Đang ngủ hai mẹ con bị em dâu hắt nước sôi bỏng nặng

Theo lời kể của những người trong gia đình thì nguyên nhân dẫn tới vụ việc trên chỉ do chị G. không xin việc cho em dâu Tr. mà xin việc cho người khác.

Hai mẹ con chị dâu đang ngủ bị em dâu lẻn vào hắt nước sôi

Mới đây, người dân xã Sài Sơn (Quốc Oai, Hà Nội) vô cùng bàng hoàng và phẫn nộ trước thông tin hai mẹ con chị Nguyễn Thị Thu G. (SN 1986, trú tại xã Sài Sơn) bị chính người em dâu của mình hắt chậu nước sôi vào người khi đang ngủ.

Khi đến thôn, hỏi về sự việc trên, người dân nơi đây ai cũng tỏ ra bức xúc và bảo đây là trường hợp hy hữu nhất ở trong thôn kể từ trước tới nay. Nhờ sự chỉ đường của người dân, chúng tôi đã tìm đến gia đình của nạn nhân. Căn nhà cấp bốn mái ngói nhà chị G. đã ngả màu.

Tiếp PV, các anh em trong nhà vẫn vô cùng bức xúc trước hành động của cô em dâu. Tiếp xúc với PV, anh Tạ Văn M., anh chồng của nạn nhân G. cho biết, anh đang làm việc ở trong miền Nam. Khi nghe tin dữ, anh liền bắt xe về nhà ngay. Về đến nhà, anh phải chạy đôn đáo lên viện lo các thủ tục ở bệnh viện cho em dâu.

Anh M. kể, vợ chồng G. vô cùng vất vả. Chị G. làm công nhân, còn chồng là anh Tạ Văn L. đi làm nghề phun sơn ở làng nghề gỗ. Vợ chồng anh G. sinh được hai người con.

Em bé đang được điều trị tại bệnh viện

Cũng theo lời kể của anh M., sau một tuần nằm viện điều trị, tình hình sức khỏe của mẹ con chị G. đã dần ổn định. Hai mẹ con chị G. đang nằm điều trị tại viện bỏng Lê Hữu Trác. Cháu Q. bị bỏng nặng hơn mẹ.

"Đến thời điểm hiện tại, G. đã ăn được cháo, còn cháu Q. chỉ uống được sữa. Nhìn hai mẹ con bị bỏng nằm ở viện mà tôi không khỏi xót xa. Ở trong hồ sơ giấy tờ, các bác sỹ ghi là bị bỏng nước", anh M. cho biết.

Ngồi ngay cạnh đó, ông Tạ Quang S., bố chồng chị G. nghẹn ngào cho biết, vợ chồng ông vừa đi đào củ dong riềng ở ngoài bãi về. Cô con dâu G. ở căn nhà này, còn vợ chồng ông ở nhà trên.

Khi nghe tin con dâu G. xảy ra chuyện thì vợ ông chạy về nhà ngay. Sau đó, vợ chồng ông đưa con dâu đi cấp cứu tại bệnh viện. Vài ngày sau sự việc xảy ra, phía gia đình và con dâu Tr. cũng đã đến viện thăm hỏi tình hình sức khỏe của cháu Q.

Ông Tạ Quang S., bố chồng chị G. cho biết, thường ngày, G. đi làm công nhân. Nó cũng chỉ đi làm được vài tháng gần đây. Gần đây, Tr. có nhờ chị G. xin việc hộ ở công ty nhưng G. chưa xin giúp được.

Theo đánh giá của ông S., tính tình cô con dâu Tr. nhà ông khá khác với mọi người. Tuy nhiên, thường ngày Tr. cũng không gây gổ với ai, gia đình sống đầm ấm. Đến giờ, gia đình rất bình tĩnh để Tr. có thể hiểu được lỗi lầm mà mình gây ra.

Trao đổi với PV, ông Trịnh Văn Thịnh,quyền Trưởng công an xã Sài Sơn (Quốc Oai, Hà Nội) cho biết, vào khoảng 10h ngày 28/12, công an xã nhận được thông tin của ông Tạ Quang S. ở thôn Phúc Đức của xã phản ánh về việc con dâu của ông là chị Nguyễn Thị Thu G. (SN 1986) và cháu trai tên Tạ Văn Q. (SN 2010, con của chị G) bị kẻ lạ mặt hắt nước nghi là hắt axít vào cơ thể.

Lúc này, cháu Q. đang nằm ngủ ở trên giường với mẹ bất ngờ kêu đau rát khắp cơ thể. Ngay sau đó, gia đình đã đưa hai mẹ con chị G. đi cấp cứu tại bệnh viện.

Nhận được tin báo, lực lượng công an xã đã nhanh chóng có mặt tại gia đình ông Sinh để xác minh sự việc. Nhận thấy sự việc có tính chất nghiêm trọng, công an xã đã cấp báo đến lãnh đạo Công an huyện Quốc Oai để điều tra làm rõ theo đúng thẩm quyền.

Qua xác minh, cơ quan điều tra xác định nghi phạm là chị Chu Thị Tr. (SN 1983, em dâu chị G., trú ở cùng xã Sài Sơn) gây ra sự việc trên. Qua đấu tranh khai thác, chị Tr. đã thừa nhận hành vi của mình. Chị Tr. khai nhận đã dùng nước sôi nóng hất vào hai mẹ con chị G.

