Đằng sau chuyến công du Hy Lạp của ông Tập Cận Bình

Chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Athens lần này đang trở thành tâm điểm chính trị ở Châu Âu, vì đây là chuyến thăm đầu tiên của một người đứng đầu nhà nước quốc gia Châu Á này đến Hy Lạp trong hơn 1 thập kỷ qua.

Chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Athens lần này đang trở thành tâm điểm chính trị ở Châu Âu, vì đây là chuyến thăm đầu tiên của một người đứng đầu nhà nước quốc gia Châu Á này đến Hy Lạp trong hơn 1 thập kỷ qua.

Theo lịch trình công bố, ông Tập Cận Bình có chuyến thăm kéo dài 3 ngày ở Hy Lạp nhằm tìm kiếm “sự hợp tác sâu hơn với Hy Lạp trong mọi lĩnh vực”. Ông Tập Cận Bình có cuộc gặp Tổng thống Hy Lạp Prokopis Pavlopoulos và Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis, thúc đẩy ký kết các văn kiện hợp tác trong các lĩnh vực giáo dục, vận tải biển và năng lượng. Đó là kết quả được dự báo. Trên thực tế, Athens đã và đang xây dựng các mối quan hệ ngày càng chặt chẽ hơn với Bắc Kinh trong hơn 1 thập kỷ qua. Sáng kiến hợp tác song phương khởi đầu bằng một thỏa thuận vào năm 2008 bởi chính phủ bảo thủ khi đó nhằm nhượng lại các kho bãi container ở cảng chủ chốt Piraeus cho Cty vận tải khổng lồ Cosco của Trung Quốc.

Tuy nhiên, cũng trong hơn 1 thập kỷ qua, đây là lần đầu tiên một người đứng đầu nhà nước Trung Quốc đến Hy Lạp. “Chuyến thăm này mở ra một chương mới có tầm quan trọng quyết định trong mối quan hệ vốn đã rất tuyệt vời giữa Trung Quốc và Hy Lạp”, Tổng thống Hy Lạp Prokopis Pavlopoulos đã ca ngợi mối quan hệ ngày càng sâu sắc với Trung Quốc bằng những mỹ từ như vậy. Nhưng cả Châu Âu lại đang cảnh giác với chương trình nghị sự của Bắc Kinh. Vì sao như vậy?

Kể từ sau cuộc khủng hoảng nợ bùng nổ năm 2008, giá nhà đất tại thị trường bất động sản Hy Lạp sụt giảm mạnh. Giá rẻ cùng với chương trình thị thực vàng của chính phủ Hy Lạp đã cuốn hút các nhà đầu tư Trung Quốc. Và dòng vốn đầu tư lớn từ Trung Quốc góp phần thúc đẩy đáng kể thị trường bất động sản tại nước này và là tín hiệu tích cực cho Athens trong việc khôi phục lại nền kinh tế sau 1 thập kỷ suy thoái. Ngoài ra, Hy Lạp sở hữu vị trí địa chiến lược tại Địa Trung Hải khi nằm giữa Châu Âu, Châu Á và Châu Phi và được xem là “cửa ngõ” vào Châu Âu của Bắc Kinh và cũng là mắt xích quan trọng trong chiến lược lớn “Vành đai và Con đường” của Bắc Kinh.

Và tất nhiên, khi Trung Quốc có thể gia tăng ảnh hưởng cả về kinh tế lẫn chính trị tại Hy Lạp, một quốc gia được cho là “mắt xích yếu” trong Liên minh Châu Âu (EU), con đường gia tăng ảnh hưởng ở Châu Âu càng được rút gần. Đó là điều Châu Âu không hề mong muốn.

THANH VĂN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/92_215864_dang-sau-chuyen-cong-du-hy-lap-cua-ong-tap-can-binh.aspx