Đánh giá PC chuyên game Asus ROG GT51

Cận cảnh PC chuyên game Asus ROG GT51 giá 60 triệu đồng Ngắm bàn phím chuyên game Asus ROG Claymore Đánh giá card đồ họa Asus RX 480 Strix Gaming OC 8GB Đánh giá bo mạch chủ dành cho game thủ Asus H170 Pro Gaming Đánh giá bo mạch chủ Biostar Racing Z170GT7

Cận cảnh PC chuyên game Asus ROG GT51 giá 60 triệu đồng Ngắm bàn phím chuyên game Asus ROG Claymore Đánh giá card đồ họa Asus RX 480 Strix Gaming OC 8GB Đánh giá bo mạch chủ dành cho game thủ Asus H170 Pro Gaming Đánh giá bo mạch chủ Biostar Racing Z170GT7

Có một số game thủ yêu thích tự chọn linh kiện để lắp ráp chiếc PC chơi game của mình, nhưng cũng có không ít game thủ chuyên nghiệp chọn PC chuyên game thiết kế sẵn từ những thương hiệu lớn.

Kỳ này, PC World Vietnam mời bạn đọc cùng trải nghiệm hiệu năng PC chuyên game Asus ROG GT51 . Sản phẩm có giá bán tham khảo ở mức 60 triệu đồng.

Bắt mắt ngay từ cái nhìn ban đầu

Dù khoác kiểu thiết kế thùng máy hình tháp truyền thống nhưng Asus ROG GT51 đập ngay vào mắt người xem cảm giác như đang đối diện với một con quái vật ngoài hành tinh bởi kiểu cách vỏ ngoài góc cạnh hầm hố với tông màu đen nhám chủ đạo.

Thêm vào đó, dọc 2 khe mặt trên được thiết kế như sống mắt dài, tô vẽ thêm bằng 2 điểm nhấn là nút nguồn Power và nút ép xung nhanh Turbo Gear bố trí đối xứng ở mỗi bên. Rất ấn tượng!

Phiên bản Asus ROG GT51 mà Test Lab thử nghiệm có tên mã GT51CA, trang bị bộ xử lý Intel Core i7-6700K (ép xung sẵn ở tốc độ 4GHz) đã được Asus thử nghiệm liên tục suốt 40 giờ và có hiệu năng cao hơn mẫu nguyên bản của Intel khoảng 14%. Theo Asus, khi game thủ nhấn nút ép xung nhanh Turbo Gear thì CPU có thể đạt ngay đến tốc độ 4,6GHz mà chẳng cần phải khởi động lại máy tính. Dĩ nhiên, nhà sản xuất phần cứng cũng đã trang bị sẵn giải pháp tản nhiệt chất lỏng Hydro Overclocking System để đảm bảo bộ xử lý hoạt động ổn định trong chế độ ép xung.

CPU Intel Core i7-6700K.

Trang bị card đồ họa NVIDIA GeForce GTX 1080 , “quái vật chuyên game” Asus ROG GT51 hỗ trợ chơi game tốt ở độ phân giải 4K và mang đến cơ hội trải nghiệm công nghệ thực tế ảo VR ngay lập tức. Mặt khác, không chỉ mang đến sức mạnh đồ họa, card đồ họa NVIDIA GeForce GTX 1080 còn hỗ trợ công nghệ G-Sync, cho hình ảnh mượt mà khi chơi game bằng Asus ROG GT51, xóa cảm nhận sự giật, xé hình thường thấy ở những PC chơi game khác. Chi tiết các phép đo xin mời bạn đọc tham khảo chi tiết ở phần sau của bài đánh giá này.

Thông số GPU NVIDIA GeForce GTX 1080.

Về giải pháp lưu trữ, Asus ROG GT51 kết hợp cả ổ SSD tốc độ cao SK Hynix 240GB lẫn ổ HDD truyền thống dung lượng lớn Toshiba 2TB, không chỉ tăng tốc khởi động Windows 10 (bản Home 64-bit) nhanh mà còn cho phép game thủ thoải mái cài đặt nhiều game dung lượng lớn vào máy. Đặc biệt hơn, ổ SDD dùng giao tiếp NVMe PCIe Raid 0 cho tốc độ đến 3,2Gbps, nhanh hơn gấp 6 lần ổ SDD dùng giao tiếp SATA thông thường.

Nhằm đáp ứng nhu cầu chuyển dữ liệu nhanh giữa bộ xử lý và ổ lưu trữ, Asus ROG GT51 trang bị bộ nhớ Samsung 32GB DDR4 2.133MHz (2 thanh 16GB), gấp đôi gấp tư yêu cầu RAM của nhiều trò chơi 'sát phần cứng'.

Hiệu năng chiến game cực đỉnh!

Với cấu hình như trên, Test Lab xây dựng kịch bản thử nghiệm Asus ROG GT51 bằng các game ở độ phân giải 4K (3.840x2.160), tần số quét màn hình 60Hz cùng với thiết lập đồ họa mức cao nhất, bỏ qua luôn các độ phân giải QHD (2.560x1.440) hay FHD (1.920x1.080).

Test Lab trực tiếp chạy trò chơi Doom (2016) ở độ phân giải 4K với thiết lập đồ họa cao nhất Ultra, theo dõi tốc độ khung hình mỗi giây (fps) bằng cả phần mềm Fraps và phép đo tích hợp trong game, ở những cảnh cận chiến màu mè lẫn nã đạn shotgun nổ ác liệt, Asus ROG GT51 “cân” Doom đạt tốc độ thấp nhất là 45fps, còn lại đều đạt mức 50-70fps, dĩ nhiên những cảnh nhẹ nhàng thì từ 71fps trở lên. Một kết quả quá tuyệt vời cho cảm giác trải nghiệm một trò chơi bắn súng nghẹt thở đầy quái vật trên màn hình to 4K, không ngừng thăng hoa cảm hứng vì khung hình quá mướt!