Theo điều tra ban đầu, mẹ con chị G. đang nằm ngủ ở trên giường. Lúc này, cửa nhà vẫn mở. Sau đó, chị Tr. lẻn vào trong phòng ngang nơi mẹ con chị G. đang ngủ và hắt xô nước nóng vào mẹ con chị G. Gây ra chuyện xong, chị G. nhanh chóng rời khỏi hiện trường.
Quyền Trưởng công an xã Sài Sơn cho biết thêm, phía cơ quan điều tra Công an huyện Quốc Oai (Hà Nội) đã thu giữ ấm điện, phích, chậu thau là vật dụng gây án.

Khi hỏi về việc mẹ con chị G. bị tạt nước sôi hay axít, ông Thịnh cho biết, đối tượng Tr. khai nhận dùng nước sôi. Việc này phải chờ giám định của cơ quan điều tra. Nguyên nhân ban đầu do mâu thuẫn cá nhân giữa chị G. và chị Tr.

Vì sao cô em dâu không bị tạm giữ?

Tiếp tục cuộc trò chuyện với PV, anh Tạ Văn M., anh chồng chị G. cho biết, sau khi sự việc xảy ra, Tr. đã thừa nhận hành vi đổ nước sôi vào người chị dâu G. và cháu Q. trong lúc nằm ngủ ở giường. Ngoài ra, gia đình cũng đã ghi âm lại được lời nhận lỗi của Tr..

"Phía công an đã gọi chị Tr. lên làm việc hai lần nhưng do Tr. đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi nên đã được tại ngoại. Bên cạnh đó, gia đình chị Tr. đã gọi điện cho mọi người bảo rằng lên thăm hai mẹ con chị G. và cháu Q. ở viện", anh M. cho biết.

Khuôn mặt gầy gò, bà Bùi Thị Th., mẹ chồng chị Tr. cho biết, hôm xảy ra sự việc bà ở nhà trên chứ không ở đây. Khi nhận được điện thoại thì vợ chồng tôi mới chạy xuống. Từ ngày về làm dâu thì Tr. chỉ ở nhà chăm con. Vợ chồng Tr. sinh được 2 con (con lớn 4 tuổi, con nhỏ mới được vài tháng tuổi).

Bà Th. cho biết, cách đây 2 năm, Tr. đã lấy thẻ bảo hiểm y tế của chị dâu xé đi. Tuy nhiên, chuyện này xảy ra đã lâu và hai chị em dâu cũng đã hòa giải với nhau.

Trước vụ việc hắt nước sôi vừa rồi, gia đình đã nói chuyện với chồng chị Tr.. Chồng của Tr. cho biết: "Vợ em thế nào thì cứ đưa ra pháp luật, chứ bây giờ em là người đứng ở giữa một bên là vợ, một bên là chị dâu cũng không biết làm thế nào".

"Sau khi sự việc xảy ra, Tr. đã mua xăng để ở trong nhà. Nếu Tr. ở nhà không biết sẽ ảnh hưởng như nào đến mọi người trong gia đình", ông S., bố chồng chị G. cho biết.

Ông S., bố chồng nạn nhân cho biết, trước đó, Tr. đã lao vào xe của chị dâu. Ngoài ra, T. còn lấy trộm xe máy của gia đình: "Hôm đó, Tr. đèo chị dâu đi ra ngoài chợ. Sau đó, Tr. đi về nhà dắt xe của gia đình đi mất. Lúc đó, cụ nội ở nhà nhưng do đã quá già yếu nên không cản được và cũng không nghĩ là Tr. lấy mất xe".

Theo thạc sĩ Ngô Anh Vinh – khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi trung ương cho biết bỏng nước sôi ở trẻ là bỏng nặng và xảy ra rất nhanh. Có những cháu chỉ vài giây không để ý đã ngã vào nồi canh, có cháu bỏng nước khi cùng mẹ pha nước tắm, có cháu thì bỏng dầu mỡ sôi, lửa hoặc điện, hóa chất. Tổn thương bỏng rất đa dạng. Khi bị bỏng, bác sĩ Vinh cho biết nếu bỏng ở vị trí cánh cẳng tay đặc biệt là bàn tay ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt và lao động. Ngoài ra các vị trí bỏng ở vùng mặt hoặc bộ phận sinh dục cũng rất nguy hiểm vì ảnh hưởng đến thẩm mỹ và chức năng sinh sản của trẻ.

Khi bị bỏng, việc sơ cứu ban đầu cũng rất quan trọng, nếu xử trí không đúng cách ngay từ những giây phút đầu tiên có thể khiến vết thương nhiễm trùng, lâu lành và để lại các di chứng như sẹo xấu, co rút ngón tay… thậm chí để lại những thương tật vĩnh viễn cho trẻ.

Tuyệt đối không dùng nước đá lạnh để làm mát vì có thể gây tổn thương da. Không bôi kem đánh răng, lòng trắng trứng lên vết bỏng để tránh làm gia tăng tổn thương. Không được tiếp xúc trực tiếp với vết bỏng để tránh nhiễm khuẩn làm cho vết bỏng nặng hơn.

Khi trẻ bị bỏng ở vùng có quần áo, sơ cứu không nên cởi bỏ quần áo khiến bị lột da vùng bỏng, nên nhanh chóng dùng kéo cắt áo quần ra tách khỏi vết bỏng tránh việc áo quần dính chặt vào vết bỏng khiến vết bỏng bị đau rát, dễ viêm nhiễm, nhẹ nhàng tháo bỏ các tư trang cá nhân, vòng lắc hoặc đồng hồ, giày dép.

BẢO YÊN - HÂN NGUYÊN

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com/phap-luat/an-ninh-hinh-su/tin-phap-luat-24h-dang-ngu-hai-me-con-bi-em-dau-hat-nuoc-soi-bong-nang-a177879.html