Dang dở một giấc mơ

Một số dự án bảo tàng tư nhân ở xứ Quảng từng khởi động để thỏa niềm đam mê sưu tầm vừa có thể góp thêm sản phẩm cho du lịch. Nhưng theo thời gian, vài điểm đến giờ chỉ còn được nhắc như 'một thời vang bóng', giấc mơ ấy vẫn dang dở…

Không gian nhà Việt Nam từng được chọn làm “phim trường” để sản xuất phim truyền hình dài tập “Táo quân ở trọ”.

Chẵn 10 năm trước, vào dịp Festival Di sản Quảng Nam 2013, một số tour và sản phẩm du lịch mới được thiết kế để góp thêm “sắc màu” cho kỳ lễ hội. Có một tour khởi đầu từ đô thị cổ Hội An, ghé Bảo tàng Điện Bàn, dẫn lên Mỹ Sơn rồi dừng ở điểm đến thú vị phía cực nam: Bảo tàng Chu Lai. Lúc đó, đây là một trong những bảo tàng tư nhân đầu tiên ở Việt Nam và cũng là bảo tàng tư nhân lớn nhất miền Trung.

Đã có thời điểm bảo tàng ở huyện Núi Thành này trưng bày gần 3.500 hiện vật trong khuôn viên 5ha với nhiều mảng văn hóa phong phú, từ văn hóa Champa, Tây Nguyên đến cổ vật các triều đại ở Việt Nam, nhất là bộ sưu tập hơn 140 khẩu súng thần công. Lượng hiện vật nhiều đến mức nếu 2 chuyên gia kim khí và gốm cùng kiểm định liên tục thì phải hết một tháng mới xong, nhiều hiện vật được “định giá” cả triệu USD…

Cụm bảo tàng tư nhân xứ Quảng từng khiến tôi nghĩ đến viễn cảnh tốt đẹp; bây giờ chỉ còn được nhắc như một giấc mơ dang dở...

Nhưng mọi chuyện không hoàn toàn suôn sẻ. Giới lữ hành có lúc tỏ ra dè dặt khi thiết kế tour tham quan bảo tàng, do các yếu tố kỹ thuật (sử dụng phiên bản và bố trí lộn xộn khi trưng bày, chú thích chưa rõ ràng, cần thẩm định…).

Chuyến khảo sát tuyến điểm du lịch các huyện phía nam Quảng Nam do Sở VH-TT&DL tổ chức cũng đã ghi nhận ý kiến phản đối của hầu hết doanh nghiệp du lịch… Khoảng 2 năm nay, bảo tàng rơi vào cảnh vắng lặng.

Một cán bộ ở huyện Núi Thành thường lui tới nơi này tỏ ý tiếc nuối: “Trước đây, khách đông, các đoàn về tham quan nhiều. Địa phương mở hội nghị tổng kết đời sống văn hóa cũng thường mượn cơ sở này để tổ chức, hoành tráng lắm! Nhưng bây giờ, khu trưng bày hiện vật không hoạt động nữa, cỏ mọc đầy…”.

Cụm bảo tàng tư nhân xứ Quảng từng khiến tôi nghĩ đến viễn cảnh tốt đẹp dành cho giới sưu tầm cổ vật khi họ “đeo đuổi giấc mơ bảo tàng”, và hình dung sản phẩm du lịch sẽ phong phú hơn. Như “bảo tàng vàng” đầu tiên ở huyện Quế Sơn, bảo tàng thuyền buồm Hội An, “bảo tàng” đá cảnh (suiseki) ở huyện Duy Xuyên, bảo tàng “khu vườn của ký ức” Đồng Đình trên bán đảo Sơn Trà. Đặc biệt là Không gian nhà Việt Nam, tọa lạc ở thị xã Điện Bàn.

Du khách từng chọn Không gian nhà Việt Nam ở thị xã Điện Bàn là điểm dừng chân ưa thích.

