Đảng, Nhà nước và Nhân dân luôn là điểm tựa và luôn tin tưởng đội ngũ doanh nhân

Thủ tướng khẳng định Đảng, Nhà nước và Nhân dân sẽ luôn là điểm tựa và luôn tin tưởng đội ngũ doanh nhân, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cam kết luôn sát cánh, chia sẻ, động viên đội ngũ doanh nhân và sẽ tập trung tổ chức triển khai hiệu quả Nghị quyết 41 vừa được Bộ Chính trị ban hành về xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi gặp mặt

Chiều 11/10/2023, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thường trực Chính phủ đã có buổi gặp mặt đại diện giới doanh nhân Việt Nam. Thủ tướng nêu rõ, thời gian qua Quốc hội, Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nhân phát triển; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược (thể chế, hạ tầng và nhân lực), giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, lành mạnh, giảm chi phí cho doanh nghiệp. Tinh thần là "hạ tầng thông suốt, chính sách thông thoáng, điều hành thông minh".

Theo Thủ tướng, thời gian tới Chính phủ sẽ tổ chức triển khai hiệu quả Nghị quyết 41 ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Cụ thể:

1. Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, ổn định được các cân đối lớn của nền kinh tế. Giữ vững độc lập, chủ quyền, an ninh, trật tự xã hội; tạo công ăn việc làm cho người lao động, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập, hợp tác quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển, thu hút đầu tư.

2. Tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh công bằng, thông thoáng, bình đẳng và minh bạch; bãi bỏ các rào cản, quy định về điều kiện kinh doanh không cần thiết, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xây dựng nền kinh tế số, Chính phủ số, xã hội số, công dân số.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trần Lưu Quang tới dự buổi gặp mặt của Thường trực Chính phủ với đại diện doanh nhân Việt Nam. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

3. Tiếp tục tháo gỡ những điểm nghẽn trong huy động nguồn lực, sản xuất kinh doanh; tiếp tục tạo thuận lợi, tăng tiếp cận tín dụng cho người dân, doanh nghiệp; hướng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, động lực tăng trưởng; tạo dựng và củng cố niềm tin, tâm lý, cảm hứng kinh doanh; với phương châm "Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, động lực, nguồn lực cho sự phát triển".

4. Thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các loại thị trường an toàn, lành mạnh, minh bạch như: thị trường vốn, bất động sản, lao động, đặc biệt là thị trường lao động chất lượng cao

5. Yêu cầu các bộ, ngành, địa phương rà soát lại các vướng mắc khó khăn hiện nay của các doanh nghiệp; có kế hoạch xử lý kịp thời, hiệu quả, giải quyết dứt điểm các vướng mắc đã tồn tại từ lâu gây cản trở cho hoạt động của doanh nghiệp.

6. Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công để nguồn vốn này thực sự trở thành động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, không chỉ trong ngắn hạn, mà cả trong trung và dài hạn. Lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, đặc biệt thúc đẩy đầu tư của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, các doanh nghiệp tư nhân vừa và lớn để tạo động lực dẫn dắt, lan tỏa, tạo cơ hội để kích hoạt đầu tư của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Bà Thái Hương, Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam phát biểu tại buổi gặp mặt. Ảnh: TTXVN

7. Đẩy mạnh triển khai có hiệu quả và thực chất Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa, thúc đẩy ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; tăng cường kết nối cung-cầu lao động, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, khơi dậy nội lực, khuyến khích mạnh mẽ sự phát triển của doanh nghiệp trong nước, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghiệp chế tạo, công nghệ cao, công nghiệp công nghệ thông tin, hình thành các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị trong nước và quốc tế.

8. Tăng cường triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sớm phục hồi và hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới mô hình kinh doanh dựa trên xu thế chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi xanh, các mô hình kinh doanh bao trùm, tuần hoàn…

Thủ tướng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân cần không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh, vươn tầm khu vực và quốc tế; phát huy hơn nữa tính chủ động, năng động sáng tạo; đồng thời chú trọng công tác phát triển Đảng tại các doanh nghiệp; nâng cao năng lực, phẩm chất, chất lượng nguồn nhân lực, năng lực lãnh đạo, quản lý, quản trị doanh nghiệp, cũng như phát triển văn hóa doanh nghiệp, xây dựng đội ngũ doanh nhân đủ tài, đủ tâm, đủ tầm.

Thủ tướng khẳng định Đảng, Nhà nước và Nhân dân luôn là điểm tựa và luôn tin tưởng đội ngũ doanh nhân Việt Nam. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cam kết luôn sát cánh, chia sẻ, động viên, tiếp thu tối đa các ý kiến của các tổ chức hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp để xây dựng và phát triển cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân hùng mạnh và đoàn kết.

Thủ tướng tin tưởng rằng, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành, chia sẻ khó khăn và ủng hộ Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong các chỉ đạo điều hành để cùng nắm bắt cơ hội mới, vận hội mới, nâng cao năng lực nội sinh, góp phần vào xây dựng một Việt Nam hùng cường và thịnh vượng, nhân dân hạnh phúc, ấm no.

Nhân dịp này, Thủ tướng cũng gửi lời chúc tốt đẹp nhất tới các nữ doanh nhân nhân dịp kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10.

Sau hơn 36 năm đổi mới, đến năm 2022, quy mô GDP Việt Nam đạt khoảng 409 tỷ USD, tăng khoảng 51 lần (GDP năm 1986 đạt khoảng 8 tỷ USD). Đặc biệt, giai đoạn 1986-2022, Việt Nam lọt Top 5 nước có quy mô kinh tế tăng nhiều nhất thế giới. Việt Nam đã trở thành n ền kinh tế lớn thứ tư của ASEAN và thứ 40 của thế giới, quy mô thương mại quốc tế nằm trong Top 20 của thế giới, là một trong những nền kinh tế được đánh giá là năng động và có độ mở cao nhất thế giới. Thương hiệu quốc gia Việt Nam được định giá 431 tỷ USD năm 2022 và là thương hiệu quốc gia có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới.

Hiện nay, Việt Nam đã có gần 900.000 doanh nghiệp đang hoạt động, khoảng 14,4 nghìn hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh, khu vực doanh nghiệp đóng góp hơn 60% GDP, khoảng 30% tổng số lao động đang làm việc.

Nguồn Bảo Vệ Công Lý: https://baove.congly.vn/dang-nha-nuoc-va-nhan-dan-luon-la-diem-tua-va-luon-tin-tuong-doi-ngu-doanh-nhan-400848.html