'Đánh kẻ chạy đi'…

BPO - Theo thống kê của Bộ Ngoại giao, hiện có hơn 5,3 triệu người Việt Nam đang sinh sống, làm việc, học tập tại 130 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Hằng năm, cứ vào dịp tết cổ truyền của dân tộc, Bộ Ngoại giao và Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài và các thành phố lớn thường xuyên tổ chức chương trình “Xuân quê hương” để lãnh đạo Đảng, Nhà nước và địa phương gặp gỡ kiều bào tiêu biểu. Hoạt động này đã trở thành nét truyền thống và là sợi dây gắn kết Việt kiều với quê hương, nguồn cội. Chính vì vậy, trong buổi gặp gỡ với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính diễn ra ngày 14-1-2023 tại Hà Nội, nhiều bà con kiều bào đã không giấu được xúc động khi nhận được sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Thế nhưng dường như với các tổ chức, cá nhân thù địch, phản động, bất mãn và cơ hội chính trị đã trở thành cố tật. Đó là mỗi khi đất nước hay các địa phương tổ chức thành công một sự kiện quan trọng nào đó thì chúng lại lên cơn, vào hùa với nhau để thông tin bịa đặt nhằm bôi nhọ, hạ uy tín của Đảng, Nhà nước. Ngày 7-1-2023, Thành ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN TP. Hồ Chí Minh gặp gỡ kiều bào tiêu biểu dịp tết Nguyên đán 2023. Ngay sau đó, tổ chức khủng bố Việt Tân cùng với mấy cái loa rè là BBC, RFA, VOA, RFI và các trang mạng không có thiện chí với Việt Nam đã đồng loạt đăng tải, phát tán thông tin xuyên tạc, vu khống, chụp mũ đối với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Cụ thể là tại buổi gặp gỡ này, ông Trần Bá Phúc, Chủ tịch Hội Doanh nhân người Việt ở Úc đã chia sẻ, là một trong những người vừa có quốc tịch Úc vừa có quốc tịch Việt Nam, ông Phúc rất hãnh diện khi sử dụng hộ chiếu Việt Nam trong các giao dịch tại Úc. Theo ông Phúc, kiều bào ở nước ngoài “không ai muốn từ bỏ quốc tịch Việt Nam” và rất nhiều người đang mong muốn có quốc tịch Việt Nam để trở về quê hương. Trước đó, trong cuộc trả lời phỏng vấn của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Sydney - Úc, ông Trần Bá Phúc cũng đã khẳng định, ông và nhiều Việt kiều tại Úc rất tự tin, tự hào và hãnh diện khi chưa bao giờ cuốn hộ chiếu Việt Nam lại có giá trị và ý nghĩa lớn lao đối với người Việt Nam ở nước ngoài như vào thời điểm này. Thế nhưng ngày 11-1-2023, trên trang facebook của Việt Tân đã phát tán bình luận của một người có tên là LA, với nội dung: Tôi ở Úc trên 40 năm, nhưng chưa bao giờ thấy và biết kiều bào nào ở Úc mở miệng nói rằng, hãnh diện khi sử dụng hộ chiếu Việt Nam.

Xin có đôi lời về chủ nhân của lời bình nêu trên rằng, ngay từ buổi đầu lập nước, người Việt Nam đã biết tự nhận thức về nguồn gốc “con Rồng, cháu Tiên” của mình. Dân tộc hình thành sớm, quốc gia thống nhất ra đời đã mấy ngàn năm nay, cho nên người Việt từ xa xưa sớm có ý thức cộng đồng dân tộc và chủ quyền quốc gia. Cùng với đó, khát vọng tự do, ý chí kiên cường, bất khuất luôn là động lực thôi thúc các thế hệ người Việt đứng lên đấu tranh chống lại ách đô hộ của kẻ thù. Chính các yếu tố cội nguồn đó cùng với những chiến công hiển hách trong suốt chiều dài lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc đã hun đúc nên tinh thần yêu nước, niềm kiêu hãnh và tự hào dân tộc của người dân đất Việt. Chỉ có những kẻ mang trong mình tư tưởng ích kỷ, hận thù mới đang tâm chối bỏ nguồn cội của mình. Và cũng thật dễ hiểu, những kẻ ruồng bỏ quê hương, quay lưng với Tổ quốc thì làm sao có được niềm kiêu hãnh của con cháu Lạc Hồng?!

