Đánh thức tiềm năng du lịch Ba Vì – Hà Nội

Ba Vì là vùng đất cổ, cảnh quan độc đáo, nơi gắn với những truyền thuyết từ thuở dựng nước, truyền thống văn hóa lâu đời và đặc sắc của ba dân tộc Kinh - Mường - Dao. Theo quy hoạch, Ba Vì là một trong sáu không gian trọng tâm phát triển du lịch của Thủ đô Hà Nội.

Ba Vì là vùng đất cổ, cảnh quan độc đáo, nơi gắn với những truyền thuyết từ thuở dựng nước, truyền thống văn hóa lâu đời và đặc sắc của ba dân tộc Kinh - Mường - Dao. Theo quy hoạch, Ba Vì là một trong sáu không gian trọng tâm phát triển du lịch của Thủ đô Hà Nội.

Nhiều không gian trải nghiệm

Là một trong những huyện ngoại thành của Hà Nội, Ba Vì nổi tiếng với không gian xanh, sạch, nơi chứa đựng nét đẹp hoang sơ lý tưởng và đầy thú vị của núi non, sông hồ, làng quê truyền thống. Tới nơi đây, du khách được trở về với thiên nhiên trong lành, yên tĩnh, tìm hiểu cảnh quan, làng nghề, lễ hội đặc sắc của xứ Đoài.

Với những lợi thế hiện có, Ba Vì đã phát triển nhiều loại hình du lịch như du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa - tâm linh, du lịch hội thảo, du lịch cộng đồng. Một trong những điểm đến bốn mùa đều thu hút du khách là Vườn Quốc gia Ba Vì. Địa hình núi cao, xung quanh là rừng cây nên vào mùa hè, đây là nơi chốn nóng lý tưởng nhất. Mùa thu, những chiếc lá ngả màu tạo ra một khung cảnh lãng mạn. Tới mùa đông, những đỉnh núi cao được mây mù bao phủ giống như lạc vào chốn tiên cảnh. Trên những đỉnh cao nhất của Vườn quốc gia Ba Vì, nhân dân lập đền Thượng thờ Đức Thánh Tản - Sơn Tinh và đền thờ Bác Hồ, đây là nơi linh thiêng, điểm du lịch tâm linh nổi tiếng trong vùng.

Du lịch sinh thái và du lịch nghỉ dưỡng là các loại hình du lịch hoạt động có hiệu quả nhất ở Ba Vì. Rất nhiều resort đã được xây dựng tại Ba Vì để phục vụ du khách tại đô thị lớn, đặc biệt là từ trung tâm Hà Nội về nghỉ ngơi ngắn ngày. Lợi thế là một vùng dược liệu, với phương thuốc trị liệu dân gian độc đáo còn được lưu truyền, người dân Ba Vì cũng đã đưa nhiều liệu pháp chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp từ thảo dược, sữa tươi, suối khoáng nóng, kết hợp cùng tắm suối khoáng nóng, tắm nước lá của đồng bào Dao vào phục vụ du khách, mang lại những phút giây thư giãn thực sự cho mọi người.

Nếu như những tour du lịch Ao Vua, Khoang Xanh - Suối Tiên, hồ Tiên Sa, Thiên Sơn - Suối Ngà thường được tổ chức như một phần thưởng mùa hè cho học sinh thì hiện nay, nhiều trường học và gia đình cũng tổ chức cho con em mình tới những trang trại đồng quê theo dạng một chương trình ngoại khóa hay dã ngoại cuối tuần để trải nghiệm về các hoạt động sản xuất nông nghiệp và khám phá thiên nhiên.

Tăng cường xúc tiến đầu tư

Theo thống kê từ Sở Du lịch Hà Nội, lượng khách tới Ba Vì trong những năm trở lại đây đều có sự tăng trưởng đáng kể. Tính riêng năm 2015, tổng lượt khách đến thăm quan Ba Vì ước đạt 2,5 triệu lượt. Trong mục tiêu phấn đấu từ năm 2016 - 2020, Ba Vì đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 10,5 - 11%, trong đó các ngành dịch vụ - du lịch chiếm 55% tỷ trọng, sau đó đến nông, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp, xây dựng…

Thực tế, lượng khách đến Ba Vì phân bố không đều giữa các khu vực trong vùng, bỏ phí nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Các điểm du lịch thu hút du khách chủ yếu tập trung ở khu vực sườn Đông núi Ba Vì, đó là các điểm du lịch Ao Vua, Khoang Xanh - Suối Tiên, Thiên Sơn - Suối Ngà, Hồ Tiên Sa. Trong khi đó, những khu vực khác như ở khu vực sườn Tây núi Ba Vì, hồ Suối Hai, khu nước khoáng nóng Thuần Mỹ vẫn chưa thu hút khách. Ngay như suối khoáng nóng Thuần Mỹ, huyện Ba Vì được phát hiện từ năm 1999 nhưng tới nay vẫn chưa có những sản phẩm đạt chất lượng tốt, dịch vụ chuyên nghiệp để phục vụ khách.

Tháng 6/2016 vừa qua, chính quyền thành phố Hà Nội đã đưa ra thảo luận về dự thảo Nghị quyết “Phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo”. Cùng với việc quyết tâm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố, rất nhiều giải pháp phát triển du lịch đã được đưa ra, trong đó có việc hoàn thiện và thực hiện Quy hoạch phát triển du lịch đến năm 2020, định hướng đến 2030. Theo đó, Ba Vì - Sơn Tây sẽ là một trong sáu cụm du lịch trọng tâm của thủ đô, cùng với các cụm Trung tâm Hà Nội; Hương Sơn - Quan Sơn; núi Sóc - hồ Đồng Quan; Vân Trì - Cổ Loa; Hà Đông và các vùng phụ cận. Khi đó, các sản phẩm du lịch được xây dựng sẽ dựa theo cách trục trọng tâm, với khu vực Ba Vì và vùng phụ cận sẽ liên kết với làng cổ Đường Lâm, làng nghề Vạn Phúc, làng nghề Thường Tín, làng nghề Bát Tràng để tạo thành các sản phẩm trải nghiệm độc đáo, chuyên nghiệp, có tính cạnh tranh, thu hút du khách.

Theo các chuyên gia du lịch, để có thể đạt được mục tiêu trên, các sản phẩm du lịch, những điểm du lịch hiện cần tiếp tục đầu tư nâng cấp qua việc kêu gọi đầu tư phát triển các dự án lớn, hình thành hệ thống khách sạn, khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi, giải trí, tạo sự liên kết chặt chẽ giữa các địa phương, các khu du lịch nhằm xây dựng tuyến du lịch phong phú, đa dạng. Khi đó, các sản phẩm du lịch của Ba Vì sẽ hạn chế được tính mùa vụ, bớt đơn điệu, đảm bảo chất lượng dịch vụ để tạo được sự bứt phá, mang lại nguồn thu lớn và đủ hấp dẫn để du khách quay lại nhiều lần./.

Nguồn TTDL: http://www.dulichvn.org.vn/index.php?category=1005&itemid=33605