Danh nhân Phùng Tá Chu trong buổi đầu khởi dựng vương triều Trần: Mát xanh thời đại

Thái phó Phùng Tá Chu là một trong những trọng thần không khỏi suy nghĩ lâu dài cho đất nước. Là người thông minh, ông thừa hưởng tư chất thông tuệ của người cha là Phùng Tá Thang. Thuở nhỏ, Phùng Tá Chu học giỏi, được sự dạy dỗ của người cha, lớn lên ông là người có tài năng, văn võ kiêm toàn, ngay từ buổi đầu, họ Trần đã dùng ông dạy võ cho lực lượng chiến binh của dòng họ. Ông được tiến vào cung nhà Lý giúp đỡ Thái tử Sảm.

Vương triều Lý thay thế nhà Tiền Lê năm 1010, Lý Công Uẩn vị vua đầu tiên của nhà Lý, với công lao to lớn dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long, tiếp đến Thái Tông (Lý Phật Mã), Thánh Tông (Lý Nhật Tôn), Nhân Tông (Lý Càn Đức) đều là các vị vua hiền, thông tuệ. Lý Thần Tông (Lý Dương Hoán) lên ngôi năm 1128 là vị vua biết dùng người hiền tài, thủy chung nhất nhất, Vua Anh Tông (Lý Thiên Tộ) biết trọng người hiền tài, nhưng lại để gian thần thao túng, khiến giặc cướp nổi lên khắp các vùng miền của đất nước. Đến đời vua Lý Cao Tông (Lý Long Trát) 1176 - 1210, ham chơi vô độ, hình chính không rõ ràng, triều đình thiếu kỷ cương, phép nước buông lỏng, giặc cướp nổi lên như ong khắp nơi, loạn lạc, mất mùa liên miên, vua Cao Tông thích xây dựng cung điện, thích nghe nhạc Chiêm Thành, ưa nghe xiểm nịnh, ham thích của lạ, không phân biệt được người tốt kẻ xấu, ham của cải, lợi lộc, lấy việc bán quan mua ngục làm chính sự, đời sống dân tình đói khát, cơ cực… Đất nước lúc này người hiền tài quí hiếm rất ít, quan lại xung quanh vua chỉ chăm lo thu vén làm giàu, bòn rút của cải dân lành, ít người quan tâm đến chính sự. Bên trong triều chính đại loạn, quyền thần xưng hùng xưng bá, chém giết lẫn nhau, gây bè kéo cánh làm phản. Phạm Du làm phản ở châu Nghệ An, Đoàn Thượng cát cứ ở Hồng Châu (Hải Dương), Nguyễn Nộn xưng hùng ở Bắc Ninh, ở đời vua Lý Cao Tông đã để xảy ra nhiều năm mất mùa đói kém, điển hình, năm 1208 đói lớn, người chết đói nằm chồng chất lên nhau khắp các vùng.

Đến đời Lý Huệ Tông húy là Lý Hạo Sảm, ông là con thứ ba của Lý Cao Tông, ông lên ngôi ở trước linh cữu cha, quần thần dâng tôn hiệu là: Tư thiên, Thống ngự, Khâm nhân, hoành hiếu hoàng đế. Vua lên ngôi trong hoàn cảnh các phe phái trong nước nổi loạn tứ tung, nhiều thế lực không thần phục nhà vua, triều thần kém năng lực, việc chăm dân trị quốc, cũng như các việc nước quan trọng của triều chính đều giao cho kẻ bất tài khiến tình hình đất nước đã rối như canh hẹ.

Thời điểm đó, Thái phó Phùng Tá Chu là một trong những trọng thần không khỏi suy nghĩ lâu dài cho đất nước. Là người thông minh, ông thừa hưởng tư chất thông tuệ của người cha là Phùng Tá Thang. Thuở nhỏ, Phùng Tá Chu học giỏi, được sự dạy dỗ của người cha, lớn lên ông là người có tài năng, văn võ kiêm toàn, ngay từ buổi đầu, họ Trần đã dùng ông dạy võ cho lực lượng chiến binh của dòng họ. Ông được tiến vào cung nhà Lý giúp đỡ Thái tử Sảm. Thủa hàn vi, Tá Chu đã có liên hệ chặt chẽ với họ Trần. Ông kết nghĩa anh em với Trần Tự Khánh, giúp đỡ họ Trần lập nghiệp.

