Đánh thức di sản tư liệu và ký ức cộng đồng

Một phần khối di sản tư liệu, tài liệu lưu trữ đang được các cơ quan chuyên môn bảo lưu, phần nhiều do cộng đồng nắm giữ. Chính vì vậy, đánh thức giá trị di sản, vận động cộng đồng chia sẻ là vô cùng quan trọng, từ đó góp thêm ký ức của các cá nhân để bổ sung tư liệu, phác họa toàn diện hơn về lịch sử, văn hóa đất nước.

Lưu giữ ký ức

Có tình yêu đặc biệt và nhiều cơ duyên với những tấm bản đồ, anh Lại Quý Dương giáo viên dạy Địa lý tại một trường THPT của tỉnh Thái Bình đã dành nhiều năm sưu tầm bản đồ về quê hương mình. Đến nay, bộ sưu tập của anh có gần 900 tấm bản đồ, trong đó gần 400 tấm là bản đồ ruộng đất thời kỳ Pháp thuộc. Đây là kho tàng giá trị liên quan đến lịch sử, văn hóa, qua đó các nhà nghiên cứu có thể thấy được không gian làng xã xưa của tỉnh… Sau một thời gian lưu giữ những tấm bản đồ như báu vật, anh Dương đã hiến tặng bộ sưu tập bản đồ cho Trung tâm Lưu trữ quốc gia I với mong muốn những tài liệu này sẽ được bảo quản tốt và phát huy giá trị cho xã hội.

Trong khi đó, đam mê sưu tầm báo chí xưa, nhà sưu tầm Nguyễn Phi Dũng (Nam Định) sở hữu bộ sưu tập khoảng hơn 20 tấn, tương đương 400.000 tờ báo, gồm những tờ báo đầu tiên của nền báo chí Việt Nam như Gia Định Báo, Cờ giải phóng, Cứu quốc... Ông lưu giữ cẩn thận các tờ báo này với mong muốn thành lập bảo tàng báo chí trước năm 2025, nhân kỷ niệm 100 năm báo chí cách mạng Việt Nam. Ông Dũng cho biết sẵn sàng chia sẻ tư liệu gốc về báo chí cho các tổ chức, cá nhân, và mong muốn các cơ quan chuyên môn hỗ trợ công tác bảo quản tư liệu, số hóa cũng như dịch văn bản với một số bản tiếng Pháp, Hán Nôm...

Có thể thấy, bên cạnh khối tài liệu được bảo quản tại các cơ quan lưu trữ, đã có nhiều nhà sưu tầm quan tâm đến các di sản này. Bên cạnh đó, còn khối lượng di sản tư liệu quý giá nằm rải rác trong nhiều gia đình, cũng như trong câu chuyện kể của các nhân chứng lịch sử. Những tài liệu, tư liệu này có mối quan hệ chặt chẽ và bổ sung cho nhau, giúp phác họa bức tranh về lịch sử đời sống xã hội một cách toàn diện nhất.

“Thực tế di sản tư liệu được sưu tầm tuy rất quý giá nhưng chưa nguy cấp khi được gìn giữ cẩn thận; trong khi di sản nằm trong các gia đình lại có nguy cơ mai một. Trong quá trình sưu tầm bản đồ, tôi gặp trường hợp có cụ từng làm địa chính xã lưu giữ được nhiều tư liệu địa chính, bản đồ xưa, nhưng khi cụ mất, gia đình đã đốt những tư liệu này” - anh Lại Quý Dương chia sẻ.

Kinh nghiệm khi làm Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên và Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, PGS.TS. Nguyễn Văn Huy thấy nhiều khi cộng đồng không nhận thức được giá trị tư liệu, ký ức mà họ đang nắm giữ, nên sẵn sàng vứt bỏ, đốt đi những bức thư, tấm ảnh, trang bản thảo… “Ngay ở làng tôi, Lai Xá - quê hương của nhiếp ảnh, khi tổ chức triển lãm về liệt sĩ làng Lai Xá, chúng tôi đến từng gia đình, hỏi bức ảnh của các liệt sĩ, nhiều gia đình nói đã bỏ ảnh rồi, và chúng ta mất đi di sản, mất đi ký ức”.

