng và trả tiền.

Trong vai là một khách hàng cần chuyển một món đồ từ Quảng Ninh ra Hà Nội, phóng viên báo PLVN đã vào văn phòng của Công ty TNHH vận tải Việt Thanh (Kumho Việt Thanh) nằm tại Bãi xe Bãi Cháy, Quảng Ninh.

Chỉ đặt vấn đề muốn chuyển hàng, ngay lập tức nhân viên của Kumho Việt Thanh đã chỉ cho khách hàng mang hàng ra xe để ký gửi. Cũng theo lời từ người nhân viên này, không cần biết thùng hàng to hay nhỏ đều có mức phí vận chuyển là 100.000 đồng.

Những kiện hàng lớn, nhỏ đa số được lái xe nhận và đưa card.

Khi hỏi nhân viên của Kumho Việt Thanh về quy trình vận chuyển hàng hóa của hãng xe này, vị nhân viên cho biết, chỉ giao dịch bằng "niềm tin" và thỏa thuận mồm với nhau chứ không hề có bất cứ giấy tờ biên nhận gì cả.

Qua quan sát của phóng viên, việc nhận hàng hóa để chuyển khá dễ dàng. Lái xe chỉ cần biết món hàng chuyển đi đâu sau đó đưa card (có in số điện thoại của lái xe - PV) là chuyển được hàng mà không cần biết bên trong có món đồ gì.

Tiềm ẩn rủi ro.

Thực tế cho thấy, đa số những cuộc giao dịch, chuyển hàng hóa, bưu phẩm bằng xe khách trong thời gian qua phần lớn được tiến hành dưới dạng giao dịch miệng. Do vậy, trong trường hợp hàng hóa bị thất lạc, đổ vỡ, trách nhiệm pháp lý rất khó phân định.

Một số lái xe khách cho biết, hầu hết doanh nghiệp vận tải không khuyến khích lái xe nhận ký gửi, vận chuyển hàng hóa dọc đường nhưng cũng không cấm hoàn toàn nên cánh tài xế, phụ xe vẫn coi đây là khoản thu “ngoài luồng”.

Với thủ tục “nhanh gọn”, thời gian vận chuyển ngắn, nhu cầu của khách hàng cao nên hầu hết các lái, phụ xe không kịp kiểm tra hàng hóa bên trong mà chỉ biết loại vật dụng đóng gói qua lời giới thiệu của người gửi.

Người nhận sẽ thanh toán tiền cho lái xe khi nhận hàng.

Để làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên báo PLVN đã liên hệ với Công ty TNHH Vận tải Việt Thanh. Thế nhưng, sau nhiều ngày hứa hẹn liên hệ lại, đại diện Công ty Kumho Việt Thanh cho biết, bên công ty chỉ kinh doanh vận tải hành khách chứ không hề kinh doanh vận tải hàng hóa.

Liên quan đến sự việc này: "Bên công ty cũng đã quán triệt lái xe, nếu như anh em lái xe làm thì phải tự chịu trách nhiệm. Bên công ty không kinh doanh hàng hóa nên không có phiếu thu".

Ngoài ra, "lãnh đạo Công ty rất bận nên chưa hẹn được ngày cụ thể để làm việc với phóng viên" - Vị đại diện công ty này cho hay.

Có hành vi trốn thuế?

Theo luật sư Nguyễn Đức Long - Trưởng Văn phòng Luật sư Đức Tín thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết, đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa phải đủ các điều kiện được quy định tại Điều 13 Nghị định số 86/2014/NĐ-CP về Điều kiện chung kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Cụ thể, đối với việc kinh doanh vận tại hàng hóa không đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh ngành, nghề kinh doanh vận tải hàng hóa theo quy định trên mà vẫn tham gia hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực này là kinh doanh trái pháp luật.

Cũng theo luật sư Long, kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ôtô mà không ghi chép trong sổ kế toán cũng như không xuất hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ là có hành vi trốn thuế.

Tại Điểm đ và Điểm e khoản 1 Điều 13 Thông tư số 166/2013/TT-BTC ngày 15 tháng 11 năm 2013 của Bộ Tài chính quy định về Xử phạt đối với hành vi trốn thuế có nêu: “Không ghi chép trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp; không kê khai, kê khai sai, không trung thực làm giảm số thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, được miễn, giảm.

Không xuất hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ hoặc ghi giá trị trên hóa đơn bán hàng thấp hơn giá trị thanh toán thực tế của hàng hóa, dịch vụ đã bán và bị phát hiện sau thời hạn nộp hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế”.

“Như vậy, việc nhân viên của Kumho Việt Thanh kinh hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa mà không ghi chép cũng như không xuất hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ là có hành vi trốn thuế”. Luật sư Nguyễn Đức Long khẳng định.

Báo PLVN tiếp tục thông tin sự việc này./.

Mức phạt đối với hành vi trốn thuế, gian lận thuế:

a. Phạt tiền 1,5 lần tính trên số thuế trốn đối với người nộp thuế khi có một trong các hành vi trốn thuế, gian lận thuế quy định tại Khoản 1 Điều này trong các trường hợp: vi phạm lần đầu, có tình tiết tăng nặng hoặc vi phạm lần thứ hai, có một tình tiết giảm nhẹ.

b. Phạt tiền 2 lần tính trên số thuế trốn đối với người nộp thuế khi có một trong các hành vi trốn thuế, gian lận thuế quy định tại Khoản 1 Điều này trong các trường hợp: vi phạm lần thứ hai mà không có tình tiết giảm nhẹ hoặc vi phạm lần thứ ba và có một tình tiết giảm nhẹ.

c. Phạt tiền 2,5 lần tính trên số thuế trốn đối với người nộp thuế khi có một trong các hành vi trốn thuế, gian lận thuế quy định tại Khoản 1 Điều này trong các trường hợp: vi phạm lần thứ hai mà có một tình tiết tăng nặng hoặc vi phạm lần thứ ba mà không có tình tiết giảm nhẹ.

d. Phạt tiền 3 lần tính trên số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế khi có một trong các hành vi trốn thuế, gian lận thuế quy định tại Khoản 1 Điều này trong các trường hợp: vi phạm lần thứ hai mà có từ hai tình tiết tăng nặng trở lên hoặc vi phạm lần thứ ba có tình tiết tăng nặng hoặc vi phạm từ lần thứ tư trở đi.

e. Các hành vi trốn thuế, gian lận thuế bị xử phạt quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 4, 5 Điều này còn bị buộc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là nộp đủ số tiền thuế trốn, gian lận vào ngân sách nhà nước.

Nhóm PV

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/ban-doc/danh-vong-luat-kumho-viet-thanh-tron-thue-300088.html