Làm quan thời Lý, ăn cơm nhà Lý, khi chế độ nhà Lý suy đồi ông đã nhận thức đầy đủ trách nhiệm là bầy tôi đối với vương triều mà ông đang phò tá. Phùng Tá Chu đã cùng một số quan trong triều cố gắng khuông phò hòng góp phần cứu nguy cho nhà Lý, nhưng dòng chảy của sự suy tàn của lịch sử triều Lý không ai có thể ngăn cản được và nó cũng đã chảy đến hồi kết cục, sự cố gắng của ông phò nhà Lý không thể giúp ích được gì. Trong Tổng tập Nghìn năm Văn Hiến Thăng Long có chép rằng: “Đất nước lúc này đã lâm vào tình trạng suy đồi, vì sinh thời Vua cha là Lý Cao Tông đã rất bê tha, các vị quan phò tá cho Vua như Đỗ Kính Tu, Phùng Tá Chu tuy cũng có cố gắng ít nhiều, song chẳng giúp được nhiều cho chính sự.

Lý Huệ Tông lên ngôi, việc đầu tiên của ông lại là lo lắng cho mối tình đầu của mình, chứ không chú ý đến quốc gia đại sự. Khi triều Lý suy tàn đến độ không thể cưỡng nổi, hàng ngũ quan lại của vương triều bỏ bê công việc triều chính, chuyên tâm đục khoét dân lành, tranh giành quyền lực, âm mưu làm phản, thì cũng chính Phùng Tá Chu đã nhìn thấy sự sụp đổ không thể tránh khỏi của vương này, đồng thời ông cũng nhận diện được trong vô số các lực lượng muốn lật đổ, tiếm quyền nhà Lý, chỉ có họ Trần là hội tụ đầy đủ các phẩm chất để trở thành vương triều mới gánh vác sứ mệnh lịch sử quốc gia thay thế nhà Lý, dẹp loạn bên trong, chống lại giặc ngoại xâm ở bên ngoài, xây dựng đất nước, đem lại đời sống tốt đẹp cho nhân dân -“chăn dân trị quốc”. Vì thế, mà ông đã không ngần ngại, không luyến tiếc một vương triều đã mục nát, Phùng Tá Chu đã dũng cảm vượt qua nhiều rào cản của quan niệm xưa, phong kiến về lòng ái quốc, trung quân theo Khổng giáo đã ngự trị sâu sắc trong lòng dân chúng đó là: Làm bề tôi trung không thờ hai vua. Trái lại, Phùng Tá Chu làm quan hưởng lộc nhà Lý, nhưng không vì thế mà làm ngơ, phớt lờ trước sự đòi hỏi của nhân dân, của đất nước, cứu nguy dân tộc. Ông đã dứt khoát đứng về phía họ Trần, nhiệt thành giúp đỡ họ Trần giành ngôi báu từ tay nhà Lý một cách hòa bình, không có đổ máu.

Khi còn làm quan nội hầu, là đô trưởng nhập nội thị sai, là quan nội điện trực từ thời nhà lý, ngay từ khi đó, ông đã liên hệ và nhiệt thành giúp họ Trần, có thể dẫn ra một số ví dụ như: Đưa Trần Thị Dung về kinh sư với Thái tử Sảm. “Tự Khánh sai nội - điện - trực là Phùng Tá Chu cùng tì tướng là Phan Lân, Nguyễn Ngạnh đưa con gái thứ hai nhà Trần về kinh sư”.

Phùng Tá Chu là người được vua Lý hỏi ý kiến, trong lúc các quan lại nhà Lý không quan tâm đến triều chính, hoặc còn đang do dự chưa biết hành xử thế nào, thì ông đã thẳng thắn khuyên Lý Huệ Tông nhường ngôi báu nhà Lý cho con gái là Chiêu Hoàng. Trong hoàn cảnh anh em vua nhà Trần có mâu thuẫn với nhau, Phùng Tá Chu là người đã góp phần hòa giải mâu thuẫn giữa Trần Cảnh và Trần Liễu. Ngày Trần Cảnh lên ngôi, Phùng Tá Chu đã cùng Trần Trí Hoành đem văn võ bá quan, thuyền xe đến phủ Tinh Cương để đón Trần Thừa. Vua Trần rất tin trọng và quí ông, buổi đầu Triều Trần, ông được vua giao chức Thái phó phụ chính, tước Hưng nhân vương đại vương.

