Đánh giá Subaru Forester 2016 - Kẻ phá đám xe sang

Với giá bán 1,666 tỷ đồng, Subaru Forester 2.0XT nằm giữa “chiếu trên” là những chiếc crossover hạng sang của Đức như Mercedes-Benz GLC, Audi Q5, BMW X3, và “chiếu dưới” là các mẫu cùng kích thước đến từ Nhật như Honda CRV, Mazda CX-5… Tuy nhiên, tính năng của Forester 2016 thì hoàn toàn không kém những mẫu xe ở “chiếu trên”.

Không lâu sau khi Forester 2016 dành cho khu vực Đông Nam Á được giới thiệu tại Bangkok Motorshow 2016, mẫu crossover cao cấp này cũng được Subaru Việt Nam (Motor Image) ra mắt thị trường trong nước.

Khác với các mẫu Forester lắp tại Malaysia (dành cho thị trường Malaysia và Thái Lan), Forester 2016 tại Việt Nam là bản 2.0XT được nhập khẩu trực tiếp từ Nhật Bản và mang trên mình động cơ mạnh mẽ hơn với hệ thống turbo. Bên cạnh phiên bản 2.0XT có giá bán 1,666 tỷ đồng này, Subaru Việt Nam vẫn tiếp tục phân phối phiên bản 2.0i-L với giá bán rẻ hơn là 1,445 tỷ đồng.

Trên thực tế thì ngay từ khi giới thiệu Subaru Forester thế hệ mới tại Việt Nam vào năm 2013, Subaru Việt Nam cũng đã phân phối bản 2.0XT với động cơ boxer tăng áp, hộp số vô cấp CVT, hệ thống dẫn động bốn bánh Symmetrical AWD kèm chế độ X-Mode, và phiên bản Forester 2016 đơn thuần là một bản nâng cấp (facelift). Nhưng các công nghệ trên Subaru Forester 2.0XT vẫn còn đầy hấp dẫn và giữ nguyên giá trị. Xedoisong.vn đã có cuộc trải nghiệm với phiên bản 2.0XT và nhận định rằng, đây là mẫu crossover 5 chỗ của Nhật có tính năng vận hành ấn tượng nhất trên thị trường hiện nay.

Động cơ boxer đối xứng phẳng, một công nghệ "đặc sản" của Subaru.

Một trong những đặc điểm công nghệ đáng chú ý và nổi bật nhất của Subaru đó là động cơ đối xứng phẳng Boxer. Hiện tại, trong ngành công nghiệp chỉ có Porsche và Subaru còn sử dụng công nghệ động cơ này. So với động cơ xi lanh thẳng hàng hoặc chữ V thì động cơ đối xứng phẳng ổn định, ít rung và có trọng tâm thấp hơn. Subaru Forester 2.0i-L cũng dùng động cơ Boxer 2.0 nhưng là phiên bản nạp tự nhiên. Với bộ tăng áp, Forester 2.0XT 2016 có công suất cực đại 241 mã lực, tức cao hơn bản 2.0i-L tới gần 100 mã lực. Đây là lý do lớn nhất khiến phiên bản Forester 2.0XT đắt hơn Forester 2.0i-L tới hơn 200 triệu đồng.

Hộp số được sử dụng trên Forester 2.0XT là hộp số tự động vô cấp CVT Lineartronic có 3 chế độ vận hành gồm Intelligent (I), Sport (S) và Sport Sharp (S#), tuy nhiên Subaru vẫn giả lập 8 cấp số cho loại hộp số này để tạo ra tính năng sang số bằng tay với lẫy chuyển số bố trí sau vô lăng. Kết hợp với động cơ boxer và hộp số CVT là hệ thống truyền động 4 bánh toàn thời gian đối xứng chủ động Symmetrical AWD, được điều khiển bởi hệ thống VDC và chế độ X-Mode, tất cả đều là các công nghệ mới nhất của Subaru vào thời điểm hiện tại.

Trên đường cao tốc, đặt hộp số ở vị trí D và chọn chế độ I, Subaru Forester 2.0XT tăng tốc rất mượt mà và ổn định. Vì sử dụng hộp số không có cấp số nên việc tăng tốc diễn ra đều, mạnh mẽ và không có quãng ngắt bởi quá trình chuyển số như ở các loại hộp số có cấp. Khi chuyển sang chế độ S và đặt biệt là S#, xe tăng tốc bốc hơn rất nhiều do sự biến thiên tỷ số truyền diễn ra chậm hơn, tốc độ quay của động cơ cao và duy trì lâu hơn.

Một điểm thú vị của Subaru Forester 2.0XT đó là sự hiện diện của đồng hồ tăng áp và độ mở của bướm ga trên màn hình đa năng. Mỗi khi đạp mạnh chân ga, độ mở của bướm ga biểu thị sự thay đổi từ 0 lên 100% và áp suất của bộ tăng áp cũng thay đổi từ -1 lên giá trị cực đại theo hai hình thức kỹ thuật số và analog, tạo nên cảm giác thể thao khác lạ cho người lái. Đây là đặc tính mà không có nhiều mẫu xe sử dụng động cơ turbo được trang bị, kể cả các mẫu xe sang của Đức.

