Đáng lo học sinh vi phạm an toàn giao thông

Tình trạng học sinh vi phạm khi tham gia giao thông không phải mới, nhưng thời điểm nào xuất hiện trên truyền thông cũng thu hút sự quan tâm của dư luận. Không ít trường hợp các em trong đồng phục học sinh không đội mũ bảo hiểm, chở ba, chạy xe lạng lách nguy hiểm giữa dòng xe cộ đông đúc. Những hành vi vi phạm này tiềm ẩn nguy hiểm cho những người tham gia giao thông và cho chính bản thân các em.

Vi phạm tràn lan

Năm học mới vừa bắt đầu cũng là lúc tình trạng học sinh ở Thủ đô Hà Nội vi phạm Luật Giao thông trở nên nóng hơn trên nhiều trục giao thông, nhất là các tuyến đường xung quanh trường học. Mặc dù các cơ quan chức năng và nhiều trường học đã tuyên truyền, quán triệt cho học sinh, giáo viên và phổ biến đến phụ huynh các quy định về an toàn giao thông, nhưng thực tế cho thấy từ tuyên truyền đến tổ chức thực hiện đang còn một khoảng cách rất lớn, hiệu quả đạt thấp.

Học sinh vi phạm các quy định về độ tuổi, điều kiện điều khiển mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông.

Khảo sát thực tế tại nhiều tuyến đường trên địa bàn Hà Nội, vào giờ tan học, nếu quan sát tại các điểm trường THCS, THPT trên địa bàn, không khó bắt gặp hình ảnh học sinh vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông. Trong khi các em học sinh THCS chủ yếu là điều khiển xe đạp đi ngược chiều, tụ thành nhóm đùa giỡn dưới lòng đường, không đội mũ bảo hiểm khi phụ huynh đưa đón thì học sinh THPT lại vi phạm các quy định về độ tuổi, điều kiện điều khiển mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông. Ngoài ra, còn có các trường hợp chở quá số người quy định, phóng nhanh, vượt ẩu.

Chị Lê Huyền Anh (ở quận Cầu Giấy) cho biết, trên đường đi làm hằng ngày, qua nút giao Nguyễn Văn Huyên - Nguyễn Khánh Toàn không khó để bắt gặp hình ảnh những cô, cậu còn mặc áo học sinh ngồi trên xe máy điện cho đến các dòng xe trên 50cc như Wave, Air Blade hay Liberty, SH125... không đội mũ bảo hiểm đi trên đường. Tình trạng điều khiển xe gắn máy trên 50cc, không đội mũ bảo hiểm, thậm chí chở ba, chở bốn phóng nhanh trên đường khiến nhiều người không khỏi giật mình.

Nhằm chấn chỉnh, tạo tiền đề xây dựng văn hóa giao thông cho đối tượng học sinh, sinh viên ngay từ những ngày đầu tiên của năm học mới, vừa qua, Đội Cảnh sát giao thông trật tự - Công an quận Hà Đông đã tổ chức ra quân tuyên truyền, xử lý vi phạm theo chuyên đề: “Học sinh vi phạm không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, đi xe phân khối lớn tham gia giao thông”. Theo thống kê riêng trong 2 ngày 6 và 9/9, lực lượng chức năng đã xử lý 20 trường hợp phụ huynh, học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ; tạm giữ 3 xe mô tô; yêu cầu 60 phụ huynh, học sinh ký cam kết chấp hành nghiêm pháp luật về trật tự an toàn giao thông…

Trước đó, ngày 7/9, tại địa bàn quận Hai Bà Trưng, Đội Cảnh sát giao thông số 4 đã chủ động phát hàng nghìn tờ rơi tuyên truyền về an toàn giao thông cho học sinh và phụ huynh tham gia giao thông trên đường đến lớp và sau giờ tan học. Trung tá Nguyễn Tuấn Anh, Đội trưởng, cho biết, lực lượng Công an đã lập biên bản và xử phạt nhiều trường hợp học sinh điều khiển xe mô tô, xe gắn máy vi phạm chủ yếu các lỗi như chưa đủ tuổi điều khiển mô tô, xe gắn máy; người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, đánh võng... Đáng nói, một số học sinh sử dụng lại các xe gắn máy cũ tự độ chế lại, thay đổi màu sơn, kết cấu để tham gia giao thông đến trường, chạy với tốc độ cao, vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông.

