Đánh thức vùng đất 'ngủ quên'

Xuất ngũ trở về địa phương với cuộc sống muôn vàn khó khăn, cựu chiến binh (CCB) Lê Như Tự đã mạnh dạn rời xa quê hương đến vùng đất miền núi xa xôi thuộc xã Nhâm, huyện biên giới A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế để lập nghiệp. Sau 16 năm nỗ lực khắc phục khó khăn, gia đình ông đã vươn lên phát triển kinh tế, trở thành tấm gương sáng trong phong trào 'CCB làm kinh tế giỏi'.

Mô hình trồng chuối xen kẽ cà phê đạt hiệu quả cao của gia đình CCB Lê Như Tự. Ảnh: Võ Tiến

Mô hình trồng chuối xen kẽ cà phê đạt hiệu quả cao của gia đình CCB Lê Như Tự. Ảnh: Võ Tiến

Đến thăm gia đình CCB Lê Như Tự tại xã Nhâm, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên bởi cơ ngơi của gia đình ông khang trang, nổi bật giữa núi rừng trùng điệp. Ông gây ấn tượng với người đối diện bởi nụ cười hiền lành, dáng người tuy nhỏ bé nhưng tác phong nhanh nhẹn, đúng chất của một người lính Cụ Hồ.

Nhấp ngụm nước trà đang bốc khói nghi ngút, ông Tự chia sẻ: “Tôi xuất thân từ gia đình nông dân nghèo tại xã Thọ Nguyên, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Năm 1986, tôi nhập ngũ, đến năm 1988, tôi xuất ngũ trở về quê hương tham gia các hoạt động tại địa phương. Vì cuộc sống khi đó muôn vàn khó khăn nên năm 2003, tôi quyết định đưa gia đình lên xã Nhâm lập nghiệp”.

Dẫn chúng tôi đi thăm vườn cà phê gần 4ha đang đến mùa thu hoạch, đưa tay ngắt một chùm cà phê, ông Tự xúc động nhớ lại: “Cây cà phê giờ là cây chủ lực trong phát triển kinh tế của gia đình, nhưng cũng chính vì nó mà khiến tôi suy sụp một thời gian dài, có lúc đã định phá bỏ tất cả. Năm 2004, cuộc sống gia đình tôi muôn vàn khó khăn, cái đói, cái nghèo cứ đeo bám. Loay hoay để tìm hướng đi lập nghiệp, gia đình tôi đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng để đầu tư trồng cây cà phê trên mảnh đất hoang sơ này. Chỉ sau 2 năm, do hợp với khí hậu và thổ nhưỡng, cây cà phê đã phát triển mạnh mẽ và cho thu hoạch. Tuy nhiên, khi đó giao thông đi lại khó khăn, cà phê A Lưới chưa có thương hiệu nên bị thương lái ép giá. Mỗi kg cà phê chỉ bán được 2 đến 3 ngàn đồng, không đủ để trả tiền lãi và thuê người hái. Tôi phải bỏ công đi xuống thành phố, đến các cửa hàng cung cấp và bán cà phê để giới thiệu sản phẩm. Trời không phụ lòng người, cuối cùng, tôi cũng tìm được cửa hàng nhận mua. Họ tới khảo sát và mua với giá 9 ngàn đồng/kg nhưng với yêu cầu khá cao từ chất lượng trồng cho đến thu hoạch. Cà phê khi hái phải chín từ 98% trở lên, phơi tự nhiên và không có chất bảo quản. Với năng suất trung bình 20 tấn, mỗi năm, gia đình tôi thu về gần 200 triệu đồng”.

Không chỉ dừng lại ở cây cà phê, với bản chất cần cù, chịu khó, không cam chịu đói nghèo, CCB Lê Như Tự đã tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm sản xuất ở nhiều địa phương trong huyện, trong tỉnh và bắt tay đưa giống cây chuối Ba Lùn vào trồng xen kẽ với cà phê để phát triển kinh tế. Nâng niu buồng chuối với những quả đầy đặn, căng mọng, bà Lê Thị Phương (vợ CCB Lê Như Tự) chia sẻ: “Giống chuối này rất dễ trồng, sớm cho thu hoạch và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Chuối trồng 1 năm đã ra quả, gia đình nhập cho siêu thị và các thương lái với giá dao động từ 7 đến 8 ngàn đồng/kg, trung bình mỗi năm vườn chuối nhà tôi cho thu hoạch khoảng 6 tấn”.

Bên cạnh chuối và cà phê là hai cây chủ lực, gia đình ông Tự còn mở rộng đầu tư chuồng trại, tạo thành mô hình chuỗi liên kết mang lại hiệu quả kinh tế, vươn lên trở thành hộ sản xuất kinh doanh giỏi, đồng thời, chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ hội viên CCB trong xã. Ngoài ra, vào mùa thu hoạch cà phê, gia đình ông đã tạo công ăn việc làm cho gần 10 người dân địa phương, góp phần tích cực vào xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bà Hồ Thị Toan, nhân công được gia đình ông Tự thuê thu hoạch cà phê chia sẻ: “Mùa thu hoạch cà phê kéo dài hơn 2 tháng, đúng vào dịp thu hoạch nương rẫy đã xong, tôi và một số người dân địa phương được ông Tự thuê thu hoạch cà phê với giá 3 ngàn đồng/kg. Có ngày thuận lợi, một người có thể hái được 70kg. Tính ra trung bình mỗi ngày hái cà phê cũng được gần 200 ngàn đồng”.

Ông Hồ Văn Hợi, Chủ tịch Hội CCB xã Nhâm, huyện A Lưới cho biết: “Thời gian qua, CCB Lê Như Tự ngoài tinh thần vươn lên trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, còn tích cực tham gia hoạt động hội và các phong trào của địa phương, có nhiều đóng góp cho công tác an sinh xã hội, đồng thời, làm ăn có hiệu quả, xứng đáng là tấm gương điển hình để các hội viên khác, đặc biệt là thế hệ trẻ học tập và noi theo”.

Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, CCB Lê Như Tự còn là một đảng viên, một cựu chiến binh năng nổ, nhiệt tình trong công tác hội, tấm gương sáng trong thực hiện phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Giữ vững phẩm chất cao đẹp của anh “Bộ đội Cụ Hồ” với tinh thần chịu thương, chịu khó, lao động cần cù, sáng tạo, gia đình CCB Lê Như Tự đã vươn lên, từ một gia đình nghèo trở thành điển hình trong lao động, sản xuất giỏi. Với những nỗ lực, quyết tâm đó, ông nhiều lần được các cấp biểu dương, khen thưởng về phát triển kinh tế giỏi; năm 2019, ông được Hội CCB tỉnh Thừa Thiên Huế trao chứng nhận “CCB làm kinh tế giỏi”.

Võ Tiến

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/danh-thuc-vung-dat-ngu-quen/