Đánh thuế vào người có sở hữu căn nhà thứ 2 tích cực hay tiêu cực?

Sắp tới Bộ Tài chính có dự định sẽ đánh Thuế tài sản, đây là thuế mang tính trực thu đánh vào những người có tài sản lớn, sở hữu nhiều. Như vậy những người sở hữu từ căn nhà thứ 2 trở đi sẽ phải nộp thuế. Nhiều chuyên gia cho rằng đó là chuyện đáng lẽ phải làm từ lâu, vì sắc thuế này sẽ giúp bảo đảm công bằng xã hội và quốc gia có nguồn thu ngân sách ổn định để phát triển.

Đánh thuế để điều tiết thị trường BĐS

Trao đổi với Pháp luật Plus về vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM cho biết: “Đây là một biện pháp mà ở các nước đều áp dụng chứ không phải chỉ riêng Việt Nam, nhằm làm giản nguy cơ bong bóng BĐS. Cho nên đứng trên phương diện ở đây là một sắc thuế mới, mục đích của nó theo tôi thấy là được. Nó được công bố công khai là nhằm để chống đầu cơ trên thị trường BĐS, nên mình hoan nghênh mục đích này”. Và theo ông Châu “Đây là một trong những công cụ mà Nhà nước cần có để điều chỉnh thị trường BĐS”.

Hình minh họa (Internet)

Đồng tình với quan điểm trên, TS. Đinh Thế Hiển - Chuyên gia Tài chính & Kinh tế cho rằng: “Cái này đáng nhẽ phải làm lâu rồi. Khi mà chúng ta phát triển kinh tế thị trường, chúng ta công nhận cho người dân có tài sản là BĐS để tích lũy, để khai thác, để cho thuê, để kinh doanh thì chúng ta phải thu thuế. Và cũng như vậy, bất cứ lĩnh vực gì khi anh kinh doanh thì anh phải nộp thuế”.

Phân tích sâu hơn tác động của sắc thuế này đến thị trường BĐS, ông Lê Hoàng Châu cho rằng: “Khi luật này có hiệu lực thì nó tác động đến khối lượng giao dịch trên thị trường BĐS. Tức là nó làm cho các nhà đầu tư lúc này không thể thực hiện các hoạt động như hiện nay một cách dễ dàng như là bao chiếm nhiều BĐS trong một dự án để đầu tư hoặc đầu cơ. Nó giúp cho lành mạnh thị trường BĐS hơn. Và từ đó trên thị trường sẽ hình thành nhiều doanh nghiệp kinh doanh thứ cấp. Giúp cho thị trường cũng minh bạch hơn, và Nhà nước quản lý hoạt động này tốt hơn”.

Ở góc độ một chuyên gia về Tài chính & Đầu tư, TS. Đinh Thế Hiển nêu quan điểm: “Bất cứ lĩnh vực gì khi mà lúc đầu Nhà nước chưa thu thuế, thì khi thu thuế chắc chắn nó phải có suy giảm một phần hoặc có điều chỉnh một chút. Nhưng nếu đó là việc thu thuế hợp lý và lĩnh vực đó là lĩnh vực kinh doanh thực sự tốt thì nó sẽ phát triển thôi. Thì tôi cho rằng lĩnh vực BĐS cũng như vậy. Khi nhìn nhận vấn đề rõ ràng rồi thì sẽ không còn ai thắc mắc. Như tôi nói, khi đã có tài sản tích lũy mà lời thì anh phải nộp thuế”.

Chia cơ hội đồng đều cho người có nhu cầu

Theo Ông Lê Hoàng Châu, khi luật này được ban hành sẽ tác động đến hành vi kinh doanh của nhà đầu tư thứ cấp, còn đối với người tiêu dùng, người mua nhà mục đích để ở thì quá có lợi. “Đó cũng là một cách để tạo cơ hội cho nhiều người có thể mua được nhà, chứ nếu một người ôm thì có lẽ sẽ làm cho mất cơ hội của người khác. Sắc thuế này sẽ tạo lập được cơ hội tạo lập nhà ở ngang bằng nhau, bình đẳng giữa những người có nhu cầu”.

