Đảng bộ xã Nhị Trường chuyển mạnh từ 'học tập' sang 'làm theo'

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, khắc phục khó khăn, phấn đấu vươn lên, giữa nhiệm kỳ đại hội 2020 - 2025, Đảng bộ xã Nhị Trường, huyện Cầu Ngang đã thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra: kinh tế phát triển với mức tăng trưởng khá; kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư, văn hóa - xã hội có bước phát triển, đời sống Nhân dân được nâng lên rõ rệt. Đồng chí Thạch Hưng, Phó Bí thư Đảng ủy xã Nhị Trường phấn khởi cho biết.

Ông Thạch Dươne, Giám đốc HTX nông nghiệp Ngọc Thạch ươm cây giống cung cấp cho thành viên HTX và nông dân xã Nhị Trường.

Để đạt được kết quả trên, nửa nhiệm kỳ qua, Đảng ủy, UBND xã đã có nhiều giải pháp đột phá trong phát triển kinh tế của địa phương, trong đó, lãnh đạo việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cây trồng, vật nuôi là yếu tố cơ bản thúc đẩy kinh tế xã Nhị Trường ngày càng phát triển. Nhớ lại từ năm 2020 về trước, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, kết cấu hạ tầng chưa được đầu tư đúng mức, nông thôn Nhị Trường không có điểm nổi bật. Nhưng với sự quyết tâm của toàn Đảng bộ, phấn đấu xây dựng xã đạt chuẩn NTM, nhiều ý kiến về phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, đầu tư kết cấu hạ tầng được đặt ra, thảo luận, bàn bạc trong tập thể Ban Chấp hành Đảng bộ. Từ đó, Đảng ủy đề ra nhiều giải pháp quan trọng trong thực hiện các tiêu chí XDNTM, cũng như thực hiện các chỉ tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ đề ra. Trong đó, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo nhu cầu thị trường được ưu tiên.

“Tai nghe không bằng mắt thấy”, từng đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ đã tham quan, học hỏi các xã bạn có điều kiện thổ nhưỡng giống địa phương nhưng đã bố trí cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao, để về tuyên truyền, vận động nông dân làm theo. Sau khi tham quan mô hình, xã đã vận động nông dân trồng bắp, ớt chỉ thiên, cà chua, đậu phộng, đồng thời thực hiện mô hình lúa chất lượng cao, lúa hữu cơ. Các ấp Ba So, Giồng Thành, Nô Lựa A, Nô Lựa B hình thành mô hình trồng bắp giống, bình quân mỗi ha bắp giống, nông dân thu lợi nhuận trên 60 triệu đồng.

Riêng ấp Bông Ven, năm 2020, nhờ sự hỗ trợ của các ngành, các cấp, trên địa bàn ấp đã thành lập được Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Ngọc Thạch. Hiện nay, Hợp tác xã có 50 thành viên, hoạt động chính là liên kết sản xuất thu mua lúa thương phẩm, lúa chất lượng cao, liên kết sản xuất các loại cây giống cho thành viên và nông dân trên địa bàn xã, như: bắp giống, đậu phộng; ươm cây giống các loại; cung cấp phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…

Ông Thạch Dươne, Giám đốc HTX nông nghiệp Ngọc Thạch cho biết: HTX hoạt động vì lợi ích thành viên. Hiện nay, thành viên HTX sản xuất gần 110ha với 03 loại lúa gồm lúa thương phẩm, lúa chất lượng cao, lúa hữu cơ. Sản lượng mỗi vụ khoảng 500 tấn. HTX liên kết với công ty thu mua lúa ở các tỉnh lân cận với giá mua cao hơn giá thị trường từ 500 - 1.000 đồng/kg. Đối với cây, con giống, HTX tự ươm cung cấp giống cho thành viên, tư vấn kỹ thuật, cung cấp phân bón, thuốc hóa học.

Với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tham gia vào tổ hợp tác, HTX, đồng thời kết hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo điều kiện cho 293 hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn phát triển sản xuất. Từ năm 2020 - 2023, xã có 114 hộ thoát nghèo, hiện toàn xã còn 131 hộ nghèo chiếm 3,9 % so với tổng số hộ chung toàn xã.

