Đằng sau vụ cướp biển Somalia thả 26 con tin Châu Á

* CÓ CON TIN NGƯỜI VIỆT NAM

(Cadn.com.vn) - Các thủy thủ trên tàu Naham 3 được trả tự do là công dân các quốc gia gồm Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Campuchia và Indonesia.

AFP ngày 23-10 đưa tin: Nhóm cướp biển Somalia hôm 22-10 phóng thích 26 con tin người Châu Á sau gần 5 năm bắt cóc họ trên Ấn Độ Dương. Trong số những người được thả có thủy thủ người Việt Nam.

Tàu Naham 3 neo ngoài khơi bờ biển Somalia vào năm 2013 sau khi bị cướp biển tấn công.
Ảnh: Reuters/OBP

18 tháng thương lượng nguy hiểm

“Chúng tôi rất vui mừng thông báo việc thả tự do cho các thủy thủ đoàn tàu Naham 3”, ông John Steed, Điều phối viên của Chương trình Đối tác hỗ trợ con tin (HSP) cho biết.

Điều phối viên Steed, một đại tá quân đội Anh đã nghỉ hưu, là người thực hiện sứ mệnh thương lượng giải cứu “các con tin bị lãng quên”. Ông cho biết, các cuộc thương lượng với bọn cướp biển diễn ra trong 18 tháng qua với sự tham gia hòa giải của chính quyền, các bộ tộc và các nhà lãnh đạo tôn giáo. Ông từ chối giải thích các chi tiết chính xác cũng như không nói rõ số tiền chuộc phải trả cho bọn cướp biển là bao nhiêu, nhưng cho biết con đường đi để các con tin được giải thoát là “đầy hiểm nguy và mang nặng hình ảnh chủ nghĩa anh hùng”. “Việc thả tự do cho các thủy thủ đoàn tàu Naham 3 đánh dấu chấm dứt giam giữ những con tàu bị bắt cóc trong thời kỳ hoành hành đỉnh cao của cướp biển Somalia”, ông Steed cho biết thêm.

29 thủy thủ đoàn của tàu Naham 3, mang cờ Oman, bị bắt giữ hồi tháng 3-2012 tại khu vực gần quần đảo Seychelles, vùng biển tiếp giáp giữa ba lục địa Á-Âu-Phi và thường xuyên xảy ra các vụ tấn công của cướp biển. Trong vụ tấn công gây chấn động này, thuyền trưởng tàu Naham 3 bị sát hại trong khi 2 thủy thủ khác thiệt mạng trong thời gian bị giam giữ từ đó đến nay. Đây là vụ bắt cóc có thời gian giam giữ lâu thứ hai trong lịch sử cướp biển Somalia.

Đường về trắc trở

Tuy nhiên, ông cho biết, nhiệm vụ đưa những thủy thủ đoàn trở về nhà đang gặp trở ngại.

Theo nguồn tin, những con tin nói trên sẽ được đưa đến thủ đô Nairobi của Kenya, để từ đó trở về quê nhà. Tuy nhiên, bước đi đầu tiên: việc đưa họ ra khỏi thành phố Galkayo, nơi giao tranh đang bùng phát dữ dội, là rất khó khăn. “Đang xảy ra đụng độ ở Galkayo. Các bên vẫn đang đấu pháo hạng nặng. Các cuộc đụng độ đã khiến ít nhất 11 người thiệt mạng và hơn 50.000 người phải di dời trong tháng này. Vì vậy, việc đưa người ra khỏi đây vào lúc này là rất nguy hiểm. Chúng tôi sẽ lập tức khởi hành nếu xung đột tạm ngừng. Họ sẽ được đưa đến Nairobi để kiểm tra sức khỏe”, điều phối viên Steed nói. Ông cho biết, các thủy thủ đoàn đều bị suy dinh dưỡng, ngoài ra có 1 con tin bị vết thương đạn bắn vào chân mình, 1 người bị đột quỵ và 1 người khác mắc bệnh tiểu đường.

Cướp biển Somalia trở thành mối đe dọa lớn đối với hệ thống vận tải quốc tế, thúc đẩy sự can thiệp của LHQ, Liên minh Châu Âu (EU) và NATO. Trong năm 2012, cướp biển Somalia gây tổn hại nền kinh tế toàn cầu khoảng 6,1 tỷ USD. Ở thời điểm đỉnh cao hoành hành, trong tháng 1-2011, cướp biển Somalia bắt giữ 736 con tin và 32 tàu thuyền. Trong khoảng 3 năm trở lại đây, số vụ tấn công của cướp biển Somalia suy giảm đáng kể do sự hiện diện của nhiều tàu quân sự quốc tế cũng như việc thuê dịch vụ bảo vệ của các Cty an ninh tư nhân.

Khả Anh

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_156552_da-ng-sau-vu-cuo-p-bie-n-somalia-tha-26-con-tin-ch.aspx