Đánh thức xóm 'nhiều không'

Cách trung tâm huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) không xa trước đây Đèo Trám, xã Tiến Bộ vốn được mệnh danh là thôn “nhiều không”. Không đường, không trường, không trạm, không chợ, không lớp học… Nhưng nay Đèo Trám đã khác.

Khi rừng và ruộng được phát huy thế mạnh đã góp phần giúp dân Đèo Trám xóa nghèo nhanh chóng.

Theo lời kể của già làng Hoàng Văn Sán, thôn Đèo Trám này bắt đầu được “khai sinh” từ năm 1982, do 13 gia đình đầu tiên ở vùng Kim Quan chuyển về. Ngày ấy, người Nùng về đây phát cây lập thôn, cơ sở vật chất chẳng có gì. Họ cứ tự mò mẫm, dựng nhà rồi tiện đâu thì san ruộng và kiếm đất làm nương.

Ruộng nương manh nước, cấy trồng tự phát. Cùng với đói nghèo, những cái căn bản cần có cho người dân như đường, trường, trạm và cái tối thiểu nhất là chợ để cho dân trao đổi hàng hóa cũng không có được.

Đói nghèo và tình trạng “nhiều không” đã trở thành điều trăn trở cho xã, cho huyện trong mỗi lần tổng kết. Để xóa nghèo, Đèo Trám đã được huyện, xã đưa vào danh sách xóa nghèo. Cán bộ chủ chốt của thôn được gọi lên, cùng cán bộ xã, cán bộ huyện để tìm hướng thoát nghèo cho Đèo Trám.

Phương án “lấy gần, vươn xa” đã được triển khai. “Lấy gần, vươn xa” ở đây nghĩa là trước mắt, cần tập trung vào những cây con truyền thống của dân để phát triển kinh tế.

Ruộng được dẫn nước, phân bón và các tiến bộ khoa học được triển khai, lúa giống mới được đưa vào đã nâng năng suất lên đến 2,5tạ/ha.

Với nơi khác, năng suất này chưa là cái để người ta chú ý, nhưng với người Nùng ở Đèo Trám thì năng suất này đã là cả những kết quả mà người dân cảm thấy hết sức mãn nguyện. Vì bao đời nay, với việc cấy hái quảng canh, được mùa, người dân Đèo Trám chỉ thu được khoảng 1,2tạ đến 1,5 tạ/sào mà thôi.

Ruộng tăng năng suất, thu hoạch đều đặn trong mỗi năm đã tạo ra những tích lũy về lương thực, làm người Đèo Trám hết đói. Năng suất lúa và cây trồng tăng, kế hoạch chăn nuôi gia súc, gia cầm được đưa tiếp vào.

Ngoài 10 máy cầy bừa được dân đầu tư để giải phóng sức lao động thì 50 trâu bò cũng được chăn thả. Trung bình mỗi nhà trong thôn đã nuôi 2-4 con lợn.

Từ 100% các hộ gia đình nghèo khó và thiếu đói, chỉ trong 5 năm định hướng phát triển, khích lệ dân làm kinh tế mà số hộ nghèo ở Đèo Trám giảm xuống chỉ còn 2 hộ.

Hiện tại, từ một thôn “nổi tiếng” về đói nghèo, đã không ít các hộ dân có tư tưởng bỏ đất mà đi, thì nay, với sự vươn nên của mình, Đèo Trám đang là nơi quần tụ của không ít các gia đình.

Ngoài đường, trạm thì bằng các khoản đầu tư nên trường học cũng đã vào với Đèo Trám. Hiện tại Đèo Trám đã có một phân hiệu trường, đảm bảo cho các cháu theo học đến lớp 5.

Hiện các trẻ trong độ tuổi đều được cha mẹ cho đến trường. Ý thức được tầm quan trọng của con chữ nên cha mẹ các em ở đây cũng quý cô giáo lắm. Ngoài việc bắc máng dẫn nước về cho cô giáo thì cha mẹ các em còn góp củi, góp rau để giúp các cô yên tâm đến trường.

Hiện ngoài ruộng, chăn nuôi thì Đèo Trám đang triển khai một hướng phát triển kinh tế rất mới, lợi nhuận cao đó là trồng rừng. Phong trào này được nhân rộng, nhiều hộ gia đình tích cực tham gia và đã đưa diện tích rừng trồng toàn thôn lên 200ha. Ruộng, rừng và chăn nuôi đang trở thành động lực cho Đèo Trám có thêm những hộ khá và giầu trong thời gian tới.

Phương Nguyên

Từ khóa

làm kinh tế Bản nhiều không đèo trám

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/cong-tac-mat-tran/danh-thuc-xom-nhieu-khong/134518