Đánh thuế căn nhà thứ 2: Tác động tích cực lên thị trường khi có hệ thống thuế thích hợp

Những thông tin liên quan đến việc Bộ Tài chính đang nghiên cứu phương án đánh thuế bất động sản khi mua ngôi nhà thứ hai đang nhận được sự quan tâm của dư luận. Nhiều ý kiến đồng tình với phương án này.

Việc đánh thuế lên ngôi nhà thứ hai trở đi khá phổ biến ở các nước trên thế giới. Ảnh minh họa

Phổ biến trên thế giới

Chia sẻ hai ví dụ điển hình nhất về đánh thuế BĐS, ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc Công ty JLL Việt Nam, một DN chuyên nghiên cứu, tư vấn BĐS toàn cầu cho biết việc đánh thuế lên ngôi nhà thứ hai trở đi khá phổ biến ở các nước trên thế giới và hiện có rất nhiều trường hợp điển hình trên thế giới về vấn đề đánh thuế lên người mua BĐS thứ hai trở lên.

Theo đó, Singapore là nước có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam. Khi mua bất động sản, người mua sẽ phải trả 3%. Tuy nhiên khi mua từ BĐS thứ hai trở đi, thì có một chút khác biệt là người Singapore sẽ phải trả thuế thêm là 7%. Do đó, người mua có quốc tịch Singapore sẽ phải trả tổng cộng là 10% cho ngôi nhà thứ hai này. Nếu người mua là người nước ngoài thị họ phải trả thêm là 15% cho ngôi nhà thứ hai. Vì vậy, nguồn thu từ thuế sẽ tăng lên đáng kể và phụ thuộc vào từng nhóm người mua.

Một ví dụ khác, tại nước Anh, năm ngoái nước này đã thông qua việc đánh thuế vào người mua BĐS, nếu mua BĐS thứ nhất sẽ phải trả một mức thuế cơ bản và cộng thêm 3%. Mức thuế sẽ dựa trên giá trị của ngôi nhà đó, tuy nhiên việc xác định giá trị nhà khá phức tạp. Mức đánh thuế sẽ khác nhau tùy theo giá trị tài sản.

Trong văn bản gửi Bộ Tài chính và các cơ quan chức năng mới đây, Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) cũng cho biết, Hiệp hội hoan nghênh chủ trương của Bộ Tài chính về việc nghiên cứu lập đề án đánh thuế BĐS, nhất là đối với người có từ nhà thứ 2 trở đi. Nhiều nước trên thế giới đã đánh thuế BĐS (bao gồm cả nhà và đất), là một nguồn thu ngân sách hàng năm ổn định, bền vững của tỉnh, thành phố, tiểu bang, vùng.

Theo Hiệp hội, sắc thuế này sẽ góp phần giúp cho thị trường BĐS phát triển lành mạnh, minh bạch, bền vững, phòng chống đầu cơ, tăng nguồn cung cho thị trường, tạo thêm cơ hội cho người có nhu cầu thật tiếp cận nhà ở, và tăng thêm nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Ngoài ra, sắc thuế này còn hướng các nhà đầu tư thứ cấp đi vào lựa chọn thành lập DN kinh doanh BĐS thay vì kinh doanh cá thể như hiện nay.

Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Đức Diễn, Chủ tịch HĐQT Công ty Maxland cho rằng, việc thực hiện đánh thuế BĐS đối với căn hộ thứ 2 trở lên trong ngắn hạn sẽ có tác động đến việc mua nhà, theo đó có thể làm cho thị trường chậm lại, lý do là lúc này người mua sẽ cần thời gian để nghiên cứu những văn bản quy định, hướng dẫn cụ thể. Tuy nhiên, về lâu dài, quy định này sẽ làm cho thị trường phát triển bền vững hợp lý, sẽ giúp cho thị trường có sự cân đối giữa nhu cầu sử dụng và nhu cầu đầu tư, đồng thời thị trường đầu tư bị ảnh hưởng sẽ tác động lên giá cả giúp cho giá nhà phù hợp hơn, góp phần hạn chế việc thổi giá.

