Đánh giá tỷ lệ đô thị hóa Bắc Giang đảm bảo sát thực tế hơn

Các chuyên gia thành viên Hội đồng thẩm định Đồ án Quy hoạch chung đô thị Chũ, tỉnh Bắc Giang đến năm 2045 lưu ý việc đánh giá tỷ lệ đô thị hóa sát thực tế hơn để nâng cao hơn nữa chất lượng đồ án này

Khu công nghiệp Vân Trung (Bắc Giang). Ảnh: Danh Lam - TTXVN

Đơn vị tư vấn cần phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang đánh giá tỷ lệ đô thị hóa đảm bảo sát thực tế hơn và rà soát, làm rõ cơ sở pháp lý đề xuất định hướng thành lập thị xã Chũ trên cơ sở một phần huyện Lục Ngạn hiện nay. Đây là lưu ý của các chuyên gia thành viên Hội đồng thẩm định Đồ án Quy hoạch chung đô thị Chũ, tỉnh Bắc Giang đến năm 2045 để nâng cao hơn nữa chất lượng đồ án này.

Theo đó, các chuyên gia cũng yêu cầu Bắc Giang làm rõ hơn một số nội dung như: cơ sở đề xuất Trục văn hóa - Đại lộ trái cây; rà soát các thông tin, hệ thống bản vẽ, đảm bảo sự chính xác và đồng nhất; lưu ý xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật; xác định rõ các dự án ưu tiên đầu tư; chú trọng bảo vệ môi trường, bảo tồn diện tích đất rừng.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn – Chủ tịch Hộ đồng thẩm định đề nghị đơn vị tư vấn và UBND tỉnh Bắc Giang tiếp thu đầy đủ ý kiến góp ý của các chuyên gia thành viên Hội đồng, chú trọng rà soát, đảm bảo sự chính xác của các thông tin, số liệu trong Đồ án.

Đồng thời, cần đánh giá đầy đủ việc thực hiện các quy hoạch, dự án đã được phê duyệt để từ đó khắc phục những hạn chế tồn tại thời gian qua và đề xuất những định hướng phát triển mới cho đô thị Chũ phù hợp với quy hoạch tỉnh Bắc Giang.

Bên cạnh đó, cần phân tích, bổ sung vị trí, vai trò và mối liên hệ vùng của đô thị Chũ; lưu ý các vấn đề liên quan đến xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để đảm bảo tiêu chí đô thị theo định hướng đã đề ra. Đơn vị tư vấn và UBND tỉnh Bắc Giang tập trung hoàn thiện hồ sơ Đồ án để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét theo quy định – Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn nhấn mạnh.

Tại Đồ án Quy hoạch chung đô thị Chũ, tỉnh Bắc Giang đến năm 2045, mục tiêu quy hoạch nhằm xác định không gian lãnh thổ, số lượng đơn vị hành chính đảm bảo đủ điều kiện sắp xếp đơn vị hành chính huyện Lục Ngạn để thành lập thị xã Chũ (và huyện Lục Ngạn mới) trên cơ sở xác định không gian phát triển đô thị gắn với kinh tế xã hội ổn định lâu dài; cụ thể hóa các định hướng của Quy hoạch tỉnh Bắc Giang, phát triển kinh tế - xã hội, đô thị và dân cư nông thôn toàn tỉnh; từng bước xây dựng, phát triển đô thị Chũ theo hướng đồng bộ, bền vững, trở thành một trong những trung tâm dẫn dắt sự phát triển khu vực tiểu vùng phía Đông Bắc tỉnh Bắc Giang. Đến năm 2025, đủ điều kiện thành lập thị xã Chũ và sau 2030 có đủ điều kiện phát triển thành thành phố trực thuộc tỉnh.

No Title

Phạm vi, ranh giới khu vực lập quy hoạch gồm 10 đơn vị hành chính của huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang với diện tích tự nhiên 25.155 ha, được giới hạn như sau: phía Bắc giáp các xã Sơn Hải, Biên Sơn, Thanh Hải, huyện Lục Ngạn và các xã Hòa Sơn, Tân Thành, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn; phía Nam giáp xã Tân Mộc, huyện Lục Ngạn và các xã Trường Giang, Vô Tranh, huyện Lục Nam; phía Đông giáp các xã Tân Lập, Tân Quang, Giáp Sơn, Biên Sơn và Trung tâm huấn luyện Cấm Sơn, huyện Lục Ngạn; phía Tây giáp các xã Cương Sơn, Đông Phú, Đông Hưng thuộc huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang và xã Tân Thành thuộc huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn.

Tầm nhìn, chiến lược phát triển đô thị Chũ trở thành thành phố “sinh thái nông nghiệp và du lịch”; xây dựng đô thị Chũ là đô thị vệ tinh, chia sẻ, bù trừ về không gian sinh thái, môi trường tự nhiên, kết nối văn hóa, du lịch với vùng công nghiệp, đô thị Bắc Giang, liên kết với vùng Thủ đô Hà Nội vùng Đông Bắc Bộ.

Về định hướng không gian tổng thể, đô thị Chũ có vai trò là đô thị trung tâm của vùng kinh tế phía Đông tỉnh Bắc Giang, tạo động lực phát triển cho vùng về nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, du lịch sinh thái, hậu cần vận tải (logistics), dịch vụ xuất khẩu, lâm nghiệp...

Đồ án cũng định hướng phát triển không gian đô thị Chũ với 5 cực phát triển gồm: cực trung tâm là thị trấn Chũ; cực đô thị dịch vụ, công nghiệp phía Tây; cực đô thị du lịch phía Bắc; cực đô thị dịch vụ, du lịch, làng nghề phía Nam; cực đô thị thương mại, dịch vụ phía Đông.

Đồng thời, Đồ án cũng đề xuất nhiều định hướng khai thác hệ thống suối, sông, hồ và các vùng đất ngập nước, thiết kế đô thị, quy hoạch sử dụng đất, định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật, giải pháp bảo vệ môi trường.

Thu Hằng/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/danh-gia-ty-le-do-thi-hoa-bac-giang-dam-bao-sat-thuc-te-hon/318221.html