Đánh giá tổng thể để sửa đổi quy định thủ tục hải quan với hàng hóa xuất, nhập khẩu tại chỗ

Theo Bộ Tài chính, cần thiết phải đánh giá tổng thể hoạt động xuất nhập khẩu tại chỗ để đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung quy định về thủ tục hải quan cho phù hợp với bản chất của hoạt động giao dịch này.

Theo Bộ Tài chính, cần thiết phải đánh giá tổng thể hoạt động xuất nhập khẩu tại chỗ để đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung về quy định thủ tục hải quan. Ảnh: internet

Theo cử tri tỉnh Bình Dương, điểm c khoản 1 Điều 35 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan quy định về thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ. Cụ thể, hàng hóa mua bán giữa doanh nghiệp Việt Nam với tổ chức, cá nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam và được thương nhân nước ngoài chỉ định giao, nhận hàng hóa với doanh nghiệp khác tại Việt Nam.

Như vậy, hàng hóa mua bán giữa doanh nghiệp Việt Nam với tổ chức, cá nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam và được thương nhân nước ngoài chỉ định giao, nhận hàng hóa với doanh nghiệp khác tại Việt Nam thuộc trường hợp làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ theo quy định. Trường hợp thương nhân nước ngoài không đáp ứng điều kiện thương nhân nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam quy định tại khoản 5 Điều 3 Luật Quản lý ngoại thương thì không thuộc trường hợp xuất nhập khẩu tại chỗ.

Bên cạnh đó, từ năm 2015, các quy định về xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ đã được quy định cụ thể hơn tại các nghị định của Chính phủ như: Nghị định số 08/2015/NĐ-CP, Nghị định số 134/2016/NĐ-CP... Trong khi đó, khoản 1 Điều 1 Nghị định số 18/2021/NĐ-CP ngày 11/03/2021 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu quy định hình thức xuất nhập khẩu tại chỗ thuộc đối tượng chịu thuế. Do đó, nội hàm hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu chưa có sự thống nhất giữa hệ thống pháp luật về thương mại, ngoại thương với hệ thống pháp luật về thuế xuất khẩu, nhập khẩu.

Cử tri phản ánh các quy định trên hiện nay còn đang có sự mâu thuẫn, khó khăn trong triển khai thực hiện, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp có thực hiện gia công, xuất khẩu và nhập khẩu tại chỗ thì không được hoàn thuế theo quy định tại khoản 4 Điều 1 Nghị định số 18/2021/NĐ-CP, dẫn đến tồn đọng thuế nhập khẩu và khó khăn cho doanh nghiệp trong duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

Do đó, để công tác quản lý nhà nước về hải quan thống nhất, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, cử tri kiến nghị khẩn trương rà soát, căn cứ bản chất giao dịch của hàng hóa để điều chỉnh, sửa đổi quy định tại Điều 35 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP để phù hợp với hệ thống pháp luật về thương mại và quản lý ngoại thương và hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp chế xuất.

Về nội dung này, Bộ Tài chính cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái về việc tiếp thu, giải trình ý kiến Thành viên Chính phủ đối với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan về hoạt động xuất nhập khẩu tại chỗ, Bộ Tài chính đã rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, đánh giá, tổng kết hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ tại khoản 1 Điều 35 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP trong thời gian từ năm 1998 đến nay.

Về kiến nghị của cử tri, điểm c khoản 1 Điều 35 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP quy định, hàng hóa mua bán giữa doanh nghiệp Việt Nam với tổ chức, cá nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam và được thương nhân nước ngoài chỉ định giao, nhận hàng hóa với doanh nghiệp khác tại Việt Nam.

Để thực hiện được quy định này, thương nhân nước ngoài phải đáp ứng điều kiện không có hiện diện tại Việt Nam theo quy định tại Nghị định 90/2007/NĐ-CP ngày 31/05/2007 của Chính phủ và khoản 5 Điều 3 Luật Quản lý ngoại thương. Trường hợp thương nhân nước ngoài đã có hiện diện tại Việt Nam như đã có Văn phòng đại diện, Chi nhánh, đầu tư thành lập tổ chức kinh tế; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp; thực hiện dự án đầu tư; đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC; các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế mới theo quy định của Chính phủ thì không đáp ứng điều kiện không có hiện diện tại Việt Nam nên không thuộc trường hợp xuất nhập khẩu tại chỗ quy định tại điểm c khoản 1 Điều 35 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP.

Căn cứ quy định tại Luật Thương mại, Luật Quản lý ngoại thương, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu là phải được đưa ra/đưa vào lãnh thổ Việt Nam hoặc đưa ra/đưa vào khu vực hải quan riêng. Đối với hoạt động mua bán hàng hóa với thương nhân nước ngoài không giao hàng tại Việt Nam theo chỉ định của thương nhân nước ngoài thực chất hàng hóa không có sự dịch chuyển ra khỏi biên giới Việt Nam hoặc ra vào khu hải quan riêng, bản chất đây không phải là hoạt động xuất nhập khẩu.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cho biết, qua rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, nội hàm hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ có sự chưa thống nhất giữa hệ thống pháp luật về thương mại, ngoại thương với hệ thống pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

Do vậy, Bộ Tài chính cho rằng, cần thiết phải đánh giá tổng thể hoạt động xuất nhập khẩu tại chỗ để đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với bản chất của hoạt động giao dịch này.

Được biết, hiện Bộ Tài chính đang trong quá trình lấy ý kiến của các Bộ ngành có liên quan (Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) để tổng hợp, trình Chính phủ các phương án xử lý khi bãi bỏ Điều 35 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ giữa các hệ thống pháp luật và phù hợp với thực tiễn.

Trần Huyền

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/danh-gia-tong-the-de-sua-doi-quy-dinh-thu-tuc-hai-quan-voi-hang-hoa-xuat-nhap-khau-tai-cho.html