Đánh giá kỹ tình hình, có giải pháp thiết thực, khả thi gỡ khó cho hoạt động sản xuất kinh doanh

Trong số 26 phát biểu và tranh luận của đại biểu Quốc hội trong phiên đầu tiên thảo luận ở hội trường về các nội dung liên quan đến kinh tế-xã hội chiều 31.10, đa số ý kiến đều thống nhất, đánh giá cao công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng những kết quả, thành tựu đã đạt được trong lĩnh vực kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2023 và nửa nhiệm kỳ vừa qua. Tuy nhiên, nhiều đại biểu thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, tồn tại, nút thắt đang cản trở việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp mà Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra; đề nghị cần đánh giá kỹ tình hình, có những giải pháp đột phá để giải quyết dứt điểm những tồn tại, hạn chế, nút thắt đã chỉ ra, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của năm 2024 và trong nửa nhiệm kỳ còn lại.

ĐBQH Phạm Đình Thanh (Kon Tum): Làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm, đề ra giải pháp phù hợp

Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra 6 quan điểm chỉ đạo điều hành, 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp.

Đại biểu Quốc hội Phạm Đình Thanh (Kon Tum) phát biểu tại hội trường

Tôi đề nghị, Chính phủ chỉ đạo đánh giá kỹ hơn để làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm, đề ra giải pháp phù hợp đối với 5 chỉ tiêu ước cả năm 2023 không đạt mục tiêu đề ra, nhất là chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng năng suất lao động xã hội 3 năm liên tiếp không đạt mục tiêu đề ra. Có giải pháp thiết thực để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện nay đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, đóng góp tích cực cho ngân sách nhà nước, tạo nhiều việc làm và tăng thu nhập cho người lao động.

Về an sinh xã hội, đề nghị sớm chỉ đạo hoàn thành việc rà soát, tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ về y tế, giáo dục, bảo hiểm y tế cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, thu nhập thấp đã bị cắt các chính sách này do việc điều chỉnh danh sách các xã, thôn, khu vực khó khăn, khu vực đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Vấn đề này Quốc hội đã có ý kiến kết luận tại Nghị quyết Kỳ họp thứ Hai, Nghị quyết Kỳ họp thứ Ba và Nghị quyết 100 về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV nhưng đến nay chưa được thực hiện hoàn thành.

Về lĩnh vực giáo dục, hiện nay việc biên soạn, in ấn, phát hành tài liệu giáo dục địa phương theo Luật Giáo dục năm 2019 gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, kể cả trường hợp tài liệu giáo dục địa phương đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt nhưng vẫn chưa thể in ấn phát hành vì một số vướng mắc liên quan đến Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Xuất bản; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Giá và Luật Đấu thầu. Do đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan khẩn trương triển khai thực hiện nội dung Nghị quyết 868 ngày 18.9.2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông, kịp thời ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục 2019, ban hành quy định về thực nghiệm phê duyệt sách giáo khoa, hướng dẫn việc in và phát hành tài liệu giáo dục địa phương.

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

ĐBQH Tô Ái Vang (Sóc Trăng): Ưu tiên khuyến khích nhà khoa học chuyển gen công nghệ sinh học, lai tạo phát triển giống cây trồng mới

Thời gian qua, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết thể hiện sự quan tâm rất lớn đến chính sách “tam nông”. Vì là một nước nông nghiệp nên Việt Nam rất dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu, tuy nhiên, ngành nông nghiệp đã tìm ra nhiều giải pháp ứng phó hiệu quả để sản lượng lúa cả nước duy trì sản lượng tốt. Đặc biệt, năm 2023 đạt trên 43 triệu tấn, bảo đảm nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Song thu nhập từ nông nghiệp vẫn còn có sự chênh lệch giữa các vùng, thu nhập của nông dân vẫn còn thấp trước yêu cầu của cuộc sống.

