Dáng hình Anh trong dáng hình sóng nước...

Kể từ khi Đảng và Nhà nước ta thành lập Cụm Kinh tế - Khoa học - Dịch vụ (DK1) trên thềm lục địa phía Nam (5/7/1989), vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ và khắc nghiệt, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân đã luôn vững vàng tay súng, bảo vệ vững chắc vùng biển hoàn toàn thuộc chủ quyền của ta, được xác định theo đúng các quy định của Công ước Liên Hiệp quốc về Luật Biển 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên. Hơn 30 năm qua, để những 'pháo đài thép' đứng sừng sững giữa trùng khơi sóng cả, đã có biết bao cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, mãi mãi nằm lại trong lòng biển mặn khi tuổi đời còn rất trẻ...

Theo dõi mục tiêu từ phía nhà giàn DK1

Tôi nhớ mãi buổi sáng ngày 28/12/2022, tàu neo dưới chân nhà giàn DK1/15. Hương hoa và lễ vật giản dị đã được cán bộ, chiến sĩ tàu Trường Sa 21 chuẩn bị chu đáo từ rất sớm. Sóng dưới mạn tàu rất lớn, tàu liên tục chao đảo ngả nghiêng nên trên bàn thờ, mọi thứ đều phải được cố định bằng băng dính.

Đúng 6 giờ, tất cả thành viên đoàn công tác (do Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân tổ chức vào dịp Xuân Quý Mão vừa qua) tập trung trước mũi tàu để tham dự Lễ tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh bên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Không ai có thể giấu được niềm xúc động, bùi ngùi, đặc biệt là với những cán bộ, chiến sĩ đã từng nhiều lần qua vùng biển thềm lục địa này, đã từng giữ nhiều cương vị công tác trên các nhà giàn DK1.

Trước bàn thờ Tổ quốc, Phó trưởng đoàn công tác - Thượng tá Nghiêm Xuân Thái (người con của quê hương Yên Lạc - Vĩnh Phúc) đọc diễn văn tưởng niệm mà giọng anh như lạc đi vì nghẹn ngào: “Trong giờ phút thiêng liêng, tràn đầy xúc động, với lòng thành kính và biết ơn vô hạn, Đoàn công tác xin kính cẩn nghiêng mình trước anh linh các liệt sĩ - những người con ưu tú của dân tộc Việt Nam, đã hiến trọn cuộc đời mình cho Tổ quốc thân yêu”.

Trong không gian và điều kiện hạn chế, lễ tưởng niệm được tổ chức trên biển giản dị mà trang nghiêm

Vào các năm 1990, 1996, 1998, 2000, thời tiết khắc nghiệt, những cơn bão dồn dập ập đến với sức tàn phá khủng khiếp đã nhấn chìm 5 nhà giàn, 1 tàu trực. Trong thời khắc giữa sự sống và cái chết, những người lính hải quân đã tỏ rõ lòng trung thành vô hạn với Tổ quốc, với Đảng, với nhân dân; quyết bám trụ đến cùng, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ vững chắc từng cột mốc chủ quyền trên biển.

Đó là sự hy sinh anh dũng của cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK1/3 cụm Phúc Tần, khi cơn bão số 10 có sức gió giật trên cấp 12 đổ bộ vào khu vực Nam Biển Đông, đêm ngày 4, rạng sáng ngày 5 tháng 12 năm 1990. Thượng úy Trần Hữu Quảng đã nêu cao vai trò của người Bí thư Chi bộ, động viên đồng đội bám sát để hỗ trợ nhau chống chọi với sóng dữ. Trong cận kề phút giây sinh tử, anh đã nhường chiếc phao cá nhân và miếng lương khô cuối cùng của mình cho người chiến sĩ yếu nhất, nhường sự sống cho đồng đội, để rồi thanh thản ra đi không một chút do dự, suy tính.

Cơn bão số 8 năm 1998, nhà giàn DK1/6 cụm Phúc Nguyên bị nghiêng lắc dữ dội... nhưng các cán bộ, chiến sĩ nhà giàn vẫn kiên cường bám trụ, giữ vững thông tin liên lạc với Sở chỉ huy, bình tĩnh, dũng cảm chống chọi với những trận cuồng phong giữa đêm đen mịt mùng... Nhưng sức người có hạn, nhà giàn bị đổ, cả 9 cán bộ, chiến sĩ bị hất tung xuống biển. Trong số đó có Chuẩn úy Lê Đức Hồng, chỉ kịp gửi lời chào “Vĩnh biệt đất liền” trước khi ngã vào lòng biển.

