Danh hiệu chắp thêm niềm tin, sự nỗ lực làm nghề, đem đến tác phẩm giá trị cho Nhân dân

Danh hiệu là thành quả sau nhiều cố gắng, sáng tạo của các nghệ sĩ đồng thời sẽ là động lực để chắp thêm niềm tin, nỗ lực hơn nữa khi làm nghề, đem lại tác phẩm nghệ thuật có giá trị cho Nhân dân. Đó là chia sẻ của các nghệ sĩ bên lề Lễ trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 10 vừa được Bộ VHTTDL tổ chức ngày 6.3 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Trong đợt phong tặng này, có 125 nghệ sĩ được tặng, truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân; 264 nghệ sĩ được tặng, truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú.

NSND Xuân Bắc: Phấn đấu cho xứng đáng với danh hiệu

Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu cho NSND Xuân Bắc

NSND Xuân Bắc hiện đang giữ cương vị Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, anh cho biết, thực sự hạnh phúc, tự hào khi đón nhận danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Với NSND Xuân Bắc, việc đạt danh hiệu này đánh dấu người nghệ sĩ bước trên một hành trình mới, tại đó, họ cần phấn đấu cho xứng đáng với danh hiệu mà Đảng và Nhà nước đã trao và Nhân dân ghi nhận. Đó không hẳn là áp lực, nhưng sẽ tạo ra một "sức nặng", đặt lên vai những người làm nghệ thuật.

"Danh hiệu là thứ rất cần thiết, nhưng không phải là đích đến của những nghệ sĩ chân chính. Danh hiệu là động lực, cũng là niềm tin khi sự cố gắng, nỗ lực của mình được ghi nhận. Thế nhưng, điều mà những nghệ sĩ cần hướng tới khi làm nghề là các tác phẩm nghệ thuật có giá trị. Từ những sáng tạo đó, ta đem lại giá trị chân – thiện – mỹ, giúp cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp, nhân văn hơn, đó mới là điều quan trọng".

NSND Trần Lực: Nỗ lực đưa sân khấu truyền thống đến khán giả

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trao danh hiệu cho NSND Trần Lực

NSND Trần Lực chính là người thành lập đoàn kịch tư nhân LucTeam. Với đội hình nhân sự linh hoạt, đạo diễn Trần Lực đã dựng nhiều vở diễn với chất ước lệ cao. Trong số này, có những vở hài kịch mà tới giờ vẫn được đánh giá cao là Quẫn, Bạch đàn liễu, Búp bê, Antigone... Với hàng loạt các giải thưởng đạo diễn xuất sắc và cho vở diễn, NSND Trần Lực xứng đáng được giới sân khấu đánh giá là một đạo diễn tài năng có hạng hiện nay.

Lên bục nhận danh hiệu lần này, bên niềm hạnh phúc, NSND Trần Lực có chút chạnh lòng khi vắng đi sự có mặt của cha mình, NSND Trần Bảng, người có ảnh hưởng lớn đối với con đường làm nghệ thuật của Trần Lực. "Dẫu cha tôi đã mất, người không có mặt tại Lễ trao tặng để chứng kiến sự thành công và trưởng thành của con trai mình nhưng tôi tin rằng ông vẫn đang dõi theo từng bước đi của tôi. Tôi quyết tâm tiếp bước cha mình, dành nhiều thời gian cho công việc đạo diễn để đưa sân khấu Việt Nam, đặc biệt là sân khấu truyền thống đến gần hơn với khán giả trong và ngoài nước. Tạo nên những tác phẩm nghệ thuật mới mẻ, giàu sức sáng tạo, kết hợp được những ưu thế nổi trội của sân khấu dân tộc", NSND Trần Lực chia sẻ.

NSND Hồ Ngọc Trinh: Động lực lớn để tiếp tục sáng tạo, phục vụ nhân dân

NSND Hồ Ngọc Trinh là nghệ sĩ trẻ tuổi nhất được trao tặng danh hiệu NSND trong dịp này

Là nghệ sĩ trẻ tuổi nhất được phong tặng danh hiệu NSND đợt này, NSND Hồ Ngọc Trinh (sinh năm 1984), diễn viên Nhà hát Cải lương Long An cho biết cảm thấy tự hào xen lẫn niềm xúc động, đó là sự động viên, khích lệ rất lớn của Nhà nước và công chúng đến các nghệ sĩ, đặc biệt là các nghệ sĩ trẻ. Hồ Ngọc Trinh đạt danh hiệu NSƯT năm 2015 và hiện là Phó trưởng Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An.