Ông đã có công giúp vào việc tổ chức triều chính nhà Trần. Giáo sư Lê Văn Lan, trong bài viết của mình với nhan đề: Ở miền “đất Rồng hưng thịnh” cũng đã khẳng định rằng: “…may nhờ có tâm huyết và tài năng của những người như Trần Thủ Độ, Phùng Tá Chu, dòng họ nhà Trần mới tổ chức thành công được một cuộc đảo chính cung đình ngoạn mục và vì nhà vua còn bé, nên ngẫu nhiên mà thành ra sự sáng tạo độc đáo của nhà Trần”.

Từ Tri châu Nghệ An về kinh đô, Phùng Tá Chu đã cùng một số đại thần xét duyệt mở các kỳ thi chọn hiền tài cho đất nước, định thể lệ tước vị cho hoàng thân quốc thích, văn thần, võ tướng của triều Trần.

Phùng Tá Chu có tài về kiến trúc, ông được nhà vua cử về Nam Định trông coi việc xây dựng cung điện ở Thiên Trường (Tức Mặc) để vua lấy chỗ đi lại hàng năm, sau lại được vua giao vào Thanh Hóa xây dựng 5 hành cung lớn.

Phùng Tá Chu là một trong rất ít khai quốc công thần ngoài dòng họ Trần được vua Trần phong chức Nhập Nội thái phó, tước Hưng nhân vương đại vương khi ông còn sống. Ông được liệt vào hạng đệ nhất công thần của nhà Trần. Sau khi mất, để ghi nhớ công ơn của ông, nhân dân làng Mỹ Xá (Tiến Đức) thị trấn Hưng Nhân, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình đã tôn thờ ông làm phúc thần của làng và thờ ông tại Miếu Mẽ. Nhân dân làng Quảng Bá, quận Tây Hồ thành phố Hà Nội đã tôn thờ ông làm phúc thần của làng và phối thờ ông cùng Bố Cái đại vương - Phùng Hưng ở đình làng Quảng Bá.

Phùng Tá Chu là nhân vật lịch sử lớn cuối vương triều Lý, đời đầu vương triều Trần, ông là người có công đóng góp vào sự nghiệp khởi dựng nhà Trần. Phùng Tá Chu sinh cách chúng ta hơn 800 năm, tài liệu viết và lưu giữ về ông hiện nay rất hiếm. Nhiều thế hệ trong thời đại chúng ta ít có điều kiện để đọc hiểu về thân thế sự nghiệp của ông. Ông làm quan, phò tá cho hai triều đại Lý và Trần, với quan điểm lịch sử và biện chứng, khi đánh giá các nhân vật lịch sử có tiến bộ hay không, nhân vật lịch sử đó phải vì dân, vì nước mà làm việc, bản thân phải là người minh bạch, trong sáng. Ở thời đại Phùng Tá Chu, ông đã vượt qua các quan lại đồng triều để đạt đến trình độ như thế, ông đã nhìn nhận, đánh giá đúng xã hội triều Lý đến độ tàn lụi, tìm và chọn đúng minh quân để phò tá, góp phần tránh cho dân tộc những cuộc tranh giành quyền lực, nồi da nấu thịt, huynh đệ tương tàn. Phùng Tá Chu không chỉ là kiến trúc sư của triều Trần, mà ông còn là kiến trúc sư được ghi nhận đầu tiên trong sử sách nước nhà. Ông thật xứng đáng được các thời đại lưu danh.

Tiến sĩ Phùng Thảo

Từ khóa

danh nhân Phùng Tá Chu vườn triều Trần mát xanh thời đại

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/danh-nhan-phung-ta-chu-trong-buoi-dau-khoi-dung-vuong-trieu-tran-mat-xanh-thoi-dai/133084