Đảng đoàn Quốc hội làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An: Thảo luận về xây dựng một số cơ chế đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An

Ngày 29-3, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì buổi làm việc của Đảng đoàn Quốc hội với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An. Tham dự buổi làm việc có Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; các Phó chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Khắc Định, Nguyễn Đức Hải.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, buổi làm việc có nội dung chính là cho ý kiến về dự thảo nghị quyết của Quốc hội để tiếp tục thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển tỉnh Nghệ An.

Cụ thể, ngày 18-7-2023, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 39-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết số 39-NQ/TW với tư duy, tầm nhìn dài hạn, là căn cứ chính trị quan trọng để Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua Nghị quyết thí điểm bổ sung cơ chế, chính sách để phát triển tỉnh Nghệ An.

Trên cơ sở đó, Tỉnh ủy Nghệ An đã tổ chức đánh giá, sơ kết tình hình thực hiện kết luận của Trung ương, của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị trước đây về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020, lấy ý kiến của các Bộ, ngành, Chính phủ để xây dựng dự thảo, phấn đấu trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ bảy (Quốc hội khóa XV) sắp tới.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc.

Nghị quyết số 39-NQ/TW nêu rõ, Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo rà soát, ban hành bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù để tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 36/2021/QH15 của Quốc hội và mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết của Bộ Chính trị. Nghị quyết số 39-NQ/TW cũng nhấn mạnh mục tiêu xây dựng, phát triển tỉnh Nghệ An toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của cả nước, quy hoạch quốc gia và quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.

Tiếp tục cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, kinh tế số, kinh tế cửa khẩu, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Lấy con người làm trung tâm, văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam và xứ Nghệ là nền tảng tinh thần, nguồn lực nội sinh cho phát triển; tạo đột phá trong phát triển khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, y tế.

Phát triển hài hòa giữa các vùng, miền, giữa kinh tế với văn hóa - xã hội, giữa kinh tế với bảo vệ môi trường, nhất là hệ sinh thái rừng, biển, đảo, chủ động phòng, chống thiên tai và thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu; phát triển kinh tế gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh và chủ quyền biên giới, biển, đảo, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Quang cảnh buổi làm việc.

Nhấn mạnh yêu cầu bám sát Nghị quyết số 39-NQ/TW và bảo đảm các chính sách thể hiện được tính đặc thù riêng biệt, đột phá trong phát triển kinh tế, xã hội; chú trọng tính hợp lý, khả thi của chính sách, Chủ tịch Quốc hội cơ bản nhất trí với việc xây dựng nghị quyết mới của Quốc hội song hành với Nghị quyết số 36/2021/QH15. Về tiến độ triển khai, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh để trình dự thảo nghị quyết vào Kỳ họp thứ bảy (Quốc hội khóa XV).

Về chính sách được nêu trong dự thảo nghị quyết, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu tiếp thu ý kiến bước đầu của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, các bộ, ngành, Đảng đoàn Quốc hội, trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì để tiếp thu, nghiên cứu sửa đổi bổ sung, hoàn thiện hồ sơ dự thảo nghị quyết.

Tinh thần của dự thảo nghị quyết là những nghị quyết, chính sách đã áp dụng cho địa phương khác hiện đang triển khai cơ bản áp dụng cho Nghệ An, tính toán lập luận thêm sự cần thiết, tính khả thi. Với những chính sách mới, cần rà soát để tránh sự trùng lặp với quy định của pháp luật sẽ có hiệu lực trong thời gian tới.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý đến một số vấn đề cần nghiên cứu liên quan đến cơ chế về hệ số phân bổ chi phí đầu tư, phân cấp trong quyết định thẩm quyền, tăng cường nguồn thu, bổ sung nguồn lực cho địa phương. Bên cạnh đó, tỉnh Nghệ An cần nghiên cứu kinh nghiệm và quy định pháp luật đã áp dụng trong phân cấp, phân quyền để giao thêm thẩm quyền, trách nhiệm cho TP Vinh, từ đó, kiến nghị, đề xuất chính sách đặc thù về tổ chức, bộ máy, biên chế, tương xứng với chức năng nhiệm vụ. Cùng với đó là các chính sách, thể chế khác liên quan đến kinh tế, quản lý đô thị, chính quyền địa phương, văn hóa, xã hội, kết cấu hạ tầng, giao thông... Với những vấn đề về tổ chức, biên chế, bộ máy nếu có sự khác biệt so với quy định cần phải báo cáo với cơ quan có thẩm quyền, khi đưa vào nghị quyết cần quy định cụ thể để thuận lợi trong quá trình triển khai, thực hiện.

MẠNH HƯNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/dang-doan-quoc-hoi-lam-viec-voi-ban-thuong-vu-tinh-uy-nghe-an-thao-luan-ve-xay-dung-mot-so-co-che-dac-thu-phat-trien-tinh-nghe-an-770571