Danh lam thắng cảnh Mã Pì Lèng

Mã Pì Lèng nằm trong khu vực cao nguyên đá Đồng Văn, thuộc địa phận 3 xã Pải Lủng, Pả Vi, Xín Cái, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang.

Vị trí địa lý Mã Pì Lèng nằm trong khu vực có tọa độ từ 23013'41'' vĩ độ Bắc, 105024'57" kinh độ Đông đến 23015'02'' vĩ độ Bắc 105023'24", độ cao trung bình là 1073m so với mực nước biển. Với tổng diện tích khoanh vùng bảo vệ là: 7.926.569,6m2, Mã Pì Lèng nằm chủ yếu thuộc xã Pải Lủng; phía Đông giáp một phần diện tích xã Xín Cái; phần còn lại nằm trên dịa phận xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc; phía Tây giáp xã Tả Lủng, huyện Đồng Văn; phía Bắc giáp thị trấn Đồng Văn, huyện Đồng Văn.

Mã Pì Lèng - đoạn có địa thế cheo leo nhưng cũng là đoạn có phong cảnh tuyệt vời, tiếp giáp xã Pải Lủng và Pả Vi

Khu vực Mã Pì Lèng nằm trong vành đai chí tuyến Bắc, mang khí hậu á nhiệt đới, cận ôn đới. Khí hậu trong năm phân thành hai mùa tương đối rõ rệt. Mùa khô kéo dài từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau. Khí hậu mùa này hết sức khắc nghiệt, khô, hanh, có nhiều ngày rét đậm. Nhiều năm có tuyết rơi, đây là mùa đại hạn thiếu nước trầm trọng. Mùa mưa kéo dài từ tháng 4 đến tháng 10 trong năm. Lượng mưa trung bình đạt khoảng 1600 - 1700 mm nhưng phân bố không đều trong các tháng, đây cũng là khu vực có dòng sông Nho Quế chảy qua.

Do nằm trong khu vực cao nguyên đá Đồng Văn - Mèo Vạc, khu vực Mã Pì Lèng cũng mang những đặc điểm tự nhiên rất đặc trưng của khu vực. Hình thành từ sự kiến tạo vỏ trái đất, bị biến đổi mạnh trong đại Paleozoi sớm giữa các trầm tích từ kỉ Cambri tới Trias phát triển rất phong phú với nhiều loại hình đá vôi có tổng chiều dày lên tới gần 4.000m, dày nhất khu vực Đông Nam Á. Là khu vực có mực nước ngầm nằm ở độ sâu lớn, tuy gây khó khăn cho nhu cầu nước sinh hoạt nhưng cũng chính điều nay đã tạo ra một cảnh quan karst khô đặc sắc với những hình ảnh đẹp về karst nhiệt đới và cận nhiệt đới. Những đặc điểm về sự biến đổi địa chất hiện vẫn để lại những dấu ấn rất rõ ràng trên bề mặt.

Con đường Hạnh phúc đoạn thuộc xã Pải Lủng, huyện Mèo Vạc

Tuyến đường Hạnh phúc đi qua đèo Mã Pì Lèng cũng là đoạn đường nhiều khúc cua và khó đi nhất. Việc phá đá mở đường qua đoạn này cũng mất nhiều công sức, xương máu hơn cả. Toàn tuyến đường dài 165km được làm trong hơn 5 năm nhưng riêng đoạn Đồng Văn – Mèo Vạc dài 24km đường núi đá đã phải mất gần 2 năm (9/1963- 3/1965), trong đó để qua được đỉnh Mã Pì Lèng hơn 1.000 thanh niên xung phong phải mất 11 tháng treo mình trên vách đá để đục lỗ mìn mở đường.

Hiện nay trên đỉnh Mã Pì Lèng còn một tấm bia đá tưởng niệm cuộc trường trinh phá đá này như sau: “Nhân dân vùng núi tiến kịp vùng xuôi. Trung ương Đảng khi về Việt Bắc quyết định mở đường Hà Giang - Đồng Văn - Mèo Vạc. Ngày khởi công 10/09/1959, ngày hoàn thành 10/03/1965. Thành phần mở đường gồm bà con của 16 dân tộc thuộc các tỉnh Cao Bắc Lạng - Hà Tuyên Thái - Nam Định - Hải Dương. Riêng dốc Mã Pì Lèng, công nhân đã treo mình 11 tháng để mở đường”, đến nay chúng ta vẫn có thể cảm nhận được sự gian khổ hy sinh cũng như ý trí và tinh thần đoàn kết chiến thắng thiên nhiên của một thế hệ thanh niên xung phong 60 năm trước mở con đường Hạnh phúc. Nơi đây được đánh giá là nóc nhà của Cao nguyên đá Đồng Văn.