Chú trọng công tác tuyên truyền

Để nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trước cổng trường, cũng như góp phần hạn chế tai nạn giao thông liên quan đến học sinh, sinh viên, Phòng Cảnh sát giao thông - Công an thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý tình hình vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông liên quan đến đối tượng này. Theo Chỉ huy phòng Cảnh sát giao thông, tùy từng đặc thù địa bàn, các đội cảnh sát giao thông chủ động lên kế hoạch, mục tiêu là giáo dục nhằm thay đổi nhận thức của các học sinh và phụ huynh; đồng thời xử lý nghiêm những hành vi vi phạm.

Thực hiện kế hoạch này, Trung tá Phạm Văn Chiến, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 6 cho biết, trên địa bàn các quận Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm tập trung nhiều trường phổ thông, cao đẳng và đại học nên bên cạnh việc xử lý các vi phạm trên đường, đơn vị chủ động phối hợp nhà trường tổ chức các buổi tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ vào tiết học ngoại khóa đầu tuần. Bổ sung kiến thức, ý thức chấp hành Luật An toàn giao thông cũng như tăng cường xử lý các lỗi vi phạm ở thanh thiếu niên là những giải pháp vô cùng cấp thiết. Thế nhưng sự sát sao, quan tâm từ phía gia đình mới chính là cách bảo vệ tốt nhất dành cho các em.

Chỉ huy Đội Cảnh sát giao thông trật tự - Công an quận Hà Đông thông tin, ngay những ngày đầu năm học mới, đơn vị phối hợp với các lực lượng chức năng triển khai đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại cổng các trường học, không để học sinh, sinh viên, phụ huynh dừng, đỗ xe dưới lòng đường gây cản trở giao thông. Để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, răn đe, Công an quận Hà Đông sẽ lập danh sách học sinh, sinh viên vi phạm gửi Phòng Giáo dục và Đào tạo, cơ sở giáo dục trên địa bàn để có biện pháp quản lý, nhắc nhở, xử lý; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra giám sát, xử lý phương tiện đưa đón học sinh trên địa bàn. “Chúng tôi tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông, kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho học sinh, sinh viên; đảm bảo trong mỗi kỳ học tổ chức ít nhất 1 buổi tuyên truyền về trật tự an toàn giao thông đối với 1cơ sở giáo dục trên địa bàn”, Thiếu tá Nguyễn Tiến Năng cho biết.

Đại úy Phạm Đức Ngọc - Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông trật tự - Công an quận Hai Bà Trưng cho rằng, giải pháp tốt nhất để ngăn ngừa tình trạng học sinh vi phạm pháp luật giao thông là kết hợp giữa giáo dục, quản lý, xử lý giữa nhà trường, gia đình và lực lượng chức năng. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn hết là các bậc phụ huynh cần nâng cao ý thức trách nhiệm, thường xuyên theo dõi, nhắc nhở con em mình chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông, uốn nắn ngăn chặn ngay từ ban đầu các hành vi vi phạm. Đừng buông lỏng quản lý hoặc phó mặc cho nhà trường, cho cơ quan chức năng bởi trước hết, sự quan tâm, giáo dục của phụ huynh sẽ đảm bảo được sức khỏe và tính mạng của chính con em mình và cả những người cùng tham gia giao thông.

Minh Phương

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/dang-lo-hoc-sinh-vi-pham-an-toan-giao-thong-160179.html