Những dòng tưởng nhớ ấy như lạc đi giữa tiếng sóng, tiếng gió ầm ào vọng lại từ giữa biển mênh mông. Có phóng viên lẳng lặng lau nước mắt, người quay mặt đi, người chẳng thể che giấu được những xúc động dâng trào.

Lễ tưởng niệm được tổ chức trên biển giản dị mà trang nghiêm. Một hồi còi tàu vang lên, phút mặc niệm bắt đầu. Chúng tôi kính cẩn nghiêng mình, thành kính dâng nén hương thơm bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh trên vùng biển thềm lục địa này. Khi vòng hoa đỏ và lễ vật được từ từ thả xuống biển, chúng tôi chuyền tay nhau những nhành hoa cúc, nhẹ nhàng thả xuống hai bên mạn tàu. Trước biển thẳm xanh dềnh lên những con sóng bạc, mọi thứ nhanh chóng trôi đi và tan ra...

Lúc này, tôi thấy anh Thái lùi ra một góc, nhìn xa xăm theo khói nhang vấn vít, gương mặt không che giấu nổi những cảm xúc u buồn.

Những người đồng chí, đồng đội trong giây phút tưởng nhớ người nằm xuống

Đã 27 năm kể từ ngày đầu tiên anh đặt chân lên nhà giàn, thực hiện nhiệm vụ trên vùng biển chủ quyền của ta, làm sao anh quên được những gương mặt thân thương như anh em ruột thịt, những kỷ niệm vui buồn nơi đầu sóng, ngọn gió. Càng thấm hơn cái giá của sự bình yên, vẹn toàn lãnh thổ! Bởi ở đấy đâu chỉ riêng có mồ hôi, công sức mà còn có cả máu và nước mắt của biết bao đồng đội, đồng chí của mình...

Anh kể: “Vào một đêm gần cuối tháng 4 năm 2001, tôi bàng hoàng nhận tin đồng chí Tạ Ngọc Tú hy sinh khi đang theo dõi, bám sát mục tiêu lạ giữa màn đêm tại khu vực Nhà giàn DK1/16. Đồng chí Tú không chỉ là đồng đội mà còn là người bạn thân thiết của tôi. Chỉ cách đó chưa đầy tháng khi chia tay nhau trên bến cảng để lên tàu đi thực hiện nhiệm vụ, Tú còn hào hứng kể cho tôi nghe về cô bạn gái, hẹn ngày trở về sẽ tính chuyện trăm năm”...

Câu chuyện anh Thái kể nhắc tôi nhớ đến gương hy sinh của Chuẩn úy chuyên nghiệp Nguyễn Văn An (nhà giàn DK1/6), anh ngã xuống khi đứa con nhỏ vừa mới chào đời còn chưa kịp nhìn mặt bố... Chợt trong tôi vọng lại những vần thơ về biển mà rưng rưng nước mắt: “Biển không xa sao thuyền cha không kịp về bến cảng/ Biển không sâu sao đựng hết những xác con tàu/ Về đi cha... con biết tìm cha đâu sau ngày giông gió”...

Kể sao hết những hy sinh, mất mát của bao cán bộ, chiến sĩ trên vùng biển thềm lục địa này. Dẫu biết, “cuộc chiến” nào cũng phải đánh đổi, nhưng sự ra đi của các anh đã để lại phía sau nỗi đau tột cùng cho gia đình, đồng đội, đồng chí; để lại nỗi thương nhớ khôn nguôi của những người mẹ chờ con, những người vợ chồng và những đứa con đếm từng ngày chờ đón bố...

Lời thề son sắt - “Còn người, còn nhà giàn” của những người lính canh biển đã được chứng minh. Sự hy sinh anh dũng của các anh đã bồi đắp vững chắc thêm cho tượng đài chủ quyền giữa biển trời Tổ quốc, tô thắm thêm truyền thống vẻ vang trong suốt chặng đường hơn 65 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành của Hải quân nhân dân Việt Nam, là tấm gương sáng ngời về lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc cho các thế hệ hôm nay và mai sau tiếp bước noi theo.

Bài, ảnh: Hoàng Cúc

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/97045//dang-hinh-anh-trong-dang-hinh-song-nuoc