Và đối với các nhà đầu tư thứ cấp, ông Châu cho rằng: “Người ta sẽ cân nhắc là mình sẽ là cá nhân mình mua rồi chịu thuế này rồi đầu tư có hiệu quả không. Hoặc là mình phải chuyển qua thành lập công ty, rồi mình mua để cho thuê hoặc mình mua để bán. Lúc đó là hành vi của nhà đầu tư thứ cấp sẽ cân nhắc chỗ này. Cái thứ 2 nó sẽ tác động đến người có nhiều tiền, lúc đó người ta muốn mua để nhằm mục đích có căn nhà thứ 2 - 3. Ví dụ 1 căn ở Sa Pa, căn ở Đà Lạt hay đâu đó thì nó sẽ tác động đến hành vi này. Tuy nhiên, những người có tiền thì họ không quan ngại. Nên thực ra thuế này là nó có tác động đến những nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp mua nhằm mục đích cho thuê và bán lại”.

“Trước đây 1 người có thể mua 10 căn, 20 căn. Nên điều này sẽ tác động đến chủ đầu tư, buộc chủ đầu tư phải cân đối nhu cầu của thị trường để đưa sản phẩm ra cho phù hợp. Nó sẽ điều chỉnh luôn hành vi của chủ đầu tư. Và như vậy chủ đầu tư buộc phải đầu tư theo nhu cầu thật của thị trường và lúc đó người ta có thể sẽ tái cấu trúc đầu tư”, ông Châu nói thêm.

Theo TS. Đinh Thế Hiển: “Thuế này là thuế đặc biệt quan trọng, và chính nhờ thu thuế này mới khép kín một cái quy trình thuế để bảo đảm công bằng xã hội và quốc gia có nguồn thu ngân sách ổn định để phát triển. Ở các nước phát triển, nguồn thu thuế này rất quan trọng và gần như là nguồn thu chủ lực để họ thực hiện chính sách chi ngân sách cho phát triển xã hội, an sinh xã hội. Bây giờ Bộ Tài chính đặt ra là trễ chứ không phải bất ngờ như nhiều người nhận định”.

Tuy nhận định khi sắc luật được ban hành sẽ tác động tích cực đến thị trường BĐS, nhưng các chuyên gia cũng đưa ra ý kiến về những điểm bất cập cần xem xét lại.

Theo TS. Đinh Thế Hiển: “Ở đây tôi đặt vấn đề, không phải là căn nhà thứ hai. Mà phải đặt vấn đề là số diện tích m 2 được miễn thuế/đầu người và số diện tích này nó phải khác nhau ở từng thành phố. Theo nguyên lý là ở những thành phố lớn thì diện tích m 2 / đầu người nó phải ít hơn ở thị trấn thị xã đó là cái thứ nhất, còn sau đó dư ra thì phải nộp thuế. Điều đó để mọi người hiểu, khi anh ở quá diện tích bình quân của Nhà nước thì anh phải chấp nhận nộp thuế, vì đó là tài sản”.

Ông Lê Hoàng Châu cũng nêu ra những bất cập trong khâu xác định và quản lý quá trình tạo lập nhà của người dân. “Đây là loại thuế trực thu, cho nên thông thường nó có tác động đối với thị trường BĐS và tác động trực tiếp đối với túi tiền của người tiêu dùng. Cho nên, thuế này nên có một cái nghiên cứu về biểu thuế suất để quyết định áp dụng mức thuế suất trong những giai đoạn cụ thể. Bởi nếu cố định thuế suất thì e rằng sẽ khó linh hoạt, còn đánh thấp quá thì lại không có tác dụng để điều chỉnh thị trường. Vì thế mà nên có một khoảng thuế suất (tức là bao nhiêu cái bậc. Thí dụ như 1%, bậc thứ 2 là 2%, bậc thứ 3 là 3%...). Và nên giao cho Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định trong từng giai đoạn của thị trường”.

Hải Yến

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/danh-thue-vao-nguoi-co-so-huu-can-nha-thu-2-tich-cuc-hay-tieu-cuc-d28321.html