Trong khi đó, hầu hết bà con Việt kiều dù ở bất cứ nơi đâu vẫn luôn hướng về Tổ quốc, gắn bó máu thịt với cội nguồn dân tộc, là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Bà Phạm Quỳnh Nga, Tổng Biên tập trang Viet-bao.de trong một lần trả lời phỏng vấn của phóng viên báo Công an nhân dân, đã khẳng định: “Chúng tôi tự hào, vui mừng khi thấy dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, đất nước không ngừng phát triển về kinh tế, văn hóa - xã hội; đời sống của người dân ngày càng khấm khá, hạnh phúc. Đặc biệt, sự kiểm soát tốt đại dịch Covid-19 ở Việt Nam không chỉ được đánh giá cao mà còn là kinh nghiệm hữu ích để Chính phủ Đức và nhiều nước trên thế giới tìm hiểu, học tập. Phải đặt vào địa vị của những người xa xứ như chúng tôi, mỗi lần về Việt Nam, bước xuống sân bay là trái tim như vỡ òa, xúc động bởi sự “thay da, đổi thịt” của quê hương. Từ cơ sở hạ tầng, thông tin liên lạc; từ các dịch vụ kinh tế cho tới hành chính công; từ sức trẻ và sự năng động của dân số cho tới khát vọng vươn lên không ngừng của đất nước…”.

Còn Tiến sĩ Trần Hải Linh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân và Đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc (VKBIA) trong lần về thăm quê hương đã phát biểu rằng: “Chính sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ đối với cộng đồng người Việt ở nước ngoài đã thôi thúc chúng tôi thành lập Hiệp hội Doanh nhân và Đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc - một tổ chức của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, chuyên gia, trí thức và những đơn vị, tổ chức có mục đích giao thương không chỉ giữa Việt Nam - Hàn Quốc, mà phát triển cả các thị trường khác trên thế giới. Từ đó, VKBIA huy động năng lực của cá nhân và tập thể vì lợi ích chung của doanh nghiệp, doanh nhân và cộng đồng. Trong gần 2 năm qua, chúng tôi đã có dịp đồng hành và hỗ trợ chương trình hội nghị xúc tiến đầu tư cho một số địa phương ở Việt Nam với Hàn Quốc như: tỉnh Lâm Đồng, Gia Lai, Tiền Giang, Quảng Ninh, Lai Châu, Bình Định”.

Như vậy, chỉ với những ai có trái tim và khối óc không bình thường và muốn che đậy bộ mặt thật xấu xa của mình nên mới phải dấu cả họ lẫn tên bằng 2 chữ viết tắt là LA - tạm dịch là “lãnh án”. Cùng với đó, Việt Tân chấp nhận cho chủ nhân của lời bình trên giấu giếm tên tuổi của mình cũng có nghĩa là đã đồng lõa với việc làm không chính danh này. Cổ nhân xưa đã dạy rằng “danh chính ngôn thuận” hoặc “danh bất chính thì ngôn bất thuận” - “danh không chính thì ngôn không thuận”. Câu thành ngữ này có nghĩa là khi một người nào đó có danh nghĩa chính đáng rồi thì nói mới được thông, mới được người nghe tâm phục khẩu phục và ngược lại. Ngoài ra, câu này cũng bao hàm ý nghĩa là khi làm một việc gì mà đã có lý do đầy đủ, chính đáng, đúng lý, hợp tình thì sẽ thông thuận, dễ đạt được thành công. Và ở tầng ý nghĩa cao hơn, câu thành ngữ này có ý nghĩa khuyên răn hậu thế rằng, đã làm người thì khi suy nghĩ hoặc nói hay làm bất cứ điều gì, việc gì cũng phải thuận theo lẽ phải.

Nhân hậu, bao dung là truyền thống đạo đức của cha ông ta từ ngàn đời nay. Vậy nên kể cả “kẻ chạy đi” và “người chạy lại” đều đã mắc phải lỗi lầm. Nhưng “kẻ chạy đi” là những người không biết hối hận, vẫn tiếp tục phạm lỗi dù đã được nhắc nhở nhiều lần. Còn “người chạy lại” là những người đã nhận ra lỗi của mình, quyết tâm khắc phục, sửa chữa. Và dân tộc Việt Nam luôn khoan dung, độ lượng với những “người chạy lại”, đồng thời kiên quyết, dứt khoát tẩy chay những “kẻ chạy đi”. Vậy nên đừng ai tự bịt đường trở về nguồn cội của mình.

Nhật Minh

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/33/141124/danh-ke-chay-di