Dâng hương tưởng niệm 723 năm ngày giỗ Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn

Sáng nay (4/10), tại di tích lịch sử văn hóa đền Phù Ủng, Ban quản lý di tích phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, cùng cán bộ và nhân dân phường Hàng Trống tổ chức dâng hương tưởng niệm ngày giỗ của Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn.

Đền Phù Ủng tọa lạc tại 25 Lý Quốc Sư, phường Hàng Trống, xưa kia, thuộc thôn Tiên Thị, tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương với tên gọi Phù Ủng Vọng Từ hay đền Phù Ủng là nơi duy nhất cùng thờ Quốc Công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn và Thượng tướng quân Phạm Ngũ Lão ở Thủ đô hiện nay. Đây là một di tích lịch sử văn hóa quý giá nằm trong quần thể di tích Hồ Hoàn Kiếm, giữa trung tâm Thủ đô Hà Nội.

Lãnh đạo quận Hoàn Kiếm dâng hương tưởng niệm 723 năm ngày giỗ Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn.

Lãnh đạo quận Hoàn Kiếm dâng hương tưởng niệm 723 năm ngày giỗ Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn.

Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương tên thật là Trần Quốc Tuấn, sinh năm 1228, là vị tướng kiệt xuất của dân tộc Việt Nam và được tôn vinh là một trong 10 danh tướng tài ba của thế giới. Dưới sự lãnh đạo của Ngài, quân dân Đại Việt đánh thắng 3 lần quân Nguyên Mông tại Chương Dương, Hàm Tử, Vạn Kiếp, Bạch Đằng giữ nguyên bờ cõi đất nước…

Lễ dâng hương tại đền Phù Ủng năm nay được tổ chức với quy mô cấp phường, với nội dung trang trọng, lành mạnh, tiết kiệm theo đúng quy định về tổ chức lễ hội của nhà nước và nghi lễ dân gian truyền thống theo đề án “Tổ chức lễ hội truyền thống trong Khu phố cổ và khu vực Hồ Hoàn Kiếm” của Ủy ban nhân dân quận. Là dịp để ôn lại những trang sử vẻ vang, truyền thống hào hùng chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta.

Đồng thời ghi nhận, tôn vinh và phát huy những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, tín ngưỡng dân gian truyền thống tốt đẹp của dân tộc, nhằm làm cho nhân dân và cán bộ phường Hàng Trống nói riêng, quận Hoàn Kiếm, nói chung hiểu biết thêm về sự hình thành và tồn tại, những giá trị lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật.

Đây là một hoạt động văn hóa có ý nghĩa thiết thực góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, là nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người dân Thủ đô, biểu hiện ước vọng tình cảm và truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc Việt Nam.

H.D

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/dang-huong-tuong-niem-723-nam-ngay-gio-quoc-cong-tiet-che-hung-dao-dai-vuong-tran-quoc-tuan-161087.html