Mời bạn đọc xem và tải ảnh chụp màn hình 4K (screenshot) tại đây để cảm nhận độ nét của game và sự chuyển hình mờ ảo trong cảnh chơi.

Đối với những fan mê bắn súng, chắc hẳn sẽ không ít người có thể bỏ qua cảm giác ngồi trên trực thăng và nhả đạn liên tục vào đối thủ bên dưới. Test Lab đã chọn cảnh chơi hấp dẫn như thế trong Fallout 4 (thiết lập đồ họa mức cao nhất Ultra) khi phe Brotherhood of Steel bắn nhau với tộc Super Mutant nhằm chiếm quyền kiểm soát căn cứ Fort Strong.

Thực tế, dù game bị hạn chế ở mức 60fps trên màn hình 4K mà Test Lab thử nghiệm nhưng tốc độ khung hình mỗi giây bám rất sát mức 60fps, dao động từ 52-57fps và rất ít khi tụt dưới mức 50fps.

Còn những tựa game đỉnh khác thì ra sao?

Thử nghiệm trò chơi Rise of the Tomb Raider ở 2 thiết lập đồ họa High và Very High, mức chênh lệch giữa các cảnh chơi không quá 3-8fps. Thậm chí trong các phép đo mà Test Lab đã thực hiện, cảnh chơi “bèo nhất” ở cả 2 thiết lập đồ họa nói trên cũng đạt trên 31fps, còn đo trung bình thì game đạt tốc độ khung hình tối thiểu 43fps ở thiết lập cao nhất Very High.

Chơi Rise of the Tomb Raider trung bình trên 43fps ở các phép thử.

Điều đó đánh bật lên rằng dù rằng game thủ có điều khiển Lara Croft đứng cô đơn trên núi tuyết hay lách mình qua những khe hẹp, thì những chuyển động đó cũng hết sức nhịp nhàng và uyển chuyển. Mặt khác, người chơi vẫn được chiêm ngưỡng nét đẹp đồ họa tối đa với 4K khi ánh nắng chiếu xuyên qua những khe hở tạo thành vệt sáng tối dài nổi bật, hay giọt nước lăn dài trên gương mặt nhân vật… hệt như đang xem cảnh kỳ bí trong một bộ phim điện ảnh Hollywood.

Trong trò chơi nhập vai khó chịu “đầu gấu” Dragon Age: Inquisition, ở thiết lập đồ họa cao nhất Ultra, Asus ROG GT51 vẫn đảm đương trọng tránh “gánh hình” rất tốt cho những cảnh chiến đấu nhóm phức tạp nhiều đòn phép với tốc độ dựng hình trung bình đạt 36,3fps. Trong những cảnh chơi thực tế, tốc độ dựng hình trong game luôn đạt trên mức 40fps.

Chinh phục thực tế ảo VR

Để đo độ tương thích với 2 thiết bị thực tế ảo HTC Vive và Oculus Rift, Test Lab sử dụng phần mềm VRMark mới vừa được hãng FutureMark tung ra thị trường.

Asus ROG GT51 vượt trên mong đợi ở phép thử VRMark Orange Room.

Ở phép thử VRMark Orange Room, Asus ROG GT51 đạt chuẩn Super với số điểm 9.371, gấp 250% cấu hình tối thiểu chạy Oculus Rift, vượt luôn 10% so với cấu hình Premium high-end PC (PC cao cấp chuyên dụng). So với tốc độ dựng hình mục tiêu mà FutureMark đặt ra chỉ khoảng 109fps thì tốc độ dựng hình trung bình của Asus ROG GT51 đạt đến 204,29fps, gấp đôi so với yêu cầu. Quả thật là hiệu năng trải nghiệm VR của “quái vật chuyên game” từ Asus quá tuyệt vời! Rõ ràng bất kỳ game thủ nào sở hữu Asus ROG GT51 sẽ thoải mái trải nghiệm game VR mà không cần phải đắn đo suy nghĩ hiệu năng!

Trong phép thử “dự bị” VRMark Blue Room nhằm định hướng cho các thiết bị VR trong tương lai mà FutureMark giả định, Asus ROG GT51 đạt 2.201 điểm, gấp 300% cấu hình tối thiểu chạy Oculus Rift.

Kết quả đo bằng VRMark Blue Room.

Nhận xét

Được “đóng thùng” hàng loạt công nghệ tân tiến và những linh kiện cao cấp, Asus ROG GT51 là giải pháp tuyệt vời cho những game thủ cần sức mạnh chinh phục game cao cấp, xứng đáng với mức giá sở hữu chiếc PC này. Mặt khác, với dáng vẻ cực kỳ bắt mắt ngay từ bên ngoài, “quái vật chuyên game” hạng nặng Asus ROG GT51 xứng đáng được đặt trong phòng khách nhằm phô diễn sự sành điệu của vị chủ nhân.

Nếu còn đang “ngán” đồ họa của một trò chơi nào đó, bạn đừng ngần ngại tậu ngay Asus ROG GT51 để chiến game nhé!

Nguồn PC World: http://pcworld.com.vn/articles/preview/2016/11/1250419/danh-gia-pc-chuyen-game-asus-rog-gt51/