Đại biểu Quốc hội Tô Ái Vang (Sóc Trăng) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Lâm Hiển

Từ 3 mục tiêu của chính sách “tam nông” hướng đến, đó là chất lượng cuộc sống nông dân, nông nghiệp hiện đại và nông thôn văn minh, tôi nhận thấy, trong mục tiêu đầu tiên, về chất lượng cuộc sống nông dân, với quy trình trồng lúa có 8 bước cơ bản và mỗi bước có nhiều công đoạn, ứng với mỗi công đoạn là khó khăn nông dân gặp phải. Từ chất lượng lúa, giống lúa, tác động của thời tiết, ảnh hưởng của dịch hại, giá cả vật tư đầu vào và chi phí lao động, lực lượng lao động, ngay cả đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Nhiều phân tích của các chuyên gia cho biết, quá trình từ hạt lúa giống đến hạt lúa sản phẩm đã bị chia lợi nhuận thành nhiều phần. Từ việc làm đồng đến chọn giống, phân bón, thuốc trừ sâu, thậm chí ghi sổ nợ đến cuối vụ trả lãi. Bên cạnh đó, hạt lúa từ ruộng qua nhiều khâu trung gian như thương lái, cơ sở xay xát, vỡ lúa mới đến điểm thu mua của doanh nghiệp nhà nước. Những công đoạn này bị khấu trừ từ 5 - 10% giá thành thu mua lúa. Trong khi giá mua trong hoạt động kinh doanh và xuất khẩu gạo chưa rõ ràng, minh bạch. Ngoài ra, có nhiều trường hợp nông dân bị thương lái viện nhiều lý do để ép giá.

Từ thực trạng trên, kiến nghị Chính phủ ưu tiên tiếp tục khuyến khích nhà khoa học nông nghiệp chuyển gen công nghệ sinh học, công nghệ lai tạo phát triển giống cây trồng mới cho năng suất cao, chịu hạn mặn, sâu bệnh, được kiểm định và quản lý chặt chẽ, cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn và cấp mã vùng trồng, công bố chất lượng kết hợp chỉ dẫn địa lý để nông dân có sự lựa chọn. Sớm đầu tư và vận hành hệ thống kho dự trữ lúa gạo với đầy đủ trang thiết bị đặt tại 3 vùng trồng lúa tập trung của cả nước để bảo đảm chất lượng lúa gạo sau thu hoạch, có chính sách trợ giá để bình ổn giá lúa gạo cho nông dân, mức giá thu mua cần tính đủ các mức chi phí thành phần, bảo đảm nông dân có lãi trên 30%. Chính phủ phân công các bộ, ngành liên quan chịu trách nhiệm dự báo thị trường, xúc tiến thương mại, quản lý để bảo đảm vùng trồng lúa. Vào các đợt cao điểm mùa vụ, nông dân phải chịu giá các loại phân bón, giá thuốc bảo vệ thực vật tăng mạnh, rất cần doanh nghiệp phát huy trách nhiệm xã hội, tối đa công suất, hạ giá thành bằng cách giảm các chi phí, giảm các đầu mối trung gian phân phối phân bón, ưu tiên trước hết cho sản xuất nông nghiệp trong nước và sau đó mới tính tới xuất khẩu. Vì thế, Chính phủ nên áp dụng chính sách thuế linh hoạt theo biểu thuế tự động...

ĐBQH Trần Văn Khải (Hà Nam): Có chính sách đột phá, khắc phục hạn chế, nút thắt cản trở phát triển nguồn nhân lực

Đại hội XIII của Đảng tiếp tục xác định phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một đột phá chiến lược, là yếu tố quyết định đẩy mạnh phát triển ứng dụng khoa học công nghệ, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và lợi thế cạnh tranh quan trọng nhất, bảo đảm cho phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong thời gian vừa qua, việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đã đạt được những kết quả nhất định. Nhờ đó, trong giai đoạn vừa qua, dù có nhiều khó khăn, nhưng tốc độ tăng trưởng GDP bình quân vẫn đạt 6%/ năm. Chất lượng tăng trưởng được cải thiện, năng suất lao động tăng từ 4,3%/năm giai đoạn 2011-2015 lên 6%/năm, giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, thực trạng về nguồn nhân lực và năng suất lao động ở nước ta sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết của Đại hội XIII của Đảng còn nhiều tồn tại, hạn chế.