Có lý do để vị giáo sư ở Hà Nội khi đến thăm Nhà bảo tồn mỹ nghệ văn hóa kim hoàn (khai trương hồi tháng 11/2015) đã động viên rằng, đây sẽ là bảo tàng vàng đầu tiên ở Việt Nam “nếu các bạn biết cách phấn đấu”.

Bởi lẽ, những hiện vật do các hội viên kim hoàn Quảng Nam sưu tầm, hiến tặng, trưng bày trong gian nhà cạnh quốc lộ 1 thuộc địa phận huyện Quế Sơn đã gợi nhớ về xứ vàng Bồng Miêu cùng gốc gác báu vật quốc gia làm bằng vàng Kosa linga (phát hiện tại huyện Đại Lộc).

Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ, người hỗ trợ trưng bày bộ sưu tập kim hoàn này, từng thốt lên: “Xứ vàng Quảng Nam mà không sớm có một bảo tàng vàng thì quá tiếc!”… Nhưng 8 năm trôi qua, nhà bảo tồn vẫn chưa “bật” lên được.

Nghệ nhân Trần Văn Anh, chủ hiệu vàng Ngọc Minh (huyện Duy Xuyên), thành viên Ban vận động thành lập nhà bảo tồn mỹ nghệ, vẫn không chịu bỏ cuộc. Ông vẫn âm thầm sưu tầm, gầy dựng thành phòng trưng bày riêng…

Nghệ nhân Trần Văn Anh được nhắc đến nhiều sau khi tác phẩm “Thiên long Việt đồ” của ông với 1.000 con rồng vàng được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) tặng Cúp kỷ lục quốc gia hồi năm 2010. Ông cũng đeo đuổi sưu tầm đá suiseki. Nhưng tất cả chỉ dừng ở đam mê cá nhân. Hồi giữa tháng 11/2023, tôi dọ hỏi ông lần nữa về giấc mơ bảo tàng tư nhân.

“Giờ chỉ lo chuyện “bảo tồn”, chưa tính đến chuyện “bảo tàng”. Làm bảo tàng thì cần thêm sự hỗ trợ của địa phương. Nếu du khách tìm đến, gõ cửa thì tôi sẵn sàng tiếp đón, chứ không có yếu tố tham quan, bán vé tạo thu nhập” - ông chia sẻ.

Tiếc nuối lớn nhất dành cho Không gian nhà Việt Nam. Nơi VietKings công nhận đến 5 kỷ lục quốc gia, có quá nhiều câu chuyện để kể và đủ sức níu chân du khách. Tôi từng chứng kiến nhiều đoàn khách trầm trồ khi nhìn ngắm ngôi nhà sinh thái lợp bằng gáo dừa, hồ khảm sành hay tham quan các ngôi nhà cổ. Ngay bên trong “bảo tàng kiến trúc nhà cổ” được công nhận kỷ lục, có thêm 2 kỷ lục khác: nhà tranh tre thuần Việt (cổ nhất) và nhà tam gian tứ hạ (nhiều cột nhất).

Đã có giai đoạn Không gian nhà Việt Nam này phải “chia” khu vực để vừa đón du khách tham quan vừa dành chỗ cho đoàn phim tác nghiệp như một “phim trường” tư nhân. Khi ấy, mỗi ngày có đến 500 - 700 lượt khách, cao điểm lên đến 2.000 lượt. Không gian này từng xuất hiện trong các bộ phim truyền hình dài tập như “Tuổi thanh xuân 2”, “Táo quân ở trọ” hay phim tài liệu “Về mái nhà xưa”…

Thế mà, giờ đây, nơi ấy cửa đóng then cài… Sản phẩm du lịch bảo tàng giờ trông cậy cả vào hệ thống bảo tàng chuyên đề ở phố cổ Hội An và vài địa chỉ khác. Trên cung đường di sản Hội An - Mỹ Sơn, du khách đã không còn điểm dừng chân thú vị như Không gian nhà Việt Nam. Hỏi sao không tiếc?

HỨA XUYÊN HUỲNH

Nguồn Quảng Nam: https://baoquangnam.vn/van-hoa/dang-do-mot-giac-mo-152279.html