Danh hiệu nghệ sĩ nhân dân: Động lực để tiếp tục cống hiến cho nghệ thuật

Trong lễ trao tặng danh hiệu 'Nghệ sĩ nhân dân' (NSND), 'Nghệ sĩ ưu tú' (NSƯT) lần thứ 10 diễn ra tại Hà Nội ngày 6-3, Đà Nẵng có 3 nghệ sĩ được Chủ tịch nước tặng danh hiệu NSND gồm: NSND Trịnh Mạnh Hùng, NSND Phan Thị Lan Phương và NSND Phan Văn Quang. Đây là phần thưởng xứng đáng cho tài năng, những cống hiến của các nghệ sĩ Đà Nẵng trong suốt quá trình gắn bó, phấn đấu và vươn tới đỉnh cao của sự sáng tạo nghệ thuật.

* NSND Trịnh Mạnh Hùng: Vinh dự khi được Nhà nước ghi nhận

Là nghệ sĩ lớn tuổi nhất của Đà Nẵng nhận danh hiệu NSND trong đợt này, NSND Trịnh Mạnh Hùng (SN 1950, trú quận Thanh Khê) không giấu nỗi xúc động khi những đóng góp của mình được Nhà nước ghi nhận. Tròn 60 năm cống hiến cho nghệ thuật (1964-2024), gắn bó với cây sáo và nền âm nhạc dân tộc, NSND Trịnh Mạnh Hùng được công chúng biết tới với hàng loạt giải thưởng lớn từ cấp Trung ương đến địa phương. Từ trước khi nhận danh hiệu NSƯT (2007), ông đã ghi dấu ấn với huy chương Vàng năm 1981; 3 huy chương Vàng ở các hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc, toàn quân năm 1992-1995.

Với cây sáo của mình, năm 1994, ông đi biểu diễn ở 8 nước châu Âu trong chương trình âm nhạc không biên giới, do Hiệp hội Nghệ thuật số 1 thế giới tổ chức và được bạn bè thế giới ấn tượng, đánh giá cao. Không chỉ là một nhạc công tài ba, NSND Trịnh Mạnh Hùng còn giảng dạy tại nhà và Trường Trung học Văn hóa Nghệ thuật Đà Nẵng, cố vấn, hướng dẫn các thành viên hai CLB Tiêu sáo Đà Nẵng và CLB Tiêu sáo Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng.

Đặc biệt, ông cũng dành khá nhiều thời gian cho việc sáng tác với gia tài hơn 50 ca khúc, trong đó có nhiều ca khúc đoạt giải ở các cuộc thi, hội thi âm nhạc. Nhờ vậy, dù sau khi nghỉ hưu, ông vẫn có cho mình nhiều giải thưởng danh giá của Hội Âm nhạc Việt Nam, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và UBND thành phố.

Thêm danh hiệu NSND sau gần 20 năm là NSƯT, NSND Trịnh Mạnh Hùng bộc bạch, đây là niềm hạnh phúc và vinh dự to lớn đối với bản thân và gia đình ông. “Tôi vô cùng tự hào khi nhận được danh hiệu cao quý này. Với nghệ sĩ, không có một ngôn từ tôn vinh nào bằng được sự ghi nhận, đánh giá của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, những đồng nghiệp, khán giả đang cùng đồng hành. Thành tựu hôm nay là kết quả của những nỗ lực trong sự nghiệp làm nghệ thuật của tôi, suốt từ những năm tháng tuổi trẻ cho đến nay. Vì vậy, các bạn trẻ hãy tiếp tục cố gắng, làm việc và cống hiến hết sức, thành quả sẽ đến”, NSND Trịnh Mạnh Hùng chia sẻ.

* NSND Phan Thị Lan Phương: Được sống hết mình với nghệ thuật là hạnh phúc

Bước sang tuổi 71, NSND Lan Phương (SN 1953, trú quận Sơn Trà) vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu NSND sau hơn 20 năm là NSƯT (1993). Hơn 20 năm để thêm có danh hiệu tiếp theo là một quá trình dài, gian truân và cần rất nhiều nỗ lực. Thuở xưa, NSND Lan Phương được xem là “ngôi sao” của nghệ thuật tuồng khi vững nghề từ rất sớm và được đánh giá cao ở mọi vai diễn. Bà tham gia hoạt động nghệ thuật từ năm 1972 và có thời gian biểu diễn phục vụ chiến sĩ, nhân dân tại chiến trường Khu 5, tham gia Đoàn tuồng Quảng Nam - Đà Nẵng và sau đó là Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh.

Trong cuộc đời diễn viên của mình, bà nổi danh với nhiều vai diễn như: vai Bình Vương trong tác phẩm “Ngoại tổ dâng đầu”, vai Thiên Cực trong tác phẩm “Lịch sử hãy phán xét”, vai bà Châu trong tác phẩm “Mẹ”; đồng thời giành nhiều huân huy chương, giải thưởng danh giá như: Huy chương Kháng chiến hạng 1 (1989), Huy chương vì sự nghiệp sân khấu Việt Nam (1998), Huy chương vàng, bạc cuộc thi cấp bộ...