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Khải (Hà Nam) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Lâm Hiển

Theo báo cáo của Chính phủ, chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế, vẫn chưa có chuyển biến rõ nét, chưa thực sự là động lực đột phá để phát triển kinh tế - xã hội; cơ cấu ngành nghề được đào tạo chưa bám sát và nhu cầu của thị trường lao động, nhất là lao động trong các ngành nghề kinh tế mới, thiếu nhân lực trong các ngành kinh tế mũi nhọn, các ngành phục vụ kinh tế số…

Khi nguồn nhân lực chất lượng cao là chìa khóa cho sự phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và là lợi thế cạnh tranh thì hiện nay chúng ta có những gì hay mới chỉ bắt đầu?

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ riêng lĩnh vực chip bán dẫn dự báo nước ta cần đào tạo khoảng 50 đến 100.000 nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp bán dẫn giai đoạn 2025-2030. Điều này cho thấy sự khát nguồn nhân lực chất lượng cao như thế nào. Vậy chúng ta sẽ làm gì để phát triển nguồn nhân lực và tăng năng suất lao động cho bước đi tiếp theo ngay trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2023-2025? Khi quan hệ Việt - Mỹ được nâng cấp sẽ mở ra cơ hội lớn cho ngành sản xuất quan trọng, ngành sản phẩm cốt lõi của công nghệ cao, sống còn của thế giới hiện đại, như chất bán dẫn, chip, kim loại hiếm.

Tuy nhiên cho dù chúng ta thiện chí đến đâu, đầu tư hạ tầng nhà xưởng sẵn sàng thế nào, nhưng nếu chưa có ổ lót là lao động chất lượng cao, chuyên sâu chuyển đổi và năng suất lao động được cải thiện thì làm sao “đại bàng” công nghệ có thể “hạ cánh” và “đẻ trứng vàng” cho chúng ta? Rõ ràng, nhiệm vụ lớn cấp thiết nhất của chúng ta hiện nay là phải có chính sách đột phá, khắc phục cho được những tồn tại, hạn chế đang là rào cản, nút thắt cản trở sự phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Tôi tin rằng, Việt Nam sẽ khác biệt và thịnh vượng hơn trong kỷ nguyên số, nếu chúng ta kịp thời có những chính sách đột phá phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Để làm được điều này, tôi đề nghị, báo cáo của Chính phủ cần phân tích, làm rõ hơn nữa thực trạng khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân, trách nhiệm và đề xuất các giải pháp hết sức cụ thể, khả thi đối với việc phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, cải thiện rõ rệt năng suất lao động tạo ra chuyển biến rõ rệt trong thời gian tới. Những nội dung vượt thẩm quyền đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.

Đề nghị Quốc hội khẩn trương có giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về lao động, phát triển nguồn lực lao động và năng suất lao động. Trên cơ sở đó, ban hành nghị quyết chuyên đề của Quốc hội về chính sách đặc thù, đột phá định hướng đặt mục tiêu, lộ trình, lĩnh vực, nguồn vốn đầu tư nhằm thực hiện thành công chủ trương của Đảng.

Đề nghị Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng tiếp tục quan tâm, chỉ đạo, định hướng kịp thời các chính sách đột phá nhằm phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời gian tới.

Nguyễn Vũ lược ghi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-quoc-hoi-va-cu-tri/danh-gia-ky-tinh-hinh-co-giai-phap-thiet-thuc-kha-thi-go-kho-cho-hoat-dong-san-xuat-kinh-doanh-i348238/