Đường đèo chạy men theo sườn phải hẻm vực sông Nho Quế, sườn núi dốc, vách dựng đứng, địa hình xung quanh chủ yếu là núi đá vôi với sự thay đổi liên tục các dạng vi kiến tạo. Đứng trên đỉnh đèo có thể bao quát được toàn bộ một vùng cao nguyên rộng lớn; phía dưới, dòng sông Nho Quế như một dải lụa mầu uốn lượn qua các khe núi hẹp. Hai bên sườn núi dọc theo con sông là bản làng người Mông ẩn hiện trong màu xanh của những nương ngô. Tại đỉnh đèo nhìn ra xung quanh có thể thấy một khung cảnh bao la với dày đặc những dãy núi đá vôi trùng điệp, đủ các hình dạng mà tiêu biểu là những ngọn núi hình kim tự tháp. Từ độ cao 1.000m trên đường đèo ngước nhìn lên thấy tháp đá vững chãi, uy nghi dựng thẳng lên trời; đây là dạng núi tháp rất hiếm gặp. Ngoài ra khu vực này còn có rất nhiều những vách kiến tạo dạng dốc đứng độ cao có nơi lên tới hàng vài trăm mét, trải dài ra hai bên tạo thành bức tường đá khổng lồ.

Nhưng có lẽ đẹp và kỳ vỹ nhất phải kể đến là hẻm vực Nho Quế. Nằm cách đỉnh đèo khoảng 1km về phía đông, hai bên là vách đá dựng đứng có độ cao 670m, được cấu tạo từ đá vôi. Dưới sâu là dòng sông Nho Quế chảy qua giữa khe núi, bên trên là rừng đá tai mèo với nhiều hình thù hấp dẫn. Chính điều đó đã làm say lòng biết bao du khách khi dừng chân trên đỉnh đèo, để rồi tên "đệ nhất hùng quan, tứ đại đỉnh đèo" cũng được gắn luôn theo tên gọi Mã Pì Lèng.

Bia đá ghi dấu con đường Hạnh phúc đặt tại khu vực Sân vận động huyện Mèo Vạc

Là khu vực có cảnh quan thiên nhiên đẹp, hùng vĩ, có giá trị thẩm mỹ cao; địa hình chủ yếu là núi đá vôi với nhiều dáng vẻ độc đáo, kỳ thú, nơi đây chứa đựng tiềm năng rất lớn về du lịch. Mã Pì Lèng là điểm quan sát toàn cảnh được đánh giá vào loại đẹp nhất Việt Nam và thế giới. Từ đỉnh đèo có thế thấy phần hùng vĩ nhất của hẻm vực sông Nho Quế với các đứt gẫy và chuyển dịch địa tầng lớn trong vỏ trái đất; ngoài ra đây còn là khu vực có giá trị rất lớn về mặt địa chất địa mạo.

Toàn cảnh khu vực Mã Pì Lèng là một bức tranh thiên nhiên hùng vĩ, vẻ đẹp được tạo nên từ đá với rất nhiều hình dáng; đứng trên đỉnh đèo nhìn ra xung quanh mới thấy hết được sự mênh mông, kỳ vĩ của cao nguyên đá Đồng Văn, cùng với cảnh tráng lệ, kỳ vĩ của núi, thăm thẳm dưới chân đèo dòng sông Nho Quế uốn quanh; các dân tộc sinh sống trong vùng, vẫn còn lưu giữ được gần như nguyên vẹn những nét văn hóa truyền thống, lễ hội đậm màu sắc trên cao nguyên đá.

Ngày 16 tháng 11 năm 2009, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ra Quyết định số 4194/QĐ-BVHTTDL xếp hạng khu vực Mã Pì Lèng là danh lam thắng cảnh quốc gia.

Nguồn: tuyengiao.hagiang.gov.vn

Nguồn PetroTimes: https://dulich.petrotimes.vn/danh-lam-thang-canh-ma-pi-leng-684994.html