Đăng cai Olympic 2024: Cuộc đua ngày càng kém hấp dẫn

Sau Hamburg (Đức), mới đây đến lượt thủ đô Rome (Italia) rút khỏi cuộc chạy đua đăng cai Olympic 2024. Lý do khiến giải thể thao lớn nhất hành tinh ngày càng kém hấp dẫn không nằm ở sự cạnh tranh giữa các thành phố đăng cai mà hoàn toàn ở khía cạnh kinh tế...

Thành phố Rome (Italia) đã rút khỏi cuộc chạy đua đăng cai Olympic 2024.

Sự suy thoái chung của kinh tế toàn cầu đã lan rộng sang cả lĩnh vực thể thao, cụ thể nhất là ở cuộc đua đăng cai Thế vận hội 2024. Ít năm trước, có tới 5 thành phố nộp đơn xin đăng cai sự kiện này, gồm: Hamburg (Đức), Rome (Italia), Budapest (Hungary), Paris (Pháp), Los Angeles (Mỹ). Nhưng đến lúc này, cả Rome và Hamburg đã nhanh chóng rời đường đua, và đây là lần thứ hai Rome rút khỏi cuộc chạy đua giành quyền đăng cai Olympic. Trước đó, Rome từng rút khỏi cuộc đua đăng cai Olympic 2020. Lý do đã được Thị trưởng TP Rome V.Raggi đưa ra là ngoài kinh phí tổ chức quá lớn, thu không đủ bù chi thì việc tổ chức Thế vận hội còn có thể khiến cảnh quan của thành phố cổ kính này bị phá vỡ do thêm nhiều công trình thể thao được xây dựng.

Tấm gương của Athens cũng như nền kinh tế Hy Lạp từ sau khi đăng cai Thế vận hội 2004 đến lúc này vẫn ám ảnh nhiều thành phố muốn đăng cai Olympic. Khi đăng cai Thế vận hội 2004, Hy Lạp đã thành công ở khía cạnh thể thao cũng như thu hút du khách. Nhưng đất nước này đã phải chi khoảng 9 tỷ euro để xây dựng, nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất thể thao, giao thông, trong đó có sân bay, tàu điện ngầm. Tổng chi phí đã vượt gấp đôi dự toán khiến nền kinh tế dần suy sụp. 10 năm sau khi đăng cai Thế vận hội, kinh tế Hy Lạp hoàn toàn suy sụp. Ý định tạo nên sức bật mới cho nền kinh tế xứ sở của các vị thần từ việc đăng cai Thế vận hội đã hoàn toàn thất bại. Trong khi đó, các công trình thể thao xây mới cũng hiếm khi được sử dụng mà vẫn phải chi phí bảo dưỡng. Chính vì vậy, người ta đã phải chuyển đổi công năng nhiều công trình để phù hợp với bối cảnh chung của nền kinh tế. Nhưng rõ ràng, bài học từ việc đăng cai Thế vận hội của Hy Lạp đã khiến nhiều thành phố phải xem xét kỹ trước khi quyết định theo đuổi đến cùng ở cuộc chạy đua đăng cai ngày hội thể thao lớn nhất hành tinh.

Trường hợp của TP Montreal (Canada) khi đăng cai Thế vận hội năm 1976 cũng vậy. Phải 30 năm sau, thành phố này mới trả hết món nợ 1,5 tỷ USD liên quan đến việc đăng cai. Ngoài ra, cũng có thêm ba trường hợp “kinh điển” rơi vào tình trạng khó khăn về kinh tế sau khi đăng cai Thế vận hội gồm Nagano (Nhật Bản, năm 1998 đăng cai Thế vận hội Mùa đông), Lake Placid (Mỹ, đăng cai Thế vận hội Mùa đông 1980), Albertville (Pháp, đăng cai Thế vận hội Mùa đông năm 1992).

Giờ đây, nhiều thành phố đã xác định muốn đăng cai tổ chức Olympic phải có sẵn hệ thống cơ sở vật chất thể thao cũng như hạ tầng giao thông, nếu không muốn đẩy nền kinh tế vào tình trạng phá sản. Ngay trong ba thành phố còn lại ở cuộc chạy đua đăng cai Thế vận hội năm 2024, nhiều chuyên gia cũng tỏ ý lo ngại cho Budapest (Hungary) bởi nếu được trao quyền đăng cai, thành phố này sẽ phải đầu tư lớn (ít nhất khoảng 11 tỷ USD) để xây mới hệ thống cơ sở vật chất thể thao, giao thông. Trong khi đó, Paris và Los Angeles lại đang sở hữu những yếu tố trên để bảo đảm không lỗ khi tổ chức Thế vận hội.

Rõ là những khó khăn về kinh tế đang khiến việc đăng cai sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh mất dần tính hấp dẫn. Kể cả khi Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế Thomas Bach cho rằng cần nỗ lực quảng bá về những lợi ích mà việc đăng cai Olympic mang lại cho thành phố, khu vực cũng như đất nước đăng cai thì cũng không còn nhiều thành phố dám vượt qua những dự báo kém lạc quan về những khó khăn kinh tế, xã hội sẽ gặp phải.

Minh An

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/The-thao/853361/dang-cai-olympic-2024-cuoc-dua-ngay-cang-kem-hap-dan