NSND Hồ Ngọc Trinh bày tỏ: "Tôi hạnh phúc khi mình được có mặt trong ngày trọng đại này. Con đường nghệ thuật không dễ dàng trong hành trình của tôi. Chính vì vậy mà tôi luôn ý thức rằng, khó khăn, thử thách là động lực để vươn lên. Và tôi cũng luôn tự nhủ với lòng, thành tích hay danh hiệu không chỉ là vinh dự mà còn là trách nhiệm để xứng đáng với điều đó, với lòng tin của mọi người, của công chúng vì nghệ thuật, vì con đường mà mình đã dấn thân và cống hiến.

Tôi cho rằng, việc xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ Nhân dân", "Nghệ sĩ Ưu tú" đã góp phần động viên, khích lệ các nghệ sĩ, đặc biệt là các nghệ sĩ trẻ say mê trong sáng tạo, biểu diễn nghệ thuật, tạo ra nhiều chương trình, vở diễn, tiết mục có giá trị hơn nữa để phục vụ nhân dân.

NSƯT Đinh Trung Cẩn: Hạnh phúc khi tác phẩm được lan tỏa

Năm 2023 qua đi là một năm khó quên bởi những thành tựu đạt được trong cả sự nghiệp âm nhạc lẫn trong công tác quản lý của nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn. Tin vui nối tiếp tin vui là hạnh phúc vô bờ bến không mấy ai có được, bởi đó là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước và Nhân dân dành cho những nỗ lực không ngơi nghỉ. Sau giải thưởng cao quý- Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn tiếp tục nhận được danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú vì những đóng góp của ông với vai trò là Tổng Đạo diễn của hàng trăm chương trình biểu diễn nghệ thuật, trong đó có nhiều chương trình cấp quốc gia. Ông chia sẻ, với ông, hạnh phúc ngoài phần thưởng, danh hiệu, là sự lan tỏa từ các tác phẩm, từ những chương trình nghệ thuật mà ông cùng các cộng sự thực hiện đã đi vào đời sống xã hội, không chỉ ở trong nước mà gây tiếng vang tới bạn bè quốc tế.

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa trao danh hiệu NSƯT cho Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn

Là người làm công tác quản lý văn hóa giàu kinh nghiệm của Văn phòng đại diện phía Nam (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch), kiêm Tổng Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam. Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn còn là người có những đóng góp tích cực trong hoạt động âm nhạc trên nhiều lĩnh vực: Sáng tác ca khúc, khí nhạc; Biên tập, xuất bản; Dàn dựng, hòa âm phối khí. Đặc biệt, ông được biết đến với vai trò là Tổng Đạo diễn chương trình nghệ thuật: 40 năm Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; 50 năm Mậu Thân; 75 năm Nam kỳ khởi nghĩa; Khánh thành đền thờ Hùng Vương tại Thành phố Hồ Chí Minh; Xuân quê hương; Chương trình nghệ thuật Unesco vinh danh Đờn ca tài tử là Di sản văn hóa thế giới; Lễ hội Chăm; Lễ hội Khơ-me Nam bộ; Festival biển Nha Trang, Lễ hội Văn hóa Du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu; Côn Đảo bản hùng thiêng sông núi; Những ngày Văn hóa các Dân tộc Việt Nam; Những ngày Văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc; Festival Đờn ca tài tử; Kỷ niệm 130 năm Tôn Đức Thắng; Nhịp cầu Xuyên Á; Hương Sắc Tây Đô và hàng trăm chương trình lễ hội của các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Nhiều người thắc mắc và cũng đã từng đặt câu hỏi với nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn rằng công tác quản lý chiếm quá nhiều thời gian, vậy thời gian nào để ông có thể làm được nhiều việc và luôn đem lại những thành tựu? Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn chia sẻ: "Mỗi chương trình nghệ thuật, mỗi lễ hội, tôi đều mong muốn truyền tài một thông điệp rõ ràng, mang đậm chất nghệ thuật, mang dấu ấn văn hóa, lịch sử và nhân văn. Phần âm nhạc là linh hồn của chương trình nên chúng tôi chú trọng, đầu tư kỹ lượng từ lựa chọn tác phẩm, hòa âm, phối khí và nghệ sĩ thể hiện. Phần biên đạo và dàn dựng luôn phải tạo ra được những màu sắc mới, sáng tạo mang dấu ấn nghệ sĩ, kết hợp việc sử dụng công nghệ hiện đại để chuyển tải một cách trọn vẹn ý đồ nội dung chương trình. Điều quan trọng là phải tính toán kỹ càng trong việc kết nối đường dây tổng thể của chương trình để đạt hiệu quả nghệ thuật cao nhất"./.

Hồng Hà

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/danh-hieu-chap-them-niem-tin-su-no-luc-lam-nghe-dem-den-tac-pham-gia-tri-cho-nhan-dan-20240306165815327.htm