Theo NSND Lan Phương, được sống hết mình với nghệ thuật tuồng là hạnh phúc. Càng hạnh phúc, tự hào hơn khi những nỗ lực của mình được ghi nhận, tôn vinh. “Tuồng là loại hình nghệ thuật đặc thù, rất khó, quá trình học tập và làm nghề không chỉ phải đổ mồ hôi, mà còn cả máu và nước mắt. Vất vả hơn khi là nghệ sĩ nữ, những lần đi diễn ra, chúng tôi phải nuốt nước mắt, rời xa chồng, con nhỏ để đi diễn phục vụ nhân dân. Thế nhưng, khó khăn nào cũng không ngăn được tình yêu với loại hình nghệ thuật này. Tôi và lớp lớp nghệ sĩ lúc bấy giờ luôn quyết tâm phải giữ được di sản mà ông cha ta đã để lại”, NSND Lan Phương bày tỏ.

Dù tuổi cao, sức yếu nhưng NSND Lan Phương vẫn tham gia hỗ trợ giảng dạy cho thế hệ diễn viên trẻ của Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, thường xuyên dàn dựng tiết mục biểu diễn phục vụ địa phương, khu dân cư trong những dịp lễ, Tết, sinh hoạt văn hóa. “Đến tận hôm nay, khi đã giành được danh hiệu danh giá nhất của đời nghệ sĩ, tình yêu với nghệ thuật tuồng của tôi vẫn còn vẹn nguyên như ngày đầu. Vì vậy, trong điều kiện sức khỏe còn cho phép, tôi sẽ tiếp tục nỗ lực cống hiến sức lực, kinh nghiệm của mình truyền nghề cho thế hệ trẻ; để loại hình nghệ thuật này sống mãi với thời gian”, NSND Lan Phương khẳng định.

* NSND Phan Văn Quang: Động lực để tiếp tục phấn đấu

NSND Phan Văn Quang (SN 1970, trú quận Sơn Trà), đạo diễn tại Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, là NSND trẻ nhất của Đà Nẵng trong đợt này và cũng là NSND duy nhất còn công tác. Trong sự nghiệp của mình, NSND Phan Văn Quang ghi dấu ấn ở nhiều vai trò, từ diễn viên đến đạo diễn. Chỉ tính riêng từ sau khi anh giành danh hiệu NSƯT (2015) đến nay, NSND Phan Văn Quang đã đoạt nhiều giải thưởng lớn cấp Trung ương như: giải Vàng vai diễn Thi Sách trong vở “Trưng Vương” năm 2015, huy chương Vàng vai diễn Trần Phong trong vở “Như những tượng đài” năm 2016, huy chương Vàng vai diễn Đổng Kim Lân trong vở “Sơn Hậu”, giải diễn viên tuồng xuất sắc cho vai Lê Đại Cang trong vở “Hoạn Lộ” năm 2020…

Trong gần 10 năm làm đạo diễn, NSND Phan Văn Quang đã dàn dựng cho các nghệ sĩ của Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh biểu diễn hàng chục vở tuồng như: Nàng Tấm, Rực lửa hoàng cung, Người thầy của muôn đời... Đây là thành quả của quá trình lao động nghệ thuật không mệt mỏi, không phải nghệ sĩ nào cũng làm được.

“Trong quá trình làm nghề, tôi luôn học hỏi thế hệ cha chú đi trước, nhìn đồng nghiệp khổ luyện để động viên mình tiếp tục cố gắng “giữ lửa” và phát triển nghề, tìm cách nâng cao chất lượng các vở diễn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của công chúng. Một người nghệ sĩ chân chính phải là người không ngừng nỗ lực, có trách nhiệm với nghề, hướng tới mục đích làm giàu mạnh nền văn hóa, nghệ thuật nước nhà”, NSƯT Phan Văn Quang chia sẻ.

Nhận danh hiệu cao quý nhất của người nghệ sĩ ở tuổi 54, NSND Phan Văn Quang cho biết, có được ngày hôm nay là một quá trình gian truân, trải qua nhiều cuộc thi, liên hoan để từng bước khẳng định mình. Tuy nhiên, ở bất kỳ cuộc thi nào, anh cũng không nghĩ đến giải thưởng mà chỉ tâm niệm một điều phải làm hết sức có thể.

“Nhận được danh hiệu NSND, tôi vô cùng nghẹn ngào, xúc động, tự hào. Đây là vinh dự, nhưng cũng là trách nhiệm với tôi. Danh hiệu này là tiền đề để tôi bước vào một hành trình mới, hành trình truyền nghề, noi gương cho thế hệ kế cận và tiếp tục tạo ra các tác phẩm có giá trị chân - thiện - mỹ, xứng đáng với danh hiệu cao quý này”, NSND Phan Văn Quang nói.

X.DŨNG

Nguồn Đà Nẵng: http://www.baodanang.vn/channel/5414/202403/danh-hieu-nghe-si-nhan-dan-dong-luc-de-tiep-tuc-cong-hien-cho-nghe-thuat-3967072/