Góc trưng bày "Ký ức của bạn" trong triển lãm “Máu và hoa - Hà Nội 12 ngày đêm” tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Ảnh: Th. Nguyên

Phát huy di sản tư liệu thành tài sản chung

Ký ức của mỗi người là một phần ký ức chung của xã hội. Và chia sẻ ký ức là cách thức tốt nhất phát huy di sản chung ấy. Nhận định như vậy, Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam Dương Trung Quốc kể: “Kỷ niệm 60 năm tiếp quản Thủ đô, một người ở Huế từng là sinh viên tại Hà Nội năm 1954 đã gặp chúng tôi và nói có 2 cuộn phim mà 50 năm nay không biết làm gì. Sau đó chúng tôi rửa phim ra được 40 bức ảnh về Thủ đô. Khi trưng bày các ảnh này, rất đông người tới tham quan, và mang theo cả các bức ảnh của mình, có những bức ảnh quý hiếm, họ cũng kể những câu chuyện cảm động về thời kỳ ấy… Do đó, bên cạnh lưu trữ nhà nước, chúng ta cần đánh thức, khích lệ mọi người chia sẻ tư liệu, phát huy di sản thành tài sản của cộng đồng”.

Đầu những năm 2000, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã tổ chức thành công các cuộc trưng bày về gia phả trong đời sống đương đại, 100 năm đám cưới Việt Nam, cuộc sống Hà Nội thời bao cấp... PGS.TS. Nguyễn Văn Huy cho biết,những trưng bày đó phần lớn ý tưởng và phương thức là sự chia sẻ. Trong 15 năm vừa qua, Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam được thành lập, bắt đầu từ số 0, đến nay có tới 1 triệu tư liệu, hiện vật, với gần 4.000 nhà khoa học Việt Nam tham gia… Hay gần đây, Trung tâm Lưu trữ quốc gia Itổ chức triển lãm Cầu Long Biên - Chứng nhân lịch sử, lần đầu tiên kêu gọi đóng góp tư liệu từ cộng đồng, để kể câu chuyện chung về cầu Long Biên từ khi xây dựng tới hôm nay. Đó là một phần làm nên thành công triển lãm...

Bên cạnh nỗ lực của các bảo tàng, trung tâm lưu trữ, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Phạm Định Phong cho biết, năm 2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hoàn thành xây dựng hồ sơ trình Chính phủ sửa đổi Luật Di sản văn hóa, điểm nhấn là sẽ đưa di sản tư liệu vào Luật, để từ đó có công cụ pháp lý cao nhất bảo vệ di sản tư liệu nói chung và tài liệu lưu trữ nói riêng.

Cũng theo ông Phạm Định Phong, trước khi Luật được xây dựng, ban hành, Cục Di sản văn hóa và Cục Văn thư lưu trữ Nhà nước với vai trò là 2 cơ quan quản lý liên quan đến tài liệu lưu trữ, di sản tư liệu, sẽ định hướng, chỉ đạo cơ quan ngành dọc trên cả nước phối hợp để khai thác, sử dụng hiệu quả nhất khối di sản tư liệu, tài liệu lưu trữ trong bảo tàng, cơ quan lưu trữ. Đồng thời, để phát huy khối tài liệu trong cộng đồng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ chỉ đạo các bảo tàng công lập nghiên cứu phối hợp với các tổ chức, cá nhân đang lưu giữ tài liệu để tổ chức trưng bày chuyên đề. Bên cạnh đó, khuyến khích xã hội hóa bảo vệ di sản văn hóa, phát triển bảo tàng ngoài công lập liên quan đến các danh nhân, sự kiện lịch sử như Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên, Bảo tàng Nguyễn Chí Thanh... Qua đó, sẽ có nhiều tư liệu, tài liệu liên quan đến lịch sử dân tộc, sự phát triển của các lĩnh vực được đưa đến công chúng.

Thảo Nguyên

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa/danh-thuc-di-san-tu-lieu-va-ky-uc-cong-dong-i318120/