Về tác động của quy định này lên thị trường BĐS, theo đại diện JLL, hiện tại, thị trường BĐS Việt Nam đang trên đà tăng trưởng và đang rất hấp dẫn, có rất nhiều nhà đầu tư mua BĐS thứ hai trở lên. Do đó, kiến nghị này có thể làm giảm mức hấp dẫn của thị trường BĐS thứ hai này, và sẽ ảnh hưởng đến lượng giao dịch BĐS trên thị trường. Tuy nhiên, để có những đánh giá chính xác về tác động này, dưới góc nhìn của một công ty tư vấn BĐS, ông Stephen Wyatt cho rằng cần phải tiến hành các nghiên cứu thị trường chuyên sâu để có thể đánh giá mức độ ảnh hưởng của điều luật này trên thị trường BĐS.

Thiết lập hệ thống thông tin giao dịch BĐS

Theo ông Stephen Wyatt, việc áp dụng luật này tại Việt Nam sẽ khá phức tạp và cần phải xem xét nhiều khía cạnh. Phân tích về điều này, ông Stephen Wyatt cho biết, hiện tại, thách thức lớn nhất đối với chúng ta khi áp dụng luật điều luật này tại Việt Nam là có thể xây dựng một hệ thống để nhận biết và quản lý người mua BĐS. Ở các nước khác, điều luật này đã góp phần đáng kể vào nguồn thu ngân sách của chính phủ, nhưng cũng sẽ tác động đến số lượng giao dịch các BĐS trên thị trường. Nhìn chung, việc đánh thuế vào người mua BĐS ở các nước trên thế giới và cả Việt Nam sẽ có tác động tích cực lên thị trường khi có một hệ thống thuế thích hợp được áp dụng. Khẳng định kiến nghị ban đầu về việc đánh thuế BĐS này khá ổn, ông Stephen Wyatt lưu ý để hiện thực hóa điều này sẽ còn cần nhiều bước.

Hiện tại các thủ tục mua bán BĐS vẫn phải thực hiện trên hệ thống văn bản, giấy tờ, việc áp dụng công nghệ thông tin vẫn còn rất hạn chế. Do đó, việc làm thế nào để chính quyền biết ai đó đã sở hữu một BĐS sẽ rất khó khăn và mất thời gian nếu như không có sự trợ giúp của hệ thống công nghệ thông tin.

“Tôi cho rằng để thực hiện việc này hiệu quả trong toàn bộ hệ thống, chúng ta cần phải thiết lập một hệ thống thông tin để lưu trữ tất cả các hồ sơ về các giao dịch BĐS, các chủ sỡ hữu BĐS. Tuy nhiên, sẽ vẫn còn thách thức khi các thành viên trong gia đình có thể thay phiên sở hữu BĐS nhằm tránh thuế”, ông Stephen Wyatt lưu ý.

Đây cũng là biện pháp được HoREA đề cập đến trong văn bản gửi các bộ, cơ quan chức năng. Theo HoREA, cần xây dựng, hoàn thiện hệ thống thông tin dữ liệu quốc gia, trong đó có cơ sở dữ liệu nhà ở quốc gia, liên thông các ngành, các tỉnh và được cập nhật theo thời gian thực, nhất là phải hoàn thành cấp thẻ căn cước công dân, xác định mã số định danh cá nhân, để biết rõ người đang sở hữu nhà ở.

Ngoài ra, trong văn bản của mình, HoREA cũng kiến nghị không thu thuế này đối với nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư, nhà ở thương mại có giá trị dưới 1 tỷ đồng, nhà cấp 4 trở xuống, không thu thuế này đối với các hộ gia đình dù đã có một căn nhà nhưng đang ở chật, nay mua thêm nhà thứ 2, thứ 3... nhưng tổng diện tích các căn hộ nhỏ này cũng chỉ dưới 200m2.

Bên cạnh đó, trong giai đoạn đầu, HoREA cho rằng nên áp dụng mức thuế suất vừa phải, phù hợp với sức dân. Đối với người có từ căn nhà thứ 2 trở đi thì áp dụng thuế suất tài sản phụ trội tùy theo số lượng và giá trị tài sản, đồng thời cần hoàn thành nhanh việc cấp "sổ đỏ" cho các BĐS nhà ở.

H. Anh

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/danh-thue-can-nha-thu-2-tac-dong-tich-cuc-len-thi-truong-khi-co-he-thong-thue-thich-hop.aspx