Song song đó, xã thành lập mới 05 doanh nghiệp, củng cố, nâng chất lượng hoạt động 08 tổ hợp tác, 03 HTX, với 123 thành viên, góp phần không nhỏ trong phát triển sản xuất, tiềm năng lợi thế kinh tế từng tiểu vùng, thực hiện có hiệu quả từ kế hoạch chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn xã. Dự kiến, năm 2025, xã sẽ khai thác hiệu quả vùng đất giồng cát ở các ấp Ba So, Giồng Thành, Nô lựa B, Bông Ven mở rộng diện tích trồng màu đạt 7.000ha. Đồng thời, tận dụng 100ha đất trồng lúa kém hiệu quả thuộc ấp Bông Ven, Nô Lựa A, Nô Lựa B, Là Ca A, Ba So, Giồng Thành chuyển sang trồng cỏ nuôi bò. Hiện nay, bò là con nuôi chủ lực của nông dân xã trong việc thoát nghèo. Đến năm 2025, xã tạo điều kiện thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển theo hướng kinh tế hộ, kinh tế trang trại, tăng nhanh đàn gia súc, gia cầm theo hướng nạc hóa đàn heo, nâng cao tầm vóc đàn bò. Phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ, xã có đàn bò 22.000 con, đàn heo 25.000 con, đàn gia cầm 80.000 con.

Bên cạnh đó, để thực hiện hoàn thành các tiêu chí XDNTM, xã Nhị Trường còn quan tâm phát triển sản phẩm OCOP, nghề truyền thống. Theo bà Ngô Thị Yến Hồng, hộ kinh doanh cốm dẹp Ba So, làm cốm dẹp là nghề truyền thống của gia đình từ duy trì từ bao đời nay. Để sản xuất ra cốm dẹp, trước đây, phải cần đến 04 người thực hiện, 02 người đứng trước bếp than rang nếp, khi hạt nếp vừa nở, 02 người sẽ cầm chày giã cốm, một người đảo, trộn cốm và một người sàng lọc cốm cho sạch cám. Giã cốm dẹp thủ công, vừa mất nhiều thời gian, cốm dẹp lại không nhiều, trung bình 01 ngày 04 người thực hiện chỉ giã được khoảng 50kg cốm dẹp, phục vụ không đủ nhu cầu thị trường. Thấy vậy, gia đình bà Hồng đã chuyển sang sản xuất cốm dẹp bằng máy ép cốm, 01 lần chạy cần 02 người thực hiện.

Bà Hồng chia sẻ: “việc chuyển qua máy ép, với các khâu rang nếp, chà gạo, xong qua máy ép, máy sàng rồi thành phẩm chỉ cần 02 người thực hiện. 01 ngày sản xuất được 200kg cốm dẹp, vừa giảm nhân công, năng suất tăng 04 lần”. Hiện nay, cốm dẹp Ba So được sản xuất hàng ngày, bán cho thương lái các địa phương Vĩnh Long, Sóc Trăng, Tây Ninh và bán lai rai cho các hộ tiểu thương trong tỉnh. Cốm dẹp Ba So, mỗi ngày bán từ 100 - 200kg, mỗi ký 25.000 đồng.

Bà Hồng bộc bạch: “hàng năm, vào dịp Rằm tháng 10, Lễ hội Ok Om Bok, nhu cầu thị trường cần sản lượng cốm nhiều hơn. Những ngày này, chúng tôi ép cốm liên tục, từ 300 - 400kg/ngày”.

Cốm dẹp Ba So chuẩn bị giao cho thương lái.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, xã Nhị Trường được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng với số vốn trên 332 tỷ đồng gồm: giao thông, cơ sở vật chất, trường học, đảm bảo Trường Tiểu học Nhị Trường A được công nhận trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1. Hàng năm, tỷ lệ học sinh đi học trong độ tuổi ở các cấp học đạt chỉ tiêu nghị quyết đề ra. Hệ thống đường giao thông trục xã, trục ấp, trục chính nội đồng, ngõ xóm đều được nhựa hóa, bê-tông hóa, đạt 100%, bảo đảm người dân đi lại, giao thương và vận chuyển hàng hóa dễ dàng.

Với sự quyết tâm, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và Nhân dân, năm 2022, xã Nhị Trường được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn xã NTM. Đây là niềm vinh dự, tự hào của toàn đảng bộ và là động lực để Nhị Trường tiếp tục phấn đấu nửa nhiệm kỳ còn lại.

Đồng chí Thạch Hưng, Phó Bí thư Đảng ủy xã Nhị Trường cho biết thêm: với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nửa nhiệm kỳ qua, Đảng bộ xã Nhị Trường đã thực hiện đạt các chỉ tiêu nghị quyết đề ra. Trọng tâm là XDNTM, nâng cao chất lượng cuộc sống Nhân dân.

Thời gian tới, xã tiếp tục tập trung các biện pháp phát triển kinh tế gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn; tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc của Nhân dân, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; đẩy mạnh các chỉ tiêu phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra.

Bài, ảnh: SƠN TUYỀN

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/hoc-tap-va-lam-theo-tu-tuong-dao-duc-phong-cach-ho-chi-minh/dang-bo-xa-nhi-truong-chuyen-manh-tu-hoc-tap-sang-lam-theo-33003.html