Đánh bạn ngất rồi chườm đá cho tỉnh để đánh tiếp: Đạo đức học sinh quá suy đồi?

Dư luận hoang mang, phẫn nộ trước sự việc một nữ sinh bị đánh hội đồng đến bất tỉnh, bạn chườm đá, mua sữa cho uống để tỉnh, rồi đánh tiếp.

Nhóm nữ sinh dã tâm đánh bạn kiểu côn đồ

Thông tin trên báo chí cho biết, ngày 28/2/2023, em T.T.Y.N., học sinh lớp 6B, Trường Trung học cơ sở Quảng Đại (thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa) bị nhóm bạn đánh hội đồng, phải quỳ gối khóc thảm thiết.

Qua xác minh, cơ quan chức năng cho biết, nhóm học sinh tham gia đánh nữ sinh N. gồm: Lê Thị Ngân Q. (lớp 6A), Lê Thị Kim Ng. (lớp 7A), đều học tại Trường Trung học cơ sở Quảng Hùng; Đoàn Thị Trinh Th., (lớp 6) và Nguyễn Thị Vân A. (lớp 8), đều học tại Trường Trung học cơ sở Quảng Hải (thành phố Sầm Sơn); Cao Thị Yến N. (đã bỏ học).

Anh T.V.S. (bố nữ sinh N.) cho biết, khi xem các đoạn clip lan truyền trên mạng xã hội Facebook anh như rụng rời tay chân, đau đến đứt ruột gan. "Các nữ sinh nhốt con tôi tại nhà rồi thay nhau đánh. Gần 40 phút tại căn nhà, có lúc con tôi ngất, các nữ sinh này lại lấy đá chườm vào mặt cho tỉnh, rồi mua sữa cho uống, đợi con tôi tỉnh lại, đánh tiếp", anh S. kể lại.

Thời gian qua, việc học sinh đánh nhau xảy ra như cơm bữa, với tính chất ngày càng nghiêm trọng. Gõ từ khóa "học sinh đánh nhau", Google cho ra kết quả tìm kiếm khoảng 167.000.000 kết quả (0,34 giây), cho thấy mức độ học sinh đánh nhau đã trở thành một trong những hiện trạng bạo lực học đường đáng báo động.

Vụ việc em T.T.Y.N. bị đánh đến bất tỉnh không phải là cá biệt. Vụ ít nghiêm trọng thì học sinh cũng sứt đầu mẻ trán, nhiều vụ các em phải vào bệnh viện điều trị, thậm chí một số vụ gây tử vong. Nhưng, sự việc nữ sinh T.T.Y.N. (Thanh Hóa) bị đánh hội đồng đến bất tỉnh, bạn chườm đá, mua sữa cho uống để tỉnh, rồi đánh tiếp đã khiến dư luận hoang mang, bất bình, phẫn nộ.

Học sinh chỉ mới 12 tuổi (lớp 6) nhưng các em đã thể hiện bản chất côn đồ, xem thường mạng sống người khác. Những nữ sinh này có hành vi quá hung ác khi tham gia đánh hội đồng bạn đến ngất xỉu.

Không những đánh đập, lăng nhục bạn cùng trang lứa, nhóm học sinh còn có biểu hiện dã tâm qua hành động chườm đá, mua sữa cho bạn uống để tỉnh, rồi đánh tiếp.

Học sinh bị bỏ rơi trong hành trình "tự lớn"

Theo Tiến sĩ Vũ Thu Hương (Hà Nội), học sinh đánh hội đồng, xé quần áo của bạn, quay clip để hạ nhục bạn… đã xảy ra khá nhiều trong giới học trò. Nguyên nhân đầu tiên là các em thiếu sự quan tâm dạy dỗ của gia đình.

Với tâm lý bao bọc, bênh vực con cái, các phụ huynh đã hầu như không dạy dỗ rèn dũa các tác phong, cách hành xử cho con. Khi các gia đình buông lỏng việc giáo dục đạo đức cho con em mình, điều đáng lo ngại là sự xuống cấp trong giáo dục đạo đức tại nhà trường.

"Đã có một vài vụ việc giáo viên bạo hành học sinh xảy ra trong nhà trường khiến các phụ huynh bất an. Điều đáng tiếc là các phụ huynh và cộng đồng mạng xã hội sau đó lại quy chụp tất cả các vụ việc phạt học sinh khác đều là bạo hành và họ lên tiếng phản đối, thậm chí chửi bới, hạ nhục, kiện cáo các giáo viên.

Chính hiện trạng này đã khiến các giáo viên hoảng sợ. Họ không dám sử dụng các biện pháp giáo dục đạo đức cho học sinh, đặc biệt là không dám sử dụng các hình phạt cho học sinh. Đã có không ít các học sinh nắm được điểm yếu này của giáo viên và có những cách hành xử vô lễ, thậm chí là vô văn hóa với người dạy dỗ mình", Tiến sĩ Vũ Thu Hương thẳng thắn nhìn nhận.

Bàn về vấn nạn sinh đánh nhau, thầy Phan Anh, giáo viên ở Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, phụ huynh và giáo viên là những người phải chịu trách nhiệm trước tiên.

"Nhiều phụ huynh phải mưu sinh, ít có điều kiện gần gũi với con, trong khi các em ở lứa tuổi từ 13 đã có hiện tượng "nổi loạn". Cha mẹ đi làm, con cái đi học cả ngày, tối về mạnh ai nấy lướt điện thoại thì làm sao các thành viên có sự chia sẻ, cảm thông. Cũng cần nói thêm, nhiều gia đình có bố mẹ li hôn, các em thiếu tình thương, sự quan tâm, dạy dỗ từ đấng sinh thành dẫn đến hành động côn đồ, bộc lộ tính cách không được uốn nắn rèn dũa. Thêm vào đó là tự do thể hiện bản thân dẫn tới vi phạm pháp luật.

Ở trường, giáo viên bận rộn và kiêm nhiệm khiến thầy cô không còn nhiều thời gian quan tâm đến đời sống, tâm tư tình cảm của học sinh. Chưa kể, với đồng lương eo hẹp, sau giờ dạy nhiều giáo viên còn phải làm nghề "tay trái" để mưu sinh nên có hiện tượng học sinh bị bỏ rơi trong tuổi "tự lớn", phơi bày sự hoang dã trong tính nết, thích thể hiện và thiếu hiểu biết luật pháp, thiếu tình thương yêu con người.

Nếu gia đình và giáo viên chủ nhiệm phối hợp tốt với nhau để uốn nắn, dạy dỗ thì sẽ hạn chế đến mức thấp nhất việc học sinh đánh nhau đáng báo động như hiện nay", thầy Phan Anh khẳng định.

Ly Hương

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/danh-ban-ngat-roi-chuom-da-cho-tinh-de-danh-tiep-dao-duc-hoc-sinh-qua-suy-doi-17923030615271656.htm