Không chỉ ấn tượng với động cơ và hệ thống truyền động, Forester 2.0XT 2016 sử hữu một hệ thống treo rất đáng chú ý. Hãng xe Nhật cho biết là khi nâng cấp Forester thế hệ mới, họ đã cải tiến hệ thống treo để tạo ra sự thoải mái tối đa và tăng khả năng vận hành. Theo đó, độ cứng của lò xo giảm chấn phía trước tăng 10%, phía sau tăng 20%. Ngoài hệ thống treo, sườn xe cũng được gia cố để đảm bảo khả năng cách âm, cứng vững của toàn bộ thân xe. Quả thật bộ khung sườn và hệ thống treo của Forester mới thể hiện tính năng vận hành rất ấn tượng. Subaru Forester cho thấy sự đằm chắc, ổn định khi vào cua (một phần còn do trọng thấp của động cơ boxer) và tạo cảm giác thể thao, bám đường. Mặc dù các lò xo giảm chấn đều được thiết kế cứng hơn, nhưng vẫn tạo nên một cảm giác rất dễ chịu, chắc chắn mà không quá gắt và xóc khi đi trên đường gồ ghề hay mỗi lần lướt qua các vạch giảm tốc. Đánh giá một cách công bằng thì bộ khung gầm và hệ thống treo của Forester có đặc tính vận hành bỏ xa các mẫu xe cùng phân khúc xuất xứ từ Nhật, Hàn, và xứng đáng được đặt ngang tầm với các dòng crossover hạng sang.

Tuy nhiên, sự thú vị của việc điều khiển Subaru Forester 2016 không nằm ở những con đường cao tốc nhàn hạ mà ở những đoạn “off-road” như đường sỏi đá, gồ ghề, cát lún… bởi lúc này động cơ boxer, hộp số CVT, hệ thống dẫn động bốn bánh S-AWD và đặc biệt là sự can thiệp của hệ thống điện tử tinh vi mới bộc lộ rõ các giá trị thực sự của mẫu crossover 5 chỗ này.

Kích hoạt chế độ X-Mode, màn hình đa năng phía trên bảng điều khiển chuyển sang hiển thị hệ thống dẫn động bốn bánh. Đưa xe vào bãi cát và đạp đa, Forester 2.0XT mạnh mẽ tăng tốc. Bất kỳ lúc nào các bánh xe có dấu hiệu trượt, sơ đồ hệ thống dẫn động trên màn hình sẽ lập tức chớp nháy cho thấy các hệ thống điện tử đã can thiệp để khóa hãm bánh quay trơn. Subaru Forester 2016 truyền động tới cả bốn bánh qua hệ thống Symmetrical AWD và được điều khiển bởi hệ thống kiểm soát động lực VDC (Vehicle Dynamics Control), việc có thêm chế độ X-Mode khiến Symmetrical AWD và VDC hoạt động dường như hoàn hảo hơn nhiều. Theo Subaru thì tính năng X-Mode giúp hệ thống Symmetrical AWD và VDC can thiệp nhanh hơn, sớm hơn và chính xác hơn.

Tại những góc cua nhanh trên bãi cát, người lái có thể cảm nhận được một cách rất rõ ràng sự can thiệp liên tục của các hệ thống điện tử này qua tiếng gằn của các bánh quay trơn bị hệ thống VDC hãm phanh lại, tạo nên sự tin tưởng và một cảm xúc rất thú vị. Việc hãm phanh các bánh bị quay trơn không chỉ có tác dụng truyền phần lớn lực kéo sang bánh không bị quay trơn, giúp xe vượt lầy tốt hơn hẳn, mà còn có tác dụng giữ vững sự ổn định của thân xe, tránh tình trạng mất lái. Thực tế thì các hệ thống tương tự (có thể mang các tên gọi khác như DSC, ESP/TCS, VSA…) đều được tìm thấy trên các mẫu crossover hạng sang của Đức, nhưng theo người viết thì ngay cả ở những mẫu xe hạng sang này, thời điểm và các dấu hiệu can thiệp của những hệ thống này cũng không dễ dàng nhận biết được, và không tạo ra nhiều cảm giác thể thao địa hình như hệ thống VDC trên Subaru Forester.

Bên cạnh việc nâng cao khả năng phản ứng của hệ thống dẫn động 4 bánh và hệ thống VDC, chế độ X-Mode còn bổ sung cho Subaru Forester 2016 tính năng hỗ trợ đổ dốc. Kích hoạt X-Mode từ đỉnh dốc rồi thả phanh, bất kể con dốc cao thế nào, Forester sẽ hoàn toàn tự động đổ dốc, kiểm soát tốc độ xuống dốc bằng cách tự động hãm phanh mà người lái không cần can thiệp gì ngoài việc tập trung vào vô lăng.

Bản nâng cấp Subaru Forester 2016 không nhiều thay đổi về công nghệ cốt lõi, nhưng Subaru cũng đã nỗ lực làm mới mẫu xe này qua việc chỉnh sửa lại các đặc điểm thiết kế bên ngoài, bao gồm bộ lưới tản nhiệt với kiểu dáng lưới chuyển từ dạng lục giác thành dạng hình thoi, mâm xe được thay bằng loại nan kép, đèn hậu được chỉnh sửa thành hình chữ C, nhưng đáng kể nhất là phần nội thất rộng rãi, được thiết kế lại với sự xuất hiện của màn hình cảm ứng 7 inch.

Về mặt tiện ích, Subaru Forester 2.0XT được trang bị rất đầy đủ, gồm ghế lái chỉnh điện nhớ 2 vị trí, camera lùi, hệ thống điều khiển hành trình, cửa sổ trời, chìa khóa thông minh với tính năng khởi động bằng nút nhấn, ra vào xe không cần chìa và mở khóa xe bằng mã pin, cửa hậu đóng mở điện, dàn âm thanh cao cấp 8 loa hiệu Harman Kardon…

Và cuối cùng, một trong những ưu điểm nổi bật rất đáng được nhắc đến của Subaru Forester đó là tính năng an toàn. Mẫu crossover này được trang bị 7 túi khí, một loạt các hệ thống an toàn điện tử, kèm bộ khung thép gia cường bảo vệ người ngồi khi xảy ra va chạm. Tuy nhiên điểm khác lạ trong tính năng bảo vệ an toàn của Subaru Forester đó là việc hạn chế sự nguy hại của động cơ khi xảy ra va chạm trực diện. Với các loại động cơ chữ V hoặc I, khi tông trực diện, động cơ có thể bị ép vào cabin gây thương tích cho hành khách, nhưng hình dạng thấp, dẹp của động cơ boxer đối xứng phẳng kết hợp với cơ chế tách rời động cơ và hộp số, cho phép loại động cơ này bị đẩy xuống gầm để bảo vệ hành khách thay vì ép vào cabin khi xảy ra tai nạn.

Xét về mức giá, Subaru Forester 2016 thấp hơn một bậc so với các mẫu xe crossover hạng sang cùng kích thước đến từ Đức như Mercedes-Benz GLC 250 4MATIC (1,769 tỷ đồng), BMW X3 xDrive 2.0 (2,063 tỷ đồng), Audi Q5 (2,15 tỷ đồng), đồng thời lại cao hơn các mẫu xe cùng dòng đến từ Nhật như Honda CRV (1 tỷ đồng cho bản 2.0 và 1,16 tỷ đồng cho bản 2.4), Mazda CX-5 AWD 2.0 (1,09 tỷ đồng)… Sự chênh lệch về giá bán giữa “chiếu dưới” và “chiếu trên” là rất lớn, quanh 1 tỷ so với quanh 2 tỷ, nên cả Subaru Forester 2.0i-L và 2.0XT đều nằm lọt giữa hai “chiếu” này, nhưng với giá bán tới 1,666 tỷ đồng thì sẽ hợp lý hơn nếu xếp Forester 2.0XT 2016 vào “chiếu trên”. Tuy nhiên, việc đặt phiên bản 2.0XT vào “chiếu trên” không chỉ đơn thuần vì giá bán; các trang bị, công nghệ và tính năng vận hành nổi bật như vừa kể trên cho thấy mẫu xe này bỏ xa các đối thủ ở “chiếu dưới”, và hoàn toàn xứng đáng được xếp vào nhóm “chiếu trên”, đặt ngang hàng với các mẫu xe sang của Đức.

Nếu buộc phải chọn cho Subaru Forester 2.0XT một đối thủ thì Mercedes-Benz GLC 250 4MATIC vừa ra mắt có vẻ như là đối gần nhất xét về nhiều mặt. Tuy nhiên, bản thân Subaru thường né tránh và hiếm khi nào quảng bá các sản phẩm của mình là những chiếc xe hạng sang, mà thường chỉ nói là dòng xe cao cấp, hướng đến nhóm khách hàng chú trọng tới các giá trị thực sự của chiếc xe, yêu cảm giác lái và thích trải nghiệm xe. Kiểu dáng thiết kế Subaru Forester cũng không thực sự bắt mắt, sành điệu và thời trang như các mẫu xe sang hào nhoáng, nhưng Forester vẫn đang âm thầm lôi kéo khách hàng từ “chiếu trên”. Đây hẳn là những khách hàng hiểu rõ các giá trị ngầm của thương hiệu Subaru, vốn chưa được biết đến một cách rộng rãi ở Việt Nam.

Nguồn Xe Đời Sống: http://xedoisong.vn/thu-xe/danh-gia-subaru-forester-2016-ke-pha-dam-xe-sang-14193.html