Dâng hương tưởng niệm 123 năm ngày mất thân mẫu Bác Hồ

Đại diện sở ngành và TP. Huế đã tham dự lễ dâng hương, tưởng niệm 123 năm ngày mất bà Hoàng Thị Loan (1901-2024) – thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh do Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế tổ chức vào sáng 31/1 tại Nhà bia tưởng niệm địa điểm mai táng bà Hoàng Thị Loan ở núi Bân (phường An Tây, TP. Huế).

Đông đảo mọi người đến dâng hương, tưởng niệm bà Hoàng Thị Loan

Tại buổi lễ, các đại biểu đã lần lượt dâng hương, hoa lên người mẹ hiền đã nuôi dưỡng, kết tinh nên tâm hồn và đạo đức trong sáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bà Lê Thùy Chi, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế đã điểm lại tiểu sử cũng như những năm tháng bà Hoàng Thị Loan sống tại Huế.

Bà Hoàng Thị Loan sinh năm Mậu Thìn 1868 tại làng Hoàng Trù, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Bà là con gái của cụ đồ nho Hoàng Xuân Đường và bà Nguyễn Thị Kép. Từ nhỏ được cha mẹ bảo ban, dạy dỗ trở thành người con gái thông minh, xinh đẹp, thảo hiền, nết na, hội đủ “công, dung, ngôn, hạnh”.

Lớn lên bà lập gia đình với ông Nguyễn Sinh Sắc – là học trò nghèo mồ côi cha lẫn mẹ, được cụ Hoàng Xuân Đường đem về nuôi và dạy học. Năm 1884 bà sinh con gái đầu lòng Nguyễn Thị Thanh, năm 1888 sinh người con thứ hai Nguyễn Sinh Khiêm, năm 1890 sinh người con thứ ba Nguyễn Sinh Cung (Chủ tịch Hồ Chí Minh). Năm 1895 sau khi gửi con gái đầu lòng cho mẹ ruột, bà đem theo hai con trai Nguyễn Sinh Khiêm và Nguyễn Sinh Cung theo chồng vào Huế để tiện chăm sóc chồng con.

Năm 1900, khi bà mang thai người con thứ tư, ông Nguyễn Sinh Sắc được lệnh đi làm đề tại trường thi ở Thanh Hóa. Cuối năm đó, bà sinh người con thứ tư là Nguyễn Sinh Nhuận trong lúc ông Sắc và con trai cả vắng nhà, chỉ có Nguyễn Sinh Cung chăm sóc. Cuộc sống vất vả, sau sinh bà lâm bệnh nặng và qua đời vào ngày 22 tháng Chạp năm Canh Tý (10/2/1901) khi vừa 33 tuổi. Bà đã sống cuộc đời tần tảo, hy sinh cho chồng con đến phút giây sau cùng.

Mẹ mất, cậu bé Nguyễn Sinh Cung khi đó mới qua tuổi lên 10 đã phải vượt qua nỗi đau, cùng sự đùm bọc của bà con lối xóm đã lo chu toàn chữ hiếu đối với mẹ. Thi hài bà Hoàng Thị Loan được bà con đưa xuống thuyền, qua cống Thanh Long theo sông Đông Ba, ra sông Hương về sông An Cựu, đến gần ngã ba Giàng Xay thi hài bà được gánh bộ theo đường Ngự Bình và đưa lên mai táng ở triền núi Tam Tầng (núi Bân).

Dâng hương tưởng niệm người mẹ hiền của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Năm 1922, cô Nguyễn Thị Thanh (chị gái Chủ tịch Hồ Chí Minh) trong thời gian bị quản thúc tại Huế đã dời hài cốt của mẹ về an táng ở quê nhà Nghệ An. Tuy thi hài đã được cải táng về Nghệ An, nhưng suốt 22 năm an nghỉ trên đất Huế, linh hồn và máu thịt đã hòa quyện, thấm sâu vào mảnh đất này. Bà là tấm gương về nhân cách đạo đức của người phụ nữ thời bấy giờ, suốt đời bà đã tận tụy, hy sinh thầm lặng. Chính những đức tính cao đẹp đó của người mẹ đã nuôi dưỡng, kết tinh nên tâm hồn và đạo đức trong sáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Năm 1990, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thừa Thiên Huế đã tiến hành xây dựng Nhà bia tưởng niệm bà Hoàng Thị Loan tại vị trí an táng bà trước đây. Hơn 34 năm qua, công trình này luôn được Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế tu bổ, tôn tạo, trở thành điểm đến di tích tâm linh ý nghĩa . Công trình này cũng được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh.

Bà Chi cho hay, năm 2023, thực hiện đề án “Phát huy giá trị di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên Huế phục vụ phát triển du lịch”, Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế đã thực hiện dự án chỉnh trang, mở rộng cảnh quan thêm 700m2, xây dựng đường đi dạo, địa điểm nghỉ chân, trồng thêm các loại cây hoa phù hợp…

N. MINH

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/van-hoa-nghe-thuat/thong-tin-van-hoa/dang-huong-tuong-niem-123-nam-ngay-mat-than-